Sáng ngày 24/4/2019, tại Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức Talk show: Lịch sử và tư liệu: Từ cha đẻ của nền Sử học Phương Tây - HERODOTUS đến thương nhân Đàng Ngoài - SAMUEL BARON, ra mắt hai cuốn sách: Lịch sử của HERODOTUS và Mô tả về vương quốc Đàng Ngoài của SAMUEL BARON.
Buổi ra mắt có các dịch giả cùng các nhà nghiên cứu, giảng viên giảng dạy Sử học: PGS.TS Vũ Văn Quân (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử ĐH KHXH&NV), PGS.TS Hoàng Hồng (Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV), PGS.TS Văn Ngọc Thành (Khoa Lịch sử, ĐHSP HN), PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV - Dịch giả cuốn sách Mô tả về vương quốc Đàng Ngoài), TS. Đỗ Thị Thùy Lan (Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV), Ông Lê Đình Chi (Dịch giả cuốn sách Lịch sử - Historiai), Ông Vũ Trọng Đại (GĐ Công ty CP Sách Omega VN) và đông đảo các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu và các em sinh viên.
Toàn cảnh Talk show: Lịch sử và tư liệu
Các học giả và các nhà nghiên cứu cùng trao đổi về cuốn sách kinh điển “Lịch sử (Historiai)” của Herodotus, về Lịch sử - Văn hóa phương Tây cổ đại và giá trị trong bối cảnh hiện đại. Đồng thời, soi chiếu qua các tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII của các tác giả phương Tây.
1. Cuốn Lịch sử của HERODOTUS
Lịch sử là một môn khoa học chứa đựng muôn vàn phép thử đúng - sai của tiền nhân để người đời sau nhìn lại, chiêm nghiệm, rút ra những bài học, lời khuyên cho hiện tại và tương lai. Vì lẽ này, con người sớm có ý thức ghi chép, khảo cứu lịch sử. Nếu ở Trung Hoa có Kinh Xuân Thu ra đời vào thế kỷ thứ năm Trước Công nguyên (TCN), ở nền văn minh Hy Lạp có sự xuất hiện củaa Historiai, tập khảo cứu về chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư cũng như về lịch sử, huyền sử phong tục các tộc người cổ đại ở cả châu Âu, châu Phi và châu Á. Historiai - ra đời hơn 2400 năm trước - được xuất bản lần đầu tại Việt Nam với tên Lịch sử. Sách được bổ sung một số cước chú, mục lục, niên biểu các biến cố được mô tả, cùng danh sách địa danh, nhân vật và một bản đồ về diễn biến chính của chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư. Hedorotus không phải là nhà sử học đầu tiên của phương Tây nhưng được triết gia Cicero gọi là "Cha đẻ của môn lịch sử". Ông sống vào khoảng 484-425 TCN tại Halikarnasseus, một thành phố ở Tiểu Á dưới quyền Ba Tư lúc đó. Trên hành trình du ngoạn khắp các vùng Hy Lạp, Ba Tư, Ai Cập, Lưỡng Hà, ông chứng kiến, thu thập được dữ liệu, tài liệu quý báu về kinh tế, chính trị, xã hội của nhiều dân tộc. Ông viết sách từ các sưu tầm, tìm tòi trong dân gian, tổng kết lại các sự kiện mang tính giáo dục và trình bày lại thành những câu chuyện.
Historiai gồm chín quyển. Bốn quyển đầu nói về người Hy Lạp và các man tộc xung quanh trong quan hệ với Ba Tư. Năm quyển sau kể về cuộc chiến Hy Lạp - Ba Tư. Herodotus là ghi chép tất cả chuyện được nghe kể lại, thậm chí còn tự tạo ra sự kiện. Điều này khiến ông còn bị chỉ trích là "Cha đẻ của dối trá". Tuy nhiên, theo nhận xét của vài nhà chuyên môn, Herodotus muốn ghi lại các sự kiện để dành cho các thế hệ sau lý giải. Ông đã thành công trong việc giữ lại cho hậu thế những tấm gương anh hùng Hy Lạp trong cuộc chiến với Ba Tư. Ông lý giải nguyên nhân của cuộc chiến là do sự khác biệt giữa hai nền văn hóa.
Herodotus còn cung cấp cho người đọc những thông tin về địa lý, phong tục, văn hóa của những tộc người cổ đại ở quanh Địa Trung Hải, Bắc Phi, Trung - Cận Đông. Những ghi chép về nghi lễ mai táng, trang phục, tập tục, tôn giáo, thể chế chính trị của từng dân tộc. Do đó, tác phẩm của ông không đơn thuần chỉ cung cấp kiến thức về lịch sử mà còn chứa đựng nhiều kiến thức về dân tộc học.
Trong số những miêu tả về các quốc gia, đáng chú ý là ghi chép của Hedorotus về Ai Cập. Từ những thầy tu ở Memphis, Heliopolis và những người Thebes, ông học được và ghi lại những kỳ quan bên bờ sông Nile, những nghi lễ hiến tế, tôn giáo. Ông cũng kể về những hành trình kỳ lạ của cá sấu, những giống chim lạ, tục ướp xác... Tuy còn nhiều thiếu sót, với tư duy, kỹ năng trình bày câu chuyện mạch lạc, tác phẩm của Herodotus, đặt nền móng cho ngành sử học về sau, tạo cảm hứng cho những nhà nghiên cứu và các độc giả yêu thích môn sử.
2. Cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của SAMUEL BARON
Samuel Baron là một người con lai, cha ông là Hendrick Baron - một thủy thủ người Hà Lan, mẹ ông là một phụ nữ Bắc Hà (Bắc Kỳ). Ông sinh vào khoảng giữa thế kỷ XVII ở Đông Kinh (Thăng Long) và đã sống quãng đời niên thiếu ở đây. Bằng tài ngoại giao khéo léo, cha của Samuel Baron đã tạo được sự ưu ái của triều đình Thăng Long, ông được chúa Trịnh Căn nhận làm con nuôi và được phép ra vào phủ chúa.Sau này khi trưởng thành, Samuel Baron đã viết sách, vẽ tranh mô tả, cung cấp những chi tiết thú vị về hoàng cung vua Lê và vương phủ chúa Trịnh cũng như đời sống xã hội Bắc Hà trong cuốn “A Description of the Kingdom of Tonqueen” (Mô tả về vương quốc Đông Kinh). Cuốn sách được viết từ năm 1683 và hoàn thành vào khoảng những năm 1685-1686. Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron là một trong những cuốn sách có giá trị của người phương Tây viết về Việt Nam. Có một điều đặc biệt là, Samuel Baron không viết về Đàng Ngoài dưới dạng du ký như nhiều nhà du hành hoặc thương buôn phương Tây khác. Đàng Ngoài dưới con mắt của Samuel Baron không phải là một vùng đất ông lướt qua trong một chuyến đi mà những miêu tả tỉ mỉ về xứ sở này với sự phân chia các chương mục rất rõ ràng, đưa ra cả những số liệu cụ thể giống như một công trình khảo sát của một nhà dân tộc chí cho thấy ông rất am hiểu vùng đất này
Baron viết cuốn sách này nhằm giới thiệu vương quốc Đàng Ngoài với các độc giả người Anh, đồng thời để phản bác lại những điều sai lạc cũng như mâu thuẫn trong tập du ký Relation nouvelle et singulère du Royaume de Tunquin (Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài) của Tavernier.
Là con lai, bản thân Samuel Baron sau này cũng là thương nhân nhiều năm sinh sống tại Kẻ Chợ nên những ghi chép của ông có cơ sở để tin cậy. Baron lại có quan hệ thân thiết với phủ Chúa nên có điều kiện tiếp xúc, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống của giới quý tộc cũng như những tập tục sinh hoạt đời thường của người dân vùng kinh kỳ.
Ấn phẩm: Lịch sử của HERODOTUS và Mô tả về vương quốc Đàng Ngoài của SAMUEL BARON
Qua tác phẩm của Baron, độc giả ngày nay có cơ hội tìm hiểu về thể chế, luật pháp, tiền tệ, sức mạnh quân sự, phong tục, trò tiêu khiển, lễ tịch điền, tôn giáo, tang lễ, sản vật… của nước ta vào thế kỷ XVII.
TS. Bùi Thị Thu Phương