Việt kiệu thư là một tấm gương sinh động phản ánh mối quan hệ ngoại giao phức tạp giữa các thể chế Đại Việt với Trung Hoa. Sự thay đổi triều đại từ Trần- Hồ- Lê sơ- Mạc được phản ảnh trong các văn kiện ngoại giao cho thấy những diễn ngôn chính trị của chủ nghĩa bành trướng Nho giáo thời Minh. Không chỉ là nguồn sử liệu về sự xâm lược bằng văn hóa, và đô hộ bằng vũ lực, Việt kiệu thư còn cung cấp bài học cho việc làm thế nào để giữ được hòa bình và tránh được chiến tranh từ góc độ của một nhà Nho thế kỷ XVI.
Xuất cảnh đồ. Nguồn: Bảo tàng Cố Cung, Đài Loan. Cố Cung bác vật quán (出警圖台北故宮博物院).
Chứa thông tin đa chiều về Đại Việt
Việt kiệu thư (越嶠書) nghĩa là sách ghi chép về miền núi non xa xôi của đất Việt. Đây là một bộ sử được viết dưới nhãn quan của người đời Minh. Tác giả của cuốn sách là Lý Văn Phượng đã biên soạn trong thời gian ông giữ chức Binh bị Thiêm sự ở Quảng Đông, và sau đó là ở Vân Nam – hai vùng đất giáp ranh với biên giới Đại Việt. Trong quá trình lĩnh chức, tác giả có lẽ đã phải tìm hiểu, sưu tập các ghi chép có liên quan đến lịch sử bang giao, để từ đó hình thành nên ý tưởng viết cuốn sách này. Ông đã biên soạn trong khoảng ba năm từ năm 1538 đến năm 1540. Cuốn sách gồm có 20 quyển được phân theo nhóm chủ đề. Quyển 1 viết về núi sông, biến đổi của các châu quận, hoạt động ở biên giới, sản vật, cổ tích và phong tục. Quyển 2 chép các thư, chiếu, chế, sắc của đế vương các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh. Quyển 3-6 biên niên từ các đời Đường Ngu đến các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh. Quyển 7 viết về lịch sử Đại Việt từ họ Triệu (Đà) đến các họ Lý- Trần- Lê- Mạc. Quyển 8 viết về chế độ bao gồm trường học, quan chế, hình luật, hành chính, quân đội. Quyển 9-14 sưu tập thư sớ và di văn. Quyển 15-20 sưu lục các thư biểu, tấu biểu, thi phú của các vị tiên hiền và vua chúa của An Nam. Sách có tổng số hơn 3100 trang nguyên bản (Tứ khố toàn thư) với độ dài trên dưới 530.000 lượt chữ (gấp đôi trường độ của Đại Việt sử ký toàn thư). Trường độ, tuy không phải là vấn đề tiên quyết để đánh giá giá trị của sử liệu, nhưng cũng cho phép người đọc hình dung được công phu của người biên tập. Quyển 1 và các quyển từ 3 đến 8 thực tế là phần biên soạn của tác giả về lịch sử của Việt Nam trong mối quan hệ với các triều đại Trung Quốc, thể hiện những quan điểm và bối cảnh tri thức của tác giả. Quyển 2 và các quyển từ 9 đến 20 là các sưu tập văn kiện ngoại giao và thơ văn các đời, tuy không phải là bản cảo nguyên gốc, nhưng phần nào cũng có thể coi là nguồn sử liệu nguyên cấp.
Do tính chất là một tập sử liệu nhằm phục vụ việc quân sự, Việt kiệu thư chứa trong mình nhiều thông tin đa chiều về Đại Việt. Trước hết, đó là nguồn sử liệu về mối quan hệ giữa triều Hồ, Lê sơ, và Mạc với nhà Minh. Ở những phần sử chí về lịch triều, các sử liệu không có nhiều điểm khác biệt so với các bộ sử lớn hơn. Nhưng, những phần sưu tầm về giai đoạn thế kỷ XV-XVI của cuốn sách này có thể đem đến nhiều sử kiện và văn kiện mới. Các ghi chép về diên cách địa lý, thực chất là cơ cấu hành chính các đời Lý – Trần – Lê sơ, tuy không chính xác hoàn toàn, nhưng đã phác thảo diện mạo tổng quan của bản đồ địa lý các triều. Tiếp đến là những mô tả về ba đường huyết mạch từ Trung Hoa sang Giao Châu, với các tuyến và điểm trạm dừng chân chi tiết. Đó là đường từ Quảng Đông từ thời Mã Viện, đường Quảng Tây mở thời Tống, và đường Vân Nam vào thời Nguyên. Những ghi chép này có chỗ giống và khác với Giao Châu chí và nhiều thư tịch cổ khác. Dù chính xác hay chưa chính xác, nhưng đây là nguồn sử liệu quan trọng để khảo về lịch sử giao thông và lịch sử quân sự qua các thời. Cuốn sách này ngoài ra còn mô tả các hình thế núi sông, phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, sản vật trên rừng dưới biển… Nhưng ở các phần này, Việt kiệu thư cũng có đôi chỗ trùng với các sách như An Nam chí lược, hay An Nam chí nguyên.
Lý Văn Phượng đã kế thừa nhiều nguồn sử liệu cổ và các tư liệu đương thời. Trong đó, An Nam chí lược của Lê Trắc là bản tham khảo chính, và bổ sung thêm các việc từ năm Hồng Vũ (1368-1398) đến năm Gia Tĩnh (1521-1566). Để viết bổ sung cho giai đoạn 198 năm, Lý Văn Phượng đã tham khảo nhiều nguồn sử liệu thời, Minh bao gồm các bộ chính sử và địa chí của nhà Minh như Minh thực lục, Minh nhất thống chí, Minh Thái Tổ thực lục, Minh Thái Tông thực lục, Minh Tuyên Tông thực lục,… cùng nhiều biên lục, ký, truyện khác. Các sự kiện giai đoạn 1402-1424, ông còn tham khảo sách Bình định Giao Nam lục, Phụng sứ An Nam thủy trình nhật ký,… Giai đoạn từ Lê sơ đến Mạc, ông tham khảo trực tiếp các tư liệu đáng án (công văn, giấy tờ ngoại giao song phương) giữa Đại Việt và Đại Minh. Các văn kiện này lưu trữ tại các nha môn ở địa phương, hay các cơ quan hành chính ở triều đình. Số lượng lớn các sử liệu như vậy chiếm nhiều trang sách của Việt kiệu thư. Đây rõ ràng là nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu về lịch sử quan hệ bang giao bổ sung cho các pho chính sử của cả hai phía.
Những phần sưu tầm về giai đoạn thế kỷ XV-XVI của cuốn sách này có thể đem đến nhiều sử kiện và văn kiện mới.
Khách quan khi đánh giá sử liệu
Việt kiệu thư cơ bản là một bộ sử thể hiện nhãn quan kẻ cả của “thiên triều” khi nhìn về Đại Việt. Người đọc thời nay hẳn sẽ khó chịu với nhiều chi tiết và lời lẽ trong sách này. Nhưng đây là sử liệu, phản ánh tư duy Hoa – Di của thời đại ấy. Cần nhìn nhận khách quan đó là sử liệu, chứ không phải dùng tình cảm ngày nay để phủ nhận sạch trơn tác phẩm. Nhưng cũng chính ở điểm này, Việt kiệu thư cung cấp nhiều cứ liệu cho khoa sử chí học (historiography) để nghiên cứu về tư tưởng sử của các sử gia Trung Quốc thời xưa. Ngay trong lời tựa sách, quan điểm chính – ngụy, Hoa – di mà Lý Văn Phượng thể hiện rõ ràng trên đầu ngọn bút. Tác giả cho rằng, người Đại Việt là một loại man di, từng được tắm gội văn giáo thời Đường Tống, nhưng bản chất giả dối xảo quyệt. Tiêu biểu như Lê Lợi “từng chiếm đất đai của ta, tàn sát quan quân của ta”, tội lớn tày trời, không biết hối lỗi mà bên ngoài giả vờ thần phục, bên trong thì tiếm hiệu để dùng việc chính sự, bên ngoài thì dùng “ngụy danh” để lừa dối nhà Minh gần trăm năm. Cho nên, họ Lê bị họ Mạc soán ngôi là không đáng để cứu. Ông nhận định: “cha con Mạc Đăng Dung với họ Lê tuy có tội soán ngôi cướp nước, nhưng với trung quốc thì là có công đánh giặc”. Nhưng, nhà Mạc cũng không thể tha được, vì họ cũng tiếm hiệu cải nguyên giống như nhà Lê, tức là “bắt chước cái bậy của triều trước”. Cho nên, phải tuyên cáo tội trạng, đem quân chinh phạt, gô cổ cha con nhà Mạc mới phải. Đến khi họ Mạc đầu hàng, hối tội thì ông cho rằng: “nghịch thì đánh, phục thì tha, ấy là mực phép của đấng triết vương”. Toàn bộ lập luận của Lý Văn Phương cho thấy diễn ngôn của chủ nghĩa bành trướng Đại Minh được trang bị bởi lý thuyết chính trị – đạo đức Nho giáo.
Giống như nhiều sử liệu nguyên cấp khác, Việt kiệu thư chỉ là một nguồn tham khảo, chứ không phải mọi thông tin trong sách này đều là chính xác. Hay nói cách khác, mọi nguồn sử liệu là những khu rừng nguyên sinh, mà trong đó chứa nhiều “cạm bẫy” với những thông tin không chính xác, những sai lầm về tên người, những “siêu chỉnh” địa danh hay niên đại. Ví dụ, sách này chép địa danh Lãng Bạc tức là Hồ Tây, lại trích dẫn câu của Mã Viện khi bình định Giao Chỉ có than thở việc lũ lụt ở Lãng Bạc, với khí độc bốc lên khiến diều hâu phải sa xuống nước. Ghi chép này hoàn toàn là sai lạc, bởi với tri thức về thủy văn và địa lý học lịch sử, Hồ Tây mới tách ra khỏi sông Hồng trong khoảng thế kỷ 9-10, sau khi sông Hồng đổi dòng (xem bài của Trần Quốc Vượng). Nếu rà soát kĩ từng sử kiện, từng chi tiết ta sẽ thấy nhiều trường hợp như vậy.
Tranh “Văn Quan Vinh Quy Đồ” nhà Lê
Các bản dịch Việt kiệu thư được xuất bản lần này là một cuộc chạy việt dã về sử liệu, nối tiếp truyền thống biên phiên dịch từ thế kỷ XX. Ta biết, nghiên cứu lịch sử, ngoài những vấn đề quan trọng của lý thuyết và góc nhìn, ngoài những vấn đề động cơ của người chép sử và người đọc sử, thì bao giờ cũng bắt đầu từ sử liệu. Sử liệu học vì vậy trở thành một phân ngành quan trọng hàng đầu của sử học. Không có sử liệu thì không thể bàn đến chuyện nghiên cứu, hay nói như dân gian “không bột chẳng gột nên hồ”. Một hai nguồn sử liệu (như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược) đã quý rồi, nhưng chưa đủ. Người làm sử luôn phải làm thao tác sưu tập văn hiến, chỉnh lý tư liệu, giám định văn bản, phê phán sử liệu,…và nhiều công tác phức tạp và tỉ mẩn khác như phiên dịch, khảo cứu, chú thích. Thậm chí, công việc đó còn đòi hỏi sự dò dẫm mày mò trên từng nét bút, trên từng vảy chữ, hiệu điểm từng câu, phân tích từng nghĩa, để biết được chữ sai chữ đúng, câu què câu cụt,… thậm chí còn biết là đoạn này sao chép từ đâu, vì sao mà viết được như vậy. Đến khi dịch phẩm hoàn thành, dịch giả hiện ra với tư cách là một “người lao động khổ sai”, với hàng trăm hàng ngàn chú thích về văn tự, nhân danh, địa danh, sử kiện. Dịch phẩm ra đời, độc giả sẽ được “ăn” một bữa cỗ thịnh soạn, nhưng sẽ không tránh khỏi đây đó những hạt sạn. Có khi đó là những lỗi cơ bản, có khi là những nhầm lẫn đáng tiếc, cũng có lúc là những câu chữ hóc hiểm,… Bạn đọc có thể vui lòng chỉ ra những chỗ sai ấy với tinh thần của người lao động nói chuyện với người lao động, để hy vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều người đi theo, và tiếp tục hoàn thiện bằng con đường gian lao này. □——
Việt kiệu thư là một sử phẩm quan trọng hàng đầu viết về lịch sử Việt Nam. Sách được Tiến sĩ Lý Văn Phượng (thế kỷ 16) hoàn thành năm 1540. Đến năm 2022, sau hơn 500 năm, lần đầu tiên tác phẩm này mới được phiên dịch và xuất bản ở Việt Nam, với hai ấn bản của Tao Đàn (Nxb Hội nhà văn, do Châu Hải Đường khảo dịch) và Mai Hà Books (Nxb Khoa học xã hội, do Nguyễn Ngọc Phúc, Đặng Hồng Sơn, Vũ Đường Luân dịch chú).
Trần Trọng Dương