Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/07/2010 14:35 4963
Điểm: 3/5 (2 đánh giá)
.

Tác giả: G.Coedès

Nxb: Thế giới

Khổ sách: 14 x 20,5

Số lượng: 462 trang.

Xuất bản: năm 2008

Tóm tắt nội dung:

Khái niệm hạt nhân của tác phẩm, sự Ấn Độ hóa được tóm lược là “ảnh hưởng của những tư tưởng tôn giáo của đạo Hindu và đạo Phật, quan niệm của Ấn Độ về vương quyền, việc dùng chữ Phạn như một ngôn ngữ chính thức và trong lễ thức, cũng như những truyền thống nghệ thuật Ấn Độ được đem tới các dân tộc vùng Đông Nam Á”. Bản thân tác giả đã nhấn mạnh: “Đây không chỉ là một ảnh hưởng đơn thuần, mà là của một công cuộc thực dân hóa thực thụ”, mà kênh chuyển tải trước hết là những thương nhân Ấn Độ đến lập các thương điếm ở vùng “ngoại Ấn” để tìm hương liệu và vàng, tiếp đó là những nhà truyền giáo như các tăng lữ bàlamôn và những nhà sư đạo Phật. Tác giả đã cung cấp một nguồn tư liệu đa dạng, phong phú và mang tính thuyết phục để chứng minh quá trình Ấn Độ hóa đó. Đặc biệt, tác giả đã làm nổi bật lên đặc điểm của sự tiếp biến văn hóa do người Ấn Độ thực hiện, đó là một sự xâm thực hòa bình và tự nguyên thâu hóa về kinh tế - văn hóa, thấm sâu và đọng lại lâu dài, nếu so sánh với quá trình Hán hóa của người Trung Quốc dựa trên bạo lực quân sự và mang tính cưỡng bức áp đặt, do đó thường bị chống đối lại hoặc chối từ thụ động.

Từ sự Ấn Độ hóa đó đã nảy sinh một loạt các vương quốc mà lúc đầu là những quốc gia Ấn Độ thực thụ, sau đó dưới tác dụng của một cơ tầng bản địa, đã tiến hóa theo bản sắc, thần thái của từng nước nhưng vẫn lưu giữ được trong những nét biểu hiện văn hóa, cái dáng vẻ họ hàng nhờ vào một nguồn gốc chung. Đó là Cao Miên, Champa, những tiểu vương quốc ở bán đảo Mã Lai, những vương quốc ở Sumatra, Java và Bali, những vương quốc của người Miến và người Thái, và cuối cùng là những nước đã tiếp nhận nền văn hóa Ấn Độ qua vai trò của người Môn và người Khmer.

Chương đầu tiên của tác phẩm có tên là “Đất nước và cư dân”, trình bày một sơ đồ địa lý cực kỳ ngắn ngọn, cùng với một bản tóm tắt những kiến thức hiện nay về thời tiền sử và về dân tộc học ở Đông Dương và Nam Dương. Thực vậy, cần phải có một số những khái niệm về cái cơ tầng mà văn minh Ấn Độ đã lan tỏa ra trên nền tảng đó.

Chương thứ hai nghiên cứu về những nguyên nhân, thời kỳ, phương thức, những kết quả ban đầu của sự Ấn Độ hóa tiến triển trong lĩnh vực đã nói trong chương trước.

Mười hai chương tiếp theo vạch ra những sự kiện nổi bật, tạo thành dòng lịch sử cổ đại của miền ngoại Ấn Độ cho đến khi những người châu Âu tới.

Chương kết luận cuối cùng tìm cách dựng lên một bản danh mục vắn tắt của di sản do Ấn Độ để lại cho những nước được thừa hưởng, trong hơn một thiên niên kỷ khai hóa của mình.

Cuốn sách không chỉ viết cho đông đảo công chúng mà con cho những nhà sử học, ngữ văn học, dân tộc học còn thiếu những bộ sách tra cứu về những sự kiện lịch sử ở phần này của thế giới.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ: