Được kế thừa hàng nghìn bản vẽ thủ công tỷ lệ 1-1 các hoa văn, họa tiết của nhiều di tích lịch sử từ các thập niên trước, cộng với hàng vạn bản vẽ ghi những năm sau này, đó là quỹ tư liệu quý, một dạng di sản đặc biệt: di sản từ di sản (theo cách gọi của GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính) đang được lưu trữ tại Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Liên quan đến khối tư liệu lớn và đặc biệt này, TS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: Bảo quản an toàn vốn liếng tư liệu - di sản ấy là trọng trách của Viện Bảo tồn di tích. Bên cạnh đó, có một trọng trách khác, một nghĩa cử văn hóa đặc biệt cần được thực thi, đó là: trao đến tay những ai cần nghiên cứu, cần học hỏi và cần vận dụng những tích lũy này, cùng với đó là trao vào tay các thế hệ mai sau, với mong muốn những tư liệu này sẽ giúp ích đắc lực cho công tác bảo tồn và trùng tu di tích nước nhà.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu đó, mới đây, Viện Bảo tồn di tích đã chính thức ra mắt cuốn sách Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc (qua tư liệu của Viện Bảo tồn di tích).Trong 227 trang của ấn phẩm, cùng với phần giới thiệu của nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống Trần Lâm Biền và Ths Nguyễn Thị Tuấn Tú, phần đặc biệt nhất của cuốn sách giới thiệu hàng trăm bản vẽ được chắt lọc từ hàng vạn bản vẽ ghi đang được lưu trữ tại Viện Bảo tồn di tích từ gần nửa thế kỷ nay, cùng với hàng trăm ảnh chụp chất lượng cao, giới thiệu về các hình tượng linh vật xuất hiện trong rất nhiều di tích đặc sắc của Việt Nam, như rồng, phượng, hạc, lân…
Sự ra đời của cuốn sách được các nhà nghiên cứu uy tín đánh giá cao, coi như một văn bản mang tính công cụ, phục vụ đắc lực cho hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích.
Đặc biệt, lễ ra mắt cuốn sách đã được tổ chức tại một địa điểm đặc biệt - đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), nơi mà hơn 40 năm trước, những đạc họa viên của Xưởng Bảo quản tu sửa di tích trung ương đã vẽ cả trăm bản vẽ tỷ lệ 1:1 các hoa văn tại đây, bằng bút mực, trên giấy kro-ki, dưới ánh đèn dầu. Đó là những tư liệu vô cùng quý giá, là cơ sở để tiến hành trùng tu công trình kiến trúc gỗ thuộc diện cổ xưa nhất trong toàn bộ di sản kiến trúc gỗ của quốc gia này.
Trong bối cảnh những nỗ lực ngăn ngừa, loại trừ các linh vật ngoại lai ra khỏi hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam vẫn chưa thể thu được kết quả triệt để, và nhận thức của một bộ phận người dân trong xã hội về vấn đề này vẫn chưa thay đổi, cuốn sách Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc (qua tư liệu của Viện Bảo tồn di tích) sẽ mang lại những minh chứng rõ nét nhất, thuyết phục nhất về hệ thống các linh vật đã hiện diện trong các di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Đó cũng là căn cứ để phục hồi và đưa các hình tượng linh vật đặc sắc này vào những công trình kiến trúc tâm linh mới, để tạo nên nét riêng bản sắc cho các công trình này.
LUÂN VŨ