Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/08/2022 10:25 1713
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) đang lưu giữ bảo quản hơn 200.000 tài liệu, hiện vật từ thời tiền - sơ sử đến thời kỳ cận - hiện đại, với nhiều bộ sưu tập phản ánh lịch sử, văn hóa lâu đời, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhằm tôn vinh hơn nữa giá trị di sản văn hóa dân tộc, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã xem xét và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cộng nhận bảo vật quốc gia cho các hiện vật, nhóm hiện vật đặc sắc quý hiếm. Qua các đợt xét chọn, đến nay (2022) BTLSQG có 22 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, là nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất Việt Nam.

Với mong muốn đưa những bảo vật đến gần hơn độc giả và những người yêu di sản văn hóa, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng với công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy di sản, trong đó có bảo vật quốc gia, BTLSQG đã biên soạn và phối hợp với Nxb Văn hóa Dân tộc phát hành ấn phẩm “Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia”. Cuốn sách giới thiệu 20 bảo vật (tính đến thời điểm xuất bản, quý IV/2021) có niên đại từ hơn hai ngàn năm trước (thuộc văn hóa Đông Sơn) cho đến thế kỷ XX.

 
Hai mươi Bảo vật quốc gia, về cơ bản được phân bố ở ba giai đoạn lịch sử:
- Bảo vật thuộc giai đoạn Văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa rực rỡ và nổi tiếng khu vực đương thời; - nền văn hóa tạo cơ sở vật chất hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc,  làm nên văn minh của ba dòng sông lớn: sông Hồng, sông Mã và sông Cả.
- Bảo vật thuộc giai đoạn lịch sử Trung đại, nổi lên những đại diện của văn hóa, văn minh Đại Việt, phản ánh về một quốc gia hùng cường, có truyền thống và sức mạnh trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trước mọi thế lực ngoại xâm. Cùng với đó là bảo vật thuộc Văn hóa Champa - một thành tố quan trọng để có một Việt Nam thống nhất trong đa dạng hôm nay. 
- Bảo vật giai đoạn lịch sử Cận - Hiện đại, đại diện xuất sắc và tiêu biểu là ba tác phẩm của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đường Kách mệnh, Nhật ký trong tù Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đó là ba tác phẩm trong kho tàng di sản đồ sộ của Người, làm nên một vĩ nhân Hồ Chí Minh.
1. Bảo vật quốc gia giai đoạn Văn hóa Đông Sơn được chọn lựa trước tiên là hai trong hàng trăm trống đồng hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng, đó là trống Ngọc Lũtrống Hoàng Hạ. Đây là hai trống đẹp nhất, tiêu biểu nhất, có niên đại sớm nhất trong phức hợp trống đồng Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Dường như, trong hầu hết các văn liệu khảo cổ học về văn hóa Đông Sơn có liên quan tới trống đồng, được xuất bản ở trong nước cũng như ngoài nước đều nhắc tới hai tuyệt phẩm này, với sự đặc sắc về hoa văn trang trí, phản ánh đời sống văn hóa, đời sống kinh tế, đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng cư dân đạt đến trình độ văn minh cao. Đó còn là bằng chứng gián tiếp nhưng phản ánh rất rõ nét về kỹ nghệ đúc đồng Đông Sơn thể hiện qua những đường nét hoa văn tinh xảo, trau chuốt, qua sự cân đối, hài hòa của dáng hình, qua những triết lý nhân sinh và vũ trụ ẩn chứa trong đó mà đến nay mọi kiến giải vẫn chưa làm hài lòng người đọc.
Thạp đồng có thể được coi là đặc trưng riêng có của văn hóa Đông Sơn thuộc thời đại đồ đồng và sắt sớm của khu vực và trên thế giới. Thạp Đào Thịnh lại có sự đặc biệt trong riêng biệt. Đó là chiếc thạp có kích thước lớn nhất trong những chiếc thạp hiện biết cho đến nay ở nước ta. Đó cũng là chiếc thạp trong số ít ỏi những chiếc thạp đẹp nhất về dáng hình, hoa văn trang trí và kỹ thuật đúc điêu luyện. Thạp Đào Thịnh còn là một tư liệu hiếm hoi về sự kết hợp giữa nghệ thuật trang trí phù điêu theo lối băng dải, vòng tròn, vốn được coi là đặc trưng của hình họa Đông Sơn, với một phong cách không quá phổ biến ở văn hóa này, đó là tượng tròn. Bốn khối tượng cặp đôi nam nữ giao cấu, được bố trí quanh nắp thạp, nơi trang trọng và ấn tượng nhất, dường như chứa đựng về một tín ngưỡng được tôn thờ đương thời - tín ngưỡng phồn thực, rất phổ biến của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thời Đông Sơn.
Mộ thuyền hay mộ thân cây khoét rỗng là một hình thức mai táng của cư dân Đông Sơn vùng đầm lầy ô trũng và ven biển. Những khu mộ Châu Can, Xuân La, Yên Từ, Kiệt Thượng, La Đôi và Phương Nam…, nay thuộc Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh là những chứng cứ cho nhận định ấy. Việt Khê (Hải Phòng) cũng không nằm ngoài vùng sinh thái nêu trên. Tuy nhiên, mộ thuyền Việt Khê có một sự khác biệt và vượt trội so với đồng loại, đó là kích thước lớn, chứa đựng tới hơn một trăm đồ tùy táng, với nhiều loại hình và chức năng, trong đó nổi bật là bộ dụng cụ bằng đồng, phản ánh đẳng cấp giàu sang, quyền quý của chủ nhân ngôi mộ. Đây là một trong những tư liệu sáng giá nhất về sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc trong xã hội Đông Sơn.
Tượng tròn, với tư cách là tác phẩm nghệ thuật độc lập, dường như không phải là thế mạnh của tạo hình thời Đông Sơn. Hai bảo vật: Tượng người cõng nhau thổi khènCây đèn hình người quỳ là hai ví dụ điển hình cho nhận xét này, khi những người nghiên cứu nhận ra, người cõng nhau là một bộ phận của đồ dùng bị rời ra và tượng người quỳ là một cây đèn mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Dẫu không phải là một pho tượng độc lập, nhưng Tượng người cõng nhau thổi khèn được coi như là một tác phẩm tượng tròn độc nhất vô nhị trong văn hóa Đông Sơn, ảnh xạ một phần trong nền nghệ thuật trình diễn của cộng đồng cư dân thời đại này, nay còn đọng lại trong đời sống văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Còn Cây  đèn hình người quỳ xuất hiện trên nhiều ấn phẩm khảo cổ học nghệ thuật ở trong nước và thế giới, với tư cách là đại diện xuất sắc nhất trong lịch sử đèn Việt Nam, hàm chứa nhiều ngôn ngữ biểu cảm, phản ánh sự giao thoa, tiếp biến văn hóa - một hiện tượng rất phổ biến của nghệ thuật Đông Sơn, đặc biệt ở những thế kỷ đầu Công nguyên.
2. Bảo vật giai đoạn lịch sử Trung đại Việt Nam, mở đầu bằng ba Bảo vật quốc gia có niên đại thời Trần, đó là ấn Môn hạ sảnh ấn, chuông Vân Bản và thống gốm hoa nâu.
Môn Hạ Sảnh ấn là quả ấn duy nhất có niên đại tuyệt đối, thuộc thời Trần, còn lại đến hôm nay. Đó cũng là quả ấn sớm nhất hiện biết trong hệ thống ấn chương thời quân chủ Việt Nam.
Môn Hạ Sảnh là cơ quan Trung ương nằm trong tam sảnh: Thượng Thư Sảnh, Trung Thư Sảnh và Môn Hạ Sảnh. Đó là ba cơ quan cao nhất của triều đình phong kiến nói chung, triều đại nhà Trần nói riêng. Môn hạ sảnh là cơ quan thân cận của nhà vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, chuyển lệnh của vua tới các cơ quan, nhận lời tấu lên vua và nhiều công việc liên quan tới lễ nghi trong cung. Chức quan ở Môn hạ sảnh thời Trần đều do những đại thần nắm giữ, nổi tiếng như Hữu ty Lang trung Trương Hán Siêu, Nhập nội Hành khiển Vũ Nghiêm Tá, Hành khiển Phạm Sư Mạnh v.v...
Chuông Vân Bản không phải là quả chuông duy nhất ở nước ta có niên đại thời Trần. Giá trị nổi bật nhất của quả chuông này là minh văn, với nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tôn giáo, đặc biệt là một số chức quan triều đại này. Chuông Vân Bản còn là vật chứng, cùng với phế tích tháp Tường Long thời Lý, khẳng định Đồ Sơn có vị thế địa chính trị, địa quân sự, trong chiến lược biển của hai triều đại, khi chính quyền Trung ương phát huy Phật giáo nhập thế, là một trong những lực lượng bảo vệ biên hải, khi đất nước luôn phải chống chọi với giặc ngoại xâm từ Biển Đông.
Gốm hoa nâu là một dòng gốm riêng có của Đại Việt, xuất hiện và phát triển rực rỡ ở hai triều Lý, Trần. Thống gốm hoa nâu tại Thiên Trường là một đại diện xuất sắc nhất trong dòng gốm riêng của Đại Việt, qua những thông tin về kích thước lớn, tạo dáng lạ, hoa văn trang trí đẹp, thể hiện trình độ làm chủ của người thợ thủ công sản xuất gốm thời Trần. Thống gốm phát hiện được ở Thiên Trường, "kinh đô" thứ hai của vương triều Trần, hành cung của vua cùng quần thần - nơi có nhiều đồ gốm quan dụng được sản xuất, gián tiếp chỉ định địa vị hoàng gia của bảo vật này.
Thời Lê Sơ và Lê Trung hưng, là hai bảo vật: Bình gốm vẽ thiên nga và Bia điện Nam Giao.
Bình gốm vẽ thiên nga là một trong những tác phẩm xuất sắc của dòng gốm hoa lam, thể hiện sự hoàn mỹ của hội họa trên gốm, tuân thủ nghiêm chuẩn luật viễn cận, miêu tả sinh cảnh đồng quê qua chủ thể là loài chim thiên nga cao sang, trong bốn tư thế mang biểu trưng nhân sinh. Đây cũng được coi là sản phẩm gốm xuất khẩu xuất sắc trong những đồ gốm xuất khẩu mọi thời đại, làm nên một thương hiệu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới với nhiều cường quốc gốm sứ đương thời. Gốm thời Lê Sơ nói chung, trong đó có chiếc bình gốm vẽ thiên nga, như một hiện tượng, chứng minh cho giai đoạn chuyển đổi, có ý nghĩa cách tân cho gốm Việt, diễn ra trên mọi phương diện của ngành nghề thủ công này.
Bia điện Nam Giao là một trong những tấm bia lớn nhất trong hệ thống bi ký Việt Nam thời Trung đại. Không chỉ có thế, tấm bia còn là một tác phẩm điêu khắc đá với nhiều đề tài ý nghĩa, có kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, thư pháp chữ Hán đặc sắc, nội dung liên quan tới một nghi lễ quan trọng của triều đình hàng năm: Lễ tế Nam Giao, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, giữ vững nền thịnh trị cho các triều đại.
Triều Tây Sơn được khắc ghi qua một bảo vật độc đáo và ấn tượng, đó là Trống đồng Cảnh Thịnh, chế tác năm 1800, cách đây tròn 221 năm. Trống có dáng giống như một chiếc trống tang gỗ, mặt da thời hiện đại, nhưng lại được đúc bằng đồng, gợi suy về một gạch nối giữa truyền thống xa xưa đến hôm nay qua truyền thống sử dụng trống đồng của người Việt. Dáng hình trống lạ, hoa văn trang trí phong phú, theo đó, trống Cảnh Thịnh luôn được xếp vào loại đặc biệt trong hệ thống trống đồng cổ Việt Nam.
Thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, ba bảo vật được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đều liên quan tới hoàng cung.
Ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo chế tác bằng vàng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Tuy nhiên, một trong những dòng lạc khoản trên ấn lại cho biết cụ thể ngày chế tạo, mùng 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ năm (1709), dưới triều vua Lê Dụ Tông. Hiện tượng nêu trên cho hay, vua Lê vẫn được suy tôn, nhưng ẩn sau đó, chúa Nguyễn ở Đàng trong bị loan đồn có ý đồ cát cứ, nên mọi động thái đều muốn chứng tỏ lòng trung quân, nhằm đối nghịch với chúa Trịnh ở Đàng ngoài tiếm quyền, tạo ra một chế độ lưỡng đầu, có một không hai trong lịch sử  Trung đại Việt Nam.
Triều Nguyễn, kể từ khi Gia Long lên ngôi cho đến tận vị vua cuối cùng, đều coi đây là kim ấn truyền quốc.
Đế hệ thi là vương phả bằng vàng, thể hiện mong muốn của vua Minh Mệnh, kéo dài dòng họ đế vương của mình hai mươi đời, tương ứng với 500 năm trị vì đất nước. Tuy nhiên, mong muốn ấy bất thành bởi một cuộc cách mạng lở đất, long trời Tháng Tám - 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện, dưới sự lãnh đạo của vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, lật đổ ngai vàng ngay ở thế hệ thứ năm: Vĩnh Thụy - Bảo Đại. Giá trị lịch sử, mang ý nghĩa thời đại của bảo vật này, hẳn có phần quan trọng nằm ở mốc son tháng Tám năm Ất Dậu.
Sắc mệnh chi bảo là kim ấn, nằm trong kho tàng bảo vật triều Nguyễn với gần 100 kim ấn, bảo tỷ đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là ấn có trọng lượng vàng nặng tới 223 lạng, 6 tiền, kỹ thuật chế tác đạt tới đỉnh cao, thực hiện bởi những thợ thủ công kim hoàn ngự xưởng. Dấu ấn của kim ấn này hiện còn lưu lại trên nhiều văn bản, thường gặp ở các sắc phong, chiếu văn thời vua Minh Mệnh - một vị vua có nhiều đóng góp lớn, đặc biệt là công cuộc cải cách hành chính quốc gia.
Ấn Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ được chế tác bằng bạch ngọc, có kích thước lớn nhất trong sưu tập ấn chương triều Nguyễn. Ấn được dùng trong lễ tế Nam Giao, đóng trên các văn bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ v.v... Giá trị nổi bật nhất của Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ, đó là quả ấn thứ hai, sau Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo được vương triều Nguyễn dùng làm ấn truyền quốc, theo đó, được bảo vệ và lưu giữ hết sức nghiêm cẩn.
Văn hóa Champa, với những di sản của dân tộc này để lại, nhiều danh hiệu đã được tôn vinh mang tầm quốc gia và quốc tế với những Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Chiên Đàn, Tháp Mẫm… Năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lựa chọn tấm Bia Võ Cạnh trình Thủ tướng Chính phủ và đã được công nhận Bảo vật quốc gia với những giá trị nổi bật về nội dung văn bia, có liên quan tới vị vua, có công sáng lập triều đại đầu tiên của vương quốc Champa. Bia Võ Cạnh còn độc đáo ở khối hình, do người xưa sử dụng nguyên một tảng đá tự nhiên để chế tác, khiến nó khác biệt với hệ thống bi ký nói chung. Văn tự trên bia có niên đại thế kỷ 3 - 4, đưa Võ Cạnh lên vị trí là tư liệu chữ viết sớm nhất Đông Nam Á.
3. Bảo vật quốc gia giai đoạn Cận - Hiện đại Việt Nam, tiêu biểu và nổi bật trong sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đó là bảo vật liên quan tới lịch sử cách mạng, tập trung ở một vĩ nhân: chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ba tác phẩm nổi tiếng:
Đường Kách mệnh là một tác phẩm khiêm tốn về dung lượng, không ấn tượng về hình thức, nhưng nội dung và giá trị tư tưởng thì vô cùng lớn lao. Tác phẩm là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên, có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị về tư tưởng chính trị, tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2 năm 1930.
Nhật ký trong tù lại là một tác phẩm văn học thể hiện lòng kiên trung, ý chí cách mạng của người cộng sản trong lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch. Trong tác phẩm, người đọc còn cảm nhận được tinh thần lạc quan, tràn đầy lòng yêu nước và một quyết tâm cao độ đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Với 133 bài thơ chữ Hán, Nhật ký trong tù cho thấy một hình ảnh "đại chí, đại nhân, đại dũng" của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như một bài hịch, kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Với một lời văn hào sảng, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, hiệu triệu đã đi vào lòng người, tạo nên một sức mạnh thần kỳ cho công cuộc kháng chiến 9 năm, với mốc son lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu."
Hai mươi Bảo vật quốc gia xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn hai thiên niên kỷ được giới thiệu nhằm giúp độc giả hiểu được phần nào những giá trị hiển lộ, tiềm ẩn, được người xưa gửi gắm, thông qua những triết lý nhân sinh vô cùng phong phú dần được giải mã  với những cách nhìn, cách tiếp cận, cách giải thích riêng. Mục đích xuất bản cuốn sách của Bảo tàng với mong muốn tôn vinh, quảng bá những giá trị Bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng, như một phương cách, trong rất nhiều phương cách tuyên truyền khác nhau, nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy di sản, trong đó có Bảo vật quốc gia - tài sản quý giá của cha ông truyền lại. Do đó, qua ấn phẩm này, chúng tôi mong muốn độc giả đón nhận một cách cởi mở, và hi vọng nhận được các ý kiến phản hồi để lần tái bản sau có thể chỉnh sửa và hoàn thiện hơn.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Độc giả có thể tìm đọc ấn phẩm tại Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia - 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 Ban Biên tập

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Việt kiệu thư - Một pho sử quý

Việt kiệu thư - Một pho sử quý

  • 16/06/2022 09:54
  • 1831

Việt kiệu thư là một tấm gương sinh động phản ánh mối quan hệ ngoại giao phức tạp giữa các thể chế Đại Việt với Trung Hoa. Sự thay đổi triều đại từ Trần- Hồ- Lê sơ- Mạc được phản ảnh trong các văn kiện ngoại giao cho thấy những diễn ngôn chính trị của chủ nghĩa bành trướng Nho giáo thời Minh. Không chỉ là nguồn sử liệu về sự xâm lược bằng văn hóa, và đô hộ bằng vũ lực, Việt kiệu thư còn cung cấp bài học cho việc làm thế nào để giữ được hòa bình và tránh được chiến tranh từ góc độ của một nhà Nho thế kỷ XVI.