Trong nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với ngành giáo dục triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng cả về nội dung và hình thức nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của việc dạy và học lịch sử trong nhà trường:
tham quan học tập phục vụ bài học ngoại khóa; khai thác, sử dụng tài liệu hiện vật của Bảo tàng vào bài học chính khóa, tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ "Em yêu Lịch sử", Giờ học lịch sử… Để đánh giá kết quả những hoạt động trên, sáng ngày 25/10/2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức Hội nghị mở rộng "Chúng ta cùng học Lịch sử" và Sơ kết Câu lạc bộ "Em yêu Lịch sử" khối THPT.
Ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có Nhà Sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay; Giáo sư Đinh Xuân Lâm; Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo dạy môn Lịch sử tại các trường Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội; đại diện các Bảo tàng tại Hà Nội, các em học sinh đến từ các trường THPT trong thành phố cùng đông đảo cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì Hội nghị.
Mô hình Câu lạc bộ "Em yêu Lịch sử" ra đời từ năm 2007, bằng hình thức phối hợp giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia với các trường Phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ bám sát chủ đề môn Lịch sử trong sách giáo khoa và nhân các ngày lễ lớn; những sự kiện lịch sử hoặc nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia…
Qua hơn 5 năm hoạt động, Câu lạc bộ "Em yêu Lịch sử" đã tổ chức được gần 60 buổi sinh hoạt với sự tham gia của học sinh từ khối Tiểu học, THCS đến THPT. Mô hình Câu lạc bộ "Em yêu Lịch sử" dành cho học sinh khối THPT, trong 2 năm hoạt động (tính đến tháng 9/2012), đã tổ chức được 28 buổi sinh hoạt với sự tham gia của các trường như: Việt Đức, Trần Phú, Chu Văn An, Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Nguyễn Gia Thiều…, cùng một số trường THPT ở các tỉnh như: Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng …
Một số tham luận đáng chú ý được trình bày tại hội nghị như: Thạc sĩ Nguyễn Kim Dung - Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam; Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa; nhà báo Nguyễn Thị Châm - báo Giáo dục thời đại… Các tham luận đã làm rõ nguyên nhân vì sao chất lượng dạy và học môn Lịch sử chưa cao trong các trường phổ thông, đồng thời đưa ra những giải pháp, định hướng phát triển hoạt động giáo dục giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng thêm yêu lịch sử, văn hóa dân tộc.
Thành công tại Hội nghị cũng sẽ là cơ sở để Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, xây dựng các chương trình giáo dục đa dạng, phù hợp với đối tượng học sinh, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ "Em yêu Lịch sử" và Giờ học Lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Lê Khiêm