“Điện Biên Phủ, 13/3-7/5/1954” là tập thứ 11 trong tuyển tập các tác phẩm về lịch sử các chiến dịch lớn trên thế giới của nhà xuất bản Tallandier, Pháp. Cuốn sách viết về một giai đoạn lịch sử quan trọng của cuộc chiến tranh Đông Dương, đem đến cho người đọc những thông tin về bối cảnh, diễn biến và tiếp theo của 56 ngày đêm diễn ra các trận đánh ác liệt dẫn việc các đơn vị Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng to lớn, mang đến những thay đổi quan trọng trong cục diện chính trị ở Đông Dương.
Trang bìa cuốn “Điện Biên Phủ, 13/3-7/5/1954”
Tác giản Ivan Cadeau dựng lại hiện thực chiến dịch của những người ở bên kia chiến tuyến bằng việc sử dụng các tài liệu, tư liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp như tài liệu lưu trữ của các đơn vị tham chiến trực tiếp và gián tiếp tại Điện Biên Phủ, của các cá nhân đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch, đặc biệt là của tướng Henri Navarre và tướng Ely. Ông cũng khai thác toàn bộ hồ sơ của Ủy ban điều tra quân sự về thất bại Điện Biên Phủ (được giải mật năm 2015), được thành lập năm 1955 theo đề nghị của Henri Navarre nhằm xác định trách nhiệm của những người có liên quan trong thất bại này. Cuốn sách có thể được xem như một câu chuyện kể lại ngắn gọn súc tích diễn biến chiến dịch một cách rõ ràng, lời kể khi nhanh khi chậm, qua những mốc lịch sử quan trọng dựa trên những bằng chứng xác thực, đồng thời phác họa chân dung của những tướng lĩnh Pháp đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch.
Hồ sơ của Uỷ ban Điều tra quân sự về thất bại Điện Biên Phủ, nguồn: Lưu trữ Quốc phòng Pháp
Trong cuốn sách của Ivan Cadeau, độc giả có thể hình dung được chân dung một số chỉ huy quân sự hàng đầu của Pháp tham gia chiến dịch. Người ta có thể hình dung ra tướng Henri Navarre “…kỵ binh tao nhã, vừa thân tình vừa cao xa. Cách bắt chuyện của ông ta rất lạnh lùng, uy quyền khô khan và luôn giữ khoảng cách. Đó không phải là vị chỉ huy thích xông pha chiến trận hay huấn luyện binh lính. Ông ta giống như một kỹ thuật viên tham mưu lạnh lùng hơn. Ông ta không có sự biểu lộ rạng rỡ toát lên bầu nhiệt huyết từ bên trong. Nhưng ông ta có những phẩm chất trí tuệ, sự chắc chắn trong tính cách, một một sự giáo dục mang tính toàn thể lẫn về quân sự để có thể biến ông ta thành một vị chỉ huy vĩ đại.”
Trước khi sang Đông Dương, tướng Navarre mới là tham mưu trưởng lực lượng Pháp tại Trung Âu dưới quyền thống chế Juin. Ông chỉ có rất ít ngày để nắm tìn hình Đông Dương, nói đúng ra, Thủ tướng René Mayer chỉ cho ông đúng một tháng và sau đó, quay trở lại Pháp để trình lên chính phủ bản kế hoạch hành động, giúp tìm ra “lối thoát danh dự” khỏi cuộc xung đột nhờ “những hiểu biết của ông về các vấn đề chính trị phương Tây và sự không biết nhiều những vấn đề thuộc địa sẽ giúp ông nhìn nhận tình hình theo cách mới” (chương 1).
Danh mục tài liệu của có liên quan đến phiên điều trần của tướng Henri Navarre và Cogny, nguồn: Lưu trữ Quốc phòng Pháp
Nói về Cogny, tiến sỹ Ivan Cadeau trích lời người tiền nhiệm De Linarès nhận xét viên tướng này “đề cao bản thân như là một người thích ra trận…[…] trong khi ông ta chưa từng chiến đấu. Ông ta dành thời gian để chăm sóc sự quảng cáo bản thân với các nhà báo. Nhưng trước hết, người ta không thể tin tưởng ông ta được. […]. Ông ta luôn xoay xở để không bao giờ đích thân phải chỉ huy trận đánh thực địa, nhưng ông ta chỉ huy tốt địa bàn được giao”(chương 2).
Không chỉ dẫn dắt bước vào bối cảnh diễn ra chiến dịch mùa đông 1953, với cuộc hành binh Hải Li (Castor) diễn ra ngày 20-22/11/1953, và các lý do chính dẫn đến việc lựa chọn Điện Biên Phủ làm nơi xây dựng một căn cứ không quân hải quân, thay cho Nà Sản, tác giả giúp bạn đọc còn hiểu thêm nhiều vấn đề khác. Những mâu thuẫn ngay trong nội bộ chỉ huy cao cấp, đặc biệt là giữa Navarre và Cogny, tình trạng thiếu phương tiện của quân Pháp đặc biệt là không quân, sự tăng cường của lực lượng chiến đấu Việt Minh, việc quân Pháp đánh giá thấp các tiềm lực pháo binh của Việt Minh, điểm yếu trong xây dựng các công sự tại tập đoàn cứ điểm… lần lượt được giới thiệu. Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi, tại sao Navrre lại chọn Điện Biên Phủ, một ngôi làng không hề được nhắc đến trong bản kế hoạch trình chính phủ Pháp của ông ta, dẫn đến việc các đơn vị quân đội Pháp và Việt Nam thân Pháp tiến hành trận chiến có nghĩa quyết định tại một vị trí cách đồng bằng châu thổ sông Hồng 300 km. Một thất bại không thể xoay chuyển nổi đối với quân Pháp kể từ khi thung lũng bị Quân đội nhân dân Việt Nam bao vây.
Những tài liệu và tư liệu lưu trữ tại Bộ quốc phòng là nguồn sử liệu chính quan trọng trong việc làm sáng tỏ nội tình các ban tham mưu quân Pháp đặt tại Tổng hành dinh Sài Gòn, dưới quyền trực tiếp của tướng Navarre, Tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương, và ở Hà Nội thuộc phạm vị của tướng của Cogny, chỉ huy Lực lượng lục quân Bắc Việt Nam- FTNV. Các báo cáo tình báo về việc di chuyển và triển khai của các sư đoàn Việt Minh, những quyết định chính của các tướng lĩnh quân đội Pháp trước các cuộc tấn công của quân đội Nhân dân Việt Nam hay những điện tín cuối cùng trước khi Điện Biên Phủ thất thủ cũng được nhắc đến trong cuốn sách. Ai mới thực sự là cha đẻ của ý tưởng đánh chiếm Điện Biên Phủ? Đâu là những toan tính chính trị, quân sự của Pháp thời kỳ đó, cũng như bối cảnh địa chiến lược quốc tế? Thiệt hại của quân đội Pháp sau thất bại Điện Biên Phủ? Tất cả sẽ được trả lời qua từng chương, từng chú giải của cuốn sách.
Đôi nét về tác giả Ivan Cadeau
Ivan Cadeau được biết đến như một trong những sử gia chuyên về các chiến dịch quân sự đặc biệt là trong Thế chiến thứ hai, chiến tranh Đông Dương và Triều Tiên. Ông là tác giả của một số tác phẩm và bài viết về các chiến dịch quân sự, mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, với cách tiếp cận sử dụng nhiều bộ môn và cải tiến trong nghiên cứu lịch sử quân sự. Ivan Cadeau tham gia giảng dạy tại các trường đại học chuyên về đào tạo cán bộ thuộc Lực lượng lục quân Pháp và là Phó tổng biên tập Tạp chí Lịch sử quân đội.
Về dịch giả Đào Thị Ngọc Nhàn
Đào Thị Ngọc Nhàn là viên chức Trung tâm lưu trữ quốc gia I. Cô từng tham gia biên soạn cuốn Tổ chức bộ máy các cơ quan trong chính quyền thuộc địa ở Việt Nam qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1862-1946), Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945) và viết nhiều bài báo về Đông Dương dựa trên các tài liệu, tư liệu lưu trữ bằng tiếng Pháp, trong đó có các bài báo về tuyến đường sắt Đông Dương, cảng Cam Ranh, đảo Bạch Long Vĩ.
Cuốn sách “Điện Biên Phủ 13/3-7/5/1954” do cô dịch là kết quả của hơn năm tháng đọc và nghiên cứu trên 50 ngàn trang tài liệu, tư liệu lưu trữ của Bộ quốc phòng Pháp, với sự giúp đỡ của chính tác giả Ivan Cadeau. Cô hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về thực tế chiến dịch của những người đứng bên kia chiến tuyến, sau 65 năm kể từ khi những khẩu súng im lặng trong thung lũng. Cuốn sách thuộc đề án sưu tầm tài liệu quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt năm 2012. Sau chuyến công tác sưu tầm tài liệu tại Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp năm 2018, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tiến hành biên dịch và mua bản quyền xuất bản bản dịch cuốn sách trên và giới thiệu tới đông đảo công chúng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2019) nhằm đem đến một cái nhìn đa chiều về chiến thắng lớn lao này.
NGỌC NHÀN