Thứ Sáu, 22/09/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/06/2018 10:14 2381
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong tháng 6, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2018), Phòng Tư liệu - Thư viện (BTLSQG) xin giới thiệu một số ấn phẩm và hình ảnh tiêu biểu:

Trong tháng 6, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2018), Phòng Tư liệu - Thư viện (BTLSQG) xin giới thiệu một số ấn phẩm và hình ảnh tiêu biểu:

I.SÁCH:

1.Đẩy mạnh đà chuyển biến cách mạng của phong trào thi đua yêu nước, giải quyết tốt những những vấn đề then chốt trong sản xuất, bảo đảm hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1964

Tác giả: Nhiều tác giả ; Nxb: Lao động; Khổ sách: 13cm x 18 cm; Số lượng: 55 tr.; Năm: 1964.

Báo cáo của Ban thi đua Trung ương và Tổng công đoàn Việt Nam tại Hội nghị tổng kết thi đua năm 1964. Trong đó nhấn mạnh những ưu, khuyết điểm của phong trào năm 1963, kịp thời chỉ đạo cụ thể những biện pháp và hình thức mới như: cải tiến kỹ thuật, thực hiện dân chủ và chăm lo cải thiện đời sống cho quần chúng…

2.Phát triển mạnh mẽ và sâu rộng phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa, hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất

Tác giả: Tố Hữu; Nxb: Lao động; Khổ sách: 13 cm x 18cm; Số lượng: 64 tr.; Năm: 1963.

Thư của Hồ Chủ tịch gửi Đại hội tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc. Báo cáo của Chính phủ và Tổng công đoàn Việt Nam về việc phát triển mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa, hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

3.Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước : Báo cáo tại đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ hai

Tác giả: Phạm Văn Đồng; Nxb: Sự thật.; Khổ sách: 13 cm x18 cm; Số lượng: 41 tr.; Năm: 1958.

Tác phẩm gồm báo cáo của đồng chí Phạm Văn Đồng biểu dương thành tích thi đua yêu nước, ý chí và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc và những việc phải làm để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

4.Tất cả vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước tiến lên giành những thắng lợi mới

Tác giả: Lê Thanh Nghị; Nxb: Sự thật; Khổ sách: 13 cm x 19 cm; Số lượng: 51 tr.; Năm: 1962.

Một số kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm trong các phong trào thi đua ở miền Bắc như: Phong trào Đại Phong, Duyên Hải, nông trường Đông Hiếu. Phong trào “ba nhất” trong quân đội, “ba tốt” trong thương nghiệp, “dạy tốt học tốt” trong giáo dục.

5.Bước tiến mới của phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội

Tác giả: Nhiều tác giả; Nxb: Sự thật; Khổ sách: 13 cm x 19 cm; Số lượng: 91tr.; Năm: 1962.

Những báo cáo và bài phát biểu của những đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước ta tại Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3.

6.Thi đua yêu nước và chủ nghĩa anh hùng mới

Tác giả: Trường Chinh; Nxb: Sự thật; Khổ sách: 13 cm x 19 cm; Số lượng: 26 tr.; Năm: 1958.

Tác phẩm là bài nói chuyện của Trường Chinh tại Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất (1-6/5/1952) về thi đua yêu nước và chủ nghĩa anh hùng mới.

7.Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước

Tác giả: Lê Thanh Nghị; Nxb: Sự thật; Khổ sách: 13 cm x 19 cm; Số lượng: 65 tr. ; Năm: 1963.

Trình bày tình hình phong trào thi đua năm 1962, phương hướng và nhiệm vụ thi đua năm 1963 và những việc cần làm để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và tăng cường công tác lãnh đạo của tổ chức thi đua.

8.Thi đua yêu nước chống Mỹ

Tác giả: Nhiều tác giả; Khổ sách: 8 cm x 12 cm; Số lượng: 12 tr.; Năm: 1955.

Tác phẩm là tập thơ cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

II.TƯ LIỆU ẢNH

Cách đây 70 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. 70 năm qua, theo tư tưởng của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, góp phần giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các giai đoạn cách mạng, để lại những dấu ấn sâu đậm, góp phần tô đậm truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, Kho Tư liệu- Phòng Tư liệu Thư viện đã tiến hành sưu tập, xác minh thông tin và tiếp tục hoàn thiện bộ sưu tập hình ảnh về chủ đề “ Phong trào thi đua yêu nước”. Xin được giới thiệu với quý vị một số hình ảnh nằm trong bộ sưu tập này:

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên cho các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua lần thứ IV (12-1966). Trong ảnh (từ trái sang phải): đ/c Trường Chinh; đ/c Tôn Đức Thắng; Chủ tịch Hồ Chí Minh; đ/c Phạm Văn Đồng; đ/c Võ Nguyên Giáp.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các chiến sĩ thi đua đại diện cho các phong trào thi đua nổi bật nhất trong cả nước tại Đại hội thi đua toàn quốc năm 1962.

Người dân ủng hộ “hũ gạo cứu đói” trong kháng chiến chống Pháp

Nhân dân Hà Nội mít tinh hưởng ứng phong trào “Tăng gia sản xuất” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và

Trung ương Đảng phát động, năm 1945.

Lớp học bình dân học vụ xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hưởng ứng phong trào “Diệt giặc dốt” trong kháng chiến chống Pháp.

Thư viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (25 Tôn Đản – Hoàn Kiếm – Hà Nội) xin giới thiệu!

Trang Nhung – Phương Thảo

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: