Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/10/2012 16:33 3669
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Giờ học lịch sử là tên gọi một chương trình hoạt động của Phòng Giáo dục, Công chúng thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Tiếp theo những kết quả đạt được rất tốt đẹp đối với học sinh khối lớp 6; kế hoạch tổ chức Giờ học lịch sử cho học sinh khối lớp 9 của Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) được tiếp tục thực hiện trong hai ngày 22 và 29-9-2012 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Từng nhóm học sinh được tham quan trưng bày Bảo tàng Lịch sử
quốc gia, ngày 22/9/2012

Đến Bảo tàng học Lịch sử qua hiện vật trưng bày

Nội dung Giờ học lịch sử tại Bảo tàng đối với học sinh khối lớp 9 được cán bộ phòng Giáo dục, Công chúng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) phối hợp với giáo viên bộ môn Sử của Trường THCS Nguyễn Tất Thành xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ chương trình Sách giáo khoa gắn với hệ thống trưng bày của Bảo tàng. Chủ đề của giờ học được lựa chọn lần này là: Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam từ 1858 đến năm 1945. Buổi học bắt đầu từ lúc 13h30’. Sau khi được nghe giới thiệu tổng quát về nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 100 em học sinh được chia thành 2 nhóm lần lượt tham quan 9 phòng trưng bày đầu tiên có nội dung giới thiệu về Thời kỳ đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam từ 1858 đến 1945. Các em học sinh được thấy tận mắt những hiện vật, hình ảnh lịch sử để hiểu rõ hơn về quá trình thực dân Pháp xâm lược và áp đặt bộ máy thống trị của chúng ở Việt Nam. Các em được xem từ bức ảnh Liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng ngày 1-9-1858 chính thức mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam; cho đến những hiện vật tiêu biểu như Súng thần công, hay các loại vũ khí thô sơ, tự tạo, tiêu biểu là khẩu súng trường nhân dân ta đã dùng đánh Pháp trong phong trào Cần Vương. Tuy thô sơ nhưng khẩu súng có những chi tiết được chế tạo rất khéo léo bởi Cao Thắng, một vị tướng trẻ tài giỏi dưới quyền chỉ huy của cụ Phan Đình Phùng - Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Các em cũng được tận mắt nhìn tấm Thẻ thuế thân và hiểu rõ hơn về “thuế thân”– một thứ thuế trong rất nhiều thứ “sưu cao thuế nặng” và vô lý mà chính quyền thực dân - phong kiến áp đặt để bóc lột nhân dân ta thời kỳ này…

Học sinh lớp 9A1 Trường THCS Nguyễn Tất Thành đang làm bài thi trắc nghiệm ngày 22/9/2012

Không khí của buổi học hôm đó tại phòng trưng bày có lúc thật sâu lắng, xúc động khi các em được nghe kể những câu chuyện lịch sử sống động gắn với những hiện vật tiêu biểu. Đứng trước bức tượng anh Kim Đồng và tấm bằng “Có công với nước” do Tổng bộ Việt Minh truy tặng Liệt sĩ Nông Văn Dền (tức Kim Đồng), ngày 2/9/1944, giọng chị thuyết minh viên nhỏ nhẹ dẫn các em trở về với một vùng quê miền núi Pác Bó (Cao Bằng)- chiếc nôi của chiến khu cách mạng, khi còn nhỏ Kim Đồng đã sớm được cán bộ Việt Minh giáo dục, giác ngộ. Anh đã vận động các bạn cùng lứa tuổi trong bản làm nhiệm vụ liên lạc, chuyển công văn, tài liệu, đưa đón cán bộ, trinh sát nắm tình hình địch để cung cấp cho cán bộ. Tháng 5 năm 1941, Hội Nhi Đồng cứu quốc được thành lập. Kim Đồng là một trong số năm đội viên đầu tiên và được bầu làm đội trưởng. Được rèn luyện thử thách, Kim Đồng luôn thể hiện trí thông minh, lòng dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tháng 8/1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau làng Nà Mạ. Bác khen ngợi đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Rạng sáng ngày 15 tháng 2 năm 1943, Kim Đồng được giao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cuộc họp bí mật của Trung ương Đảng. Khi phát hiện bọn địch đang phục kích ngay cạnh nơi họp, trước tình thế nguy hiểm, Kim Đồng nhanh trí nghĩ cách đánh lừa để địch nổ súng về phía mình. Chính nhờ tiếng súng “báo động” ấy, các cán bộ đã nhanh chóng thoát khỏi vòng vây nguy hiểm của địch. Riêng Kim Đồng, khi bị trúng đạn của địch, anh chạy đến khu vực gần bờ suối Lê Nin thì anh dũng hy sinh, khi đó, Kim Đồng mới vừa tròn 14 tuổi. anh đã nêu tấm gương sáng chói cho các thế hệ thanh, thiếu niên và mọi người Việt Nam noi theo.

Học sinh lớp 9A4 trường THCS Nguyễn Tất Thành đang làm bài thi trắc nghiệm

Cuối phần tham quan trưng bày, các em như được hòa mình vào không khí sục sôi của những ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám - mùa Thu năm 1945 với sự kiện ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chơi mà học - học mà chơi, nhanh thuộc Sử lại nhớ lâu

Sau 60 phút tham quan trưng bày, các em có 20 phút để làm bài trắc nghiệm gồm 20 câu hỏi liên quan đến nội dung giờ học. 40 phút tiếp theo, trong khi các cán bộ phòng Giáo dục, Công chúng chấm bài, các em học sinh tham gia các trò chơi tập thể với hoạt động thể chất vui nhộn như: cướp cờ, chuyền bóng bằng thìa v.v.…

Cuối giờ học, có phần tổng kết và trao giải cho các học sinh đạt điểm cao; trả lời được nhiều câu hỏi đúng hay có bài viết cảm tưởng sâu sắc nhất. Phần thưởng dành cho mỗi em là những món quà lưu niệm tuy nhỏ nhưng thật ý nghĩa, là sự động viên, khích lệ đối với những cố gắng của các em.

Học sinh trường THCS Nguyễn Tất Thành thi trắc nghiệm, ngày 29/9/2012

Để chương trình ngày một hiệu quả, tránh sự nhàm chán, bên cạnh phương thức làm bài thi trắc nghiệm trên giấy, học sinh còn được tham gia hoạt động chơi mà học như: Theo dòng lịch sử, trả lời câu hỏi trắc nghiệm… sử dụng trên máy chiếu, hình thức này mới nhưng rất ấn tượng và mang lại không khí học tập rất thoải mái đối với các em.

Kết thúc giờ học, nhiều em bày tỏ mong muốn sẽ được tiếp tục tham gia các buổi học lịch sử khác tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Điều đó cho thấy môn lịch sử thực sự không phải là một môn học khô cứng và kém hấp dẫn học sinh, nếu chúng ta biết kết hợp giữa học và hành, giữa học mà chơi- chơi mà học...

Xen kẽ giữa giờ học Lịch sử ở Bảo tàng, ngày 29/9/2012 là một tiết mục văn nghệ của học sinh trường THCS Nguyễn Tất Thành

Việc phối hợp chặt chẽ giữa Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) và Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong việc áp dụng mô hình Giờ học lịch sử tại Bảo tàng bước đầu đã đạt được những kết quả và hiệu ứng tích cực. Các kiến thức lịch sử được thấm sâu vào nhận thức của các em, biến thành hiểu biết của chính các em một cách hứng thú và khó quên. Mỗi sự kiện lịch sử không còn là một mảng của quá khứ khô cứng với những niên đại, con số, diễn biến nặng nề mà là lịch sử sống động, được các em tiếp nhận một cách hấp dẫn, chủ động.

Trong thời gian tới, Giờ học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiếp tục được tổ chức cho học sinh các khối lớp còn lại của Trường THCS Nguyễn Tất Thành và nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hy vọng chương trình này sẽ được các trường học tích cực hưởng ứng và phối hợp chặt chẽ.

Trịnh Hòa- Phòng GD,C

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ: