Thứ Tư, 26/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/11/2012 23:10 3005
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Mang thông điệp của Hội nghị Bảo tàng Quốc tế 2010 với chủ đề: Bảo tàng vì sự hòa đồng trong xã hội, có nghĩa rằng, Bảo tàng phải vì con người và vì sự phát triển của xã hội, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Bảo tàng không thể xa rời công chúng, lấy công chúng làm trung tâm để thực hiện chức năng góp phần hoàn thiện nhân cách, tri thức khoa học, văn hóa, lịch sử của con người. Câu lạc bộ Em yêu Lịch sử chính là một bộ phận không tách rời trong những mục tiêu ấy.

GS.NGND Đinh Xuân Lâm (bên phải) tại Hội nghị_ảnh H.A

Những suy nghĩ, ước vọng về một tương lai tốt đẹp cho các em học sinh cũng như những băn khoăn làm thế nào để cải thiện tốt hơn đối với việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường đang là vấn đề nóng không chỉ tại Hội nghị mở rộng “Chúng ta cùng học Lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ngày 25/10/2012, mà của toàn ngành giáo dục. Về vấn đề này, cũng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào đầu năm 2012, đã diễn ra buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam do GS. Phan Huy Lê đứng đầu.
Hội nghị Chúng ta cùng học lịch sử_ảnh H.A
Chia sẻ tại Hội nghị “Chúng ta cùng học Lịch sử”, GS.NGND Đinh Xuân Lâm, với hơn nửa thế kỷ nghiên cứu và giảng dạy, đã nhận định, việc học sinh chưa thích môn Lịch sử hoàn toàn không phải là môn sử không hấp dẫn, không lôi cuốn, mà đó là do nhiều hạn chế của ngành giáo dục nói chung, học sinh và giáo viên vẫn còn lệ thuộc vào sách giáo khoa, vấn đề về trách nhiệm của lãnh đạo các cấp không dành cho môn Lịch sử một vị trí xứng đáng với vai trò vốn có của nó. Theo đó, Giáo sư cũng nhấn mạnh đội ngũ giáo viên cần phải trau dồi, tâm huyết với nghề, tạo cho học sinh cách tư duy mở rộng, tạo sợi dây liên kết giữa học sinh, nhà trường và Bảo tàng, nơi thể hiện sinh động ngôn ngữ của hiện vật lịch sử qua các thời kỳ, làm thế nào để học sinh hứng thú hơn khi đến với môn học này.
Những chủ nhân tương lai của đất nước_ảnh H.A
Đối với đội ngũ giáo viên, những người đã tâm huyết nhiều năm với nghề, chia sẻ nỗi băn khoăn, trăn trở về những vấn đề tồn tại chưa biết bao giờ mới được tháo gỡ. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Thạc sĩ trường Chuyên Hà Nội Amsterdam đưa ra thực trạng, nguyên nhân làm cho môn Lịch sử chưa được coi trọng đúng mức ở nhà trường, những hạn chế dẫn đến kết quả học tập chưa cao, phải chăng nhà trường chưa coi môn học này, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nó, giáo viên nhận thức chưa đầy đủ, vì vậy việc đầu tư cho phương pháp dạy và học chưa thỏa đáng, v.v...
Em Bùi Trường Anh, học sinh trường THPT Chu Văn An_ảnh H.A
TS. Lê Thị Minh Lý, nguyên là Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL), nay là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát huy các giá trị Di sản Việt Nam cho rằng, việc các em học sinh chưa thích học môn Lịch sử là do “lỗi của người lớn chúng ta”. Bà Minh Lý nhấn mạnh trong khía cạnh vai trò của Bảo tàng đối với vấn đề thu hút các em học môn sử, có lẽ Bảo tàng của chúng ta kém súc tích, Bảo tàng đã “chính trị hóa” vấn đề, Bảo tàng chưa “vui” để thu hút các em đến thăm, v.v...
Học sinh học ngoại khóa tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia_ảnh H.A
Em Bùi Trường Anh, học sinh trường THPT Chu Văn An chia sẻ, so với các bạn khác coi lịch sử là những sự kiện, những con số “học rất khó vào”, thì em lại thấy Lịch sử mang đến những điều mới mẻ, bổ ích, lý thú, tạo cho em học cách tiếp cận vấn đề, cho em cái nhìn sâu rộng không chỉ về lịch sử dân tộc. Với em, bài học về lịch sử là công cụ gián tiếp để phân tích những bài học kinh nghiệm, đó mới là ý nghĩa quan trọng của việc học môn Lịch sử.
Các thầy cô giáo tại Hội nghị_ảnh H.A
Một bức tranh khá toàn cảnh về những vấn đề xoay quanh việc dạy và học lịch sử đã được các nhà nghiên cứu, các thầy cô, các nhà quản lý đánh giá, nhận định, đặc biệt là tiếng nói của các em học sinh mang đến Hội nghị Chúng ta cùng học Lịch sử đã cho thấy, tất cả không hề quay lưng với môn Lịch sử.
Vậy đâu là điểm mấu chốt để tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả môn học này, tiếng nói từ các thầy cô giáo nên chăng Bộ giáo dục & Đào tạo cần phải thay đổi lại cách đánh giá, nhìn nhận môn Lịch sử đúng với vai trò của nó.
Các nhà Quản lý, Cán bộ Bảo tàng tại Hội nghị_ảnh H.A
Một trong những giải pháp cho hiệu quả việc dạy và học môn Lịch sử hữu hiệu đó là việc thành lập Câu lạc bộ Em yêu Lịch sử, kể từ khi thành lập, trải qua 5 năm hoạt động đã cho thấy học sinh hứng thú hơn, nhiệt huyết hơn với môn học này. Em Trần Triều Phụng, trường THPT Trần Nhân Tông tâm sự, em mới tham gia câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử” chưa được lâu, nhưng câu lạc bộ đã cho em nhiều điều bổ ích, tiếp thu được nhiều kiến thức lịch sử hơn so với bài học ở trên lớp, em mong muốn Câu lạc bộ ngày càng thu hút được các bạn tham gia và học lịch sử tốt hơn.
Lễ Kết nạp Đội thiếu niên tiền phong tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của học sinh trường Tiểu học Trần Nhật Duật, Hà Nội_ảnh H.A
Theo Báo cáo tại hội nghị, Câu lạc bộ không chỉ tạo nên sân chơi bổ ích cho học sinh trên địa bàn Hà Nội mà lan tỏa trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nội dung mỗi buổi sinh hoạt luôn bám sát chương trình học ở nhà trường, do vậy chất lượng kết quả học tập của các em được nâng cao. Đây thực sự là động lực, là niềm vui đối với những người làm công tác Bảo tàng cũng như phụ trách Câu lạc bộ, vượt qua những khó khăn, rào cản để giúp các em ngày càng yêu thích môn Lịch sử, góp phần tạo cho các em bản lĩnh, ý chí và cốt cách tâm hồn người Việt Nam, như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói tại lần về thăm và làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tháng 10 năm 2011.
Trần Hồng Ánh
Tap chi Xua & Nay

Chia sẻ:

Bài viết khác

Giờ học Sử của học sinh khối 7 trường THCS Nguyễn Tất Thành tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Giờ học Sử của học sinh khối 7 trường THCS Nguyễn Tất Thành tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 11/11/2012 23:24
  • 3180

Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được từ việc tổ chức Giờ học Lịch sử, ngày 27/10/2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp tục tổ chức Giờ học lịch sử cho hơn 300 em học sinh khối 7 Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Hà Nội vào 3 buổi chiều thứ 7 hàng tuần (các ngày 20, 27 tháng 10 và ngày 3/11/2012). Buổi học được bắt đầu từ lúc 13h30.