Chủ Nhật, 03/12/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/08/2010 08:58 3405
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
.

Tác giả: Peter Bellwood

Nxb: Thế giới

Khổ sách: 17 x 24

Số lượng: 343 trang.

Xuất bản: năm 2010

Lời giới thiệu:

Cuốn sách mang những lý giải về tác động của nông nghiệp tới sự phân bố trên khắp thế giới của những tộc người có văn hóa khảo cổ, ngôn ngữ và đặc tính sinh học khác nhau, điều đó có thể thấy được qua sử liệu từng khu vực trước khi có sự di dân ồ ạt trong vòng 500 năm qua. Đây là một cuốn sách lịch sử theo nghĩa rộng, tức bao gồm cả thời tiền sử. Nội dung cốt lõi của nó là một giả thuyết về những mối liên hệ giữa sự phụ thuộc ngày càng tăng vào việc sản xuất lương thực, biến động dân số, việc phát tán cư dân và sự lan tỏa của các nền văn hóa nông nghiệp và ngôn ngữ.

Cuốn sách dành phần lớn cho tư liệu khảo cổ, tập trung vào những khu vực mà khảo cổ học, thực vật học và động vật học cho thấy nghề nông có thể là đã phát sinh độc lập trên nền tảng nghề săn bắt hái lượm. Tác giả cho rằng việc tăng tính phụ thuộc vào việc sản xuất lương thực đã dẫn đến việc tăng mật độ dân, cuối cùng dẫn đến việc phát tán cư dân. Vì thế cuốn sách nói về những hậu quả hơn là về những nguyên nhân của việc phát sinh nông nghiệp.

Tiếp theo tư liệu khảo cổ, nội dung chuyển sang vấn đề lịch sử các ngữ hệ lớn được các nhà ngôn ngữ học so sánh phục dựng. Nếu bỏ qua thời chủ nghĩa thực dân, chúng ta sẽ thấy tất cả các ngữ hệ lớn trên thế giới đều đã có phạm vi phân bố hiện tại ngay từ thời trước khi con người có chữ viết. Nhìn chung, các ngữ hệ đã lan tỏa như những ngôn ngữ bản địa lâu đời vào thời tiền sử xa xưa cùng với chủ nhân của chúng chứ không phải do sự chuyển ngữ trên bất kỳ phạm vi nào. Mặt khác, lịch sử cho thấy, các cuộc chinh phục của các đế quốc và các tôn giáo lớn cũng không dẫn đến sự lan tỏa rộng của các ngôn ngữ gắn với chúng.

Chương cuối của cuốn sách sẽ bản về di truyền học.

Nhiều vấn đề của cuốn sách này cũng liên quan với Việt Nam, bởi muốn trả lời một số câu hỏi về lịch sử đã được đặt ra, chắc chắn ít nhất chúng ta cũng phải hiểu biết về khảo cổ học thời Đá Mới ở ĐNA lục địa. Người Hòa Bình đã đóng góp gì cho các nền văn hóa sau này? Họ đã là người trồng trọt chưa? Các cồn sò điệp của văn hóa Đá Bút đã được tạo ra từ lối sống nào? Phải chăng cư dân Đá Mới đã trồng lúa, họ là con cháu trực tiếp của người Hòa Bình hay là những di dân từ nơi khác đến, đặc biệt là từ phương bắc? Các dạng văn hóa Đá Mới có liên quan thế nào tới sự ra đời của các cư dân nói tiếng Nam Á và tiếng Thái? Khi nào thì người nói tiếng Chamic (Malayo - Polynesian) từ nơi phát sinh của ngành ngôn ngữ ở vùng hải đảo ĐNA đến Việt Nam, cùng với văn hóa Đồng – Sắt Sa Huỳnh hay từ thời trước đó? Tất cả các câu hỏi đó đều rất lý thú, và Việt Nam, nơi có tính đa dạng ngôn ngữ tộc người rất cao, là nơi có thể đưa ra nhiều câu trả lời.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ: