Trong lịch sử sản xuất gạch ngói Việt Nam, từ khoảng vài ba thế kỷ trước Công nguyên, Việt Nam bắt đầu sản xuất gạch ngói để phục vụ công việc xây dựng các loại hình kiến trúc của xã hội. Tìm hiểu gạch ngói (hay vật liệu xây dựng) cổ truyền, nói chung là một nhiệm vụ quan trọng của khảo cổ học Lịch sử Việt Nam. Công việc này góp phần tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam, và cũng là một ngả đường quan trọng góp phần tìm hiểu lịch sử - văn hoá Việt Nam. Đặc biệt, trong điều kiện bộ khung và bộ mái của các kiến trúc cổ bên trên thường bị mất đi thì dưới lòng đất lại bảo tồn được khá nhiều những dấu tích nền móng và phong phú hơn là các loại vật liệu xây dựng, trong đó đặc biệt là các loại gạch ngói thường là loại vật liệu đã được “thử lửa” trong các lò nung hàng nghìn độ do đó có sức bền “tuế nguyệt”, tạo cơ sở rất tốt để các nhà khảo cổ học có điều kiện đi sâu nghiên cứu vào loại đề tài này.
Cuốn sách “Gạch và ngói thế kỷ XV - XVIII ở Bắc Việt Nam” (Bricks and Tiles of the 15th-18th Centuries in Northern Vietnam) của TS.Ngô Thị Lan, công tác tại Viện Khảo cổ học, vốn là kết quả thực hiện luận án Tiến sĩ của chị đã bảo vệ thành công dưới sự hướng dẫn của tôi là một hướng đi như vậy. Kể từ khi luận án được bảo vệ xuất sắc cho đến nay, Ngô Thị Lan vẫn cần mẫn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những phát hiện mới, cập nhật thêm những thông tin mới được phát hiện từ các cuộc khai quật khảo cổ học hàng năm của khảo cổ học Việt Nam.
Nội dung sách vốn là một loại đề tài khó, rộng, có nhiều thuận lợi nhưng cũng có khá nhiều khó khăn. Thuận lợi vì trước sự phát triển khá mạnh của ngành khảo cổ học Lịch sử, gạch ngói thế kỷ XV - XVIII được phát hiện ở khá nhiều nơi, có khá nhiều loại gạch ngói trước đây chưa biết rõ niên đại như thế nào thì giờ đây nhờ những viên gạch có chữ, nhờ những di tích và những địa điểm có địa tầng tốt cho nên việc xác định niên đại trở nên rõ ràng hơn.
Ngược lại, khó khăn cũng rất nhiều. Thời gian mà đề tài nghiên cứu khá dài (xấp xỉ 400 năm lịch sử), các di vật gạch, ngói thế kỷ XV - XVIII lại nằm dải rác trên các địa bàn quá rộng, địa tầng kiến trúc được hình thành luôn luôn có sự xáo trộn vật liệu của nhiều niên đại, loại hình quá phong phú, các nghiên cứu chuẩn về gạch, ngói trong khảo cổ học cũng chưa được xây dựng. Vậy Ngô Thị Lan đã làm như thế nào và giải quyết được gì trong cuốn sách?
Vốn là sinh viên Khoa Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học được phân công công tác và từng làm việc nhiều năm tại Thư viện Khảo cổ học. Bằng việc tìm hiểu các nguồn tư liệu đã công bố kết hợp với việc trực tiếp điều tra, khảo sát, tham gia nghiên cứu tại công trường khảo cổ học như Hoàng thành Thăng Long, chùa Đậu, đền Thượng (Hà Nội), Nam Giao, thành nhà Hồ, Lam Kinh (Thanh Hóa), Dương Kinh (Hải Phòng)… tác giả đã sưu tầm, tập hợp, phân loại và hệ thống được hầu hết các nguồn tư liệu về gạch ngói thế kỷ XV - XVIII qua hơn 100 di tích ở 14 tỉnh, thành phố ở Bắc Việt Nam. Bên cạnh chú ý chất liệu, loại hình, màu sắc, kỹ thuật sản xuất, tác giả cũng đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu các mẫu hoa văn trang trí và chức năng sử dụng của gạch, ngói, tích cực tìm hiểu các đặc trưng riêng của gạch, ngói giữa các giai đoạn và đặt chúng trong truyền thống sản xuất gạch, ngói Việt Nam. Giá trị lịch sử văn hóa của gạch, ngói trên các phương diện lịch sử kiến trúc, lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nét chung và nét riêng của gạch ngói Việt Nam trong bối cảnh gạch, ngói Đông Nam Á, Đông Á cũng được tác giả cố gắng khai thác.
Nhiều năm qua chúng ta thường nhẫm lẫn niên đại của một số loại hình vật liệu thế kỷ XV - XVIII và thường gộp chung vào giai đoạn thời Lê hay thời Hậu Lê. Nay, cuốn sách đã giúp chúng ta bước đầu phân biệt rõ hơn gạch ngói các giai đoạn: thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI (thời Lê sơ), thế kỷ XVI (thời Mạc) và thế kỷ XVII - XVIII (thời Lê Trung hưng). Đúng 40 năm sau, kể từ khi công trình “Mỹ thuật thời Lê sơ”, gần 30 năm sau cuốn “Mỹ thuật thời Mạc” ra mắt bạn đọc, và khoảng trống mỹ thuật thời Lê Trung hưng vẫn còn bỏ ngỏ, giờ đây, chúng ta đã có thể nhận thức rõ hơn nhiều về gạch ngói, và thông qua gạch ngói hiểu thêm nhiều khía cạnh về mỹ thuật, nghệ thuật thế kỷ XV - XVIII…
Tuy nhiên, trước mắt Ngô Thị Lan và các nhà khảo cổ học lịch sử Việt Nam, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu xung quanh lịch sử gạch, ngói thế kỷ XV - XVIII như các loại hình gạch thỏi có trang trí hoa dây, các loại ngói diềm, niên đại và tiến triển, cách chế tác vật liệu, phân tích chất liệu, phân tích và chứng minh cách sử dụng từng loại vật liệu nhất là vật liệu lợp bộ mái. Nhưng, chắc chắn những vấn đề đó hãy còn rất lâu chúng ta có thể đạt được kết quả. Do vậy, cuốn sách của Ngô Thị Lan được công bố có thể xem là một thành công bước đầu và chắc chắn sẽ có những đóng góp tích cực vào việc góp phần nghiên cứu vật liệu xây dựng Việt Nam, thông qua đó góp phần tìm hiểu lịch sử - văn hóa thế kỷ XV - XVIII ở Việt Nam cũng như bối cảnh giao lưu văn hóa rộng hơn.
Tôi thực sự vui mừng vì những cố gắng tỉ mẩn và kiên trì của Ngô Thị Lan, với những cố gắng không biết mệt mỏi từ bước đi chập chững ban đầu cho đến lúc công trình được công bố. Vì vậy, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách và hy vọng những giá trị của nó cùng những ước vọng của tác giả đến được với tất cả những ai quan tâm, yêu mến kiến trúc truyền thống Việt Nam, lịch sử - văn hóa Việt Nam.
Cuốn sách được Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2019. Sách dày 400 trang với 3 chương kèm 90 hình minh họa và 2 phần phụ lục. Phụ lục 1 gồm 16 bảng và 180 hình minh họa. Phụ lục 2 gồm 13 bảng và 210 hình minh họa. Sách còn có phần Tóm tắt bằng tiếng Anh và bảng tra cứu thuận tiện cho bạn đọc.
PGS.TS. Tống Trung Tín
Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam
Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học