Quyển sách Hành trình văn hoá tiền sử Việt Nam là tập hợp một số công trình tiêu biểu của nhà khảo cổ học Bùi Vinh sau gần 40 năm điền dã và nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam, được tập thể cán bộ Phòng Thời đại Đá, Viện Khảo cổ học tập hợp, biên tập cho xuất bản, mừng ông tròn 60 tuổi.
Quyển sách Hành trình văn hoá tiền sử Việt Nam là tập hợp một số công trình tiêu biểu của nhà khảo cổ học Bùi Vinh sau gần 40 năm điền dã và nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam, được tập thể cán bộ Phòng Thời đại Đá, Viện Khảo cổ học tập hợp, biên tập cho xuất bản, mừng ông tròn 60 tuổi.
Với quyển sách này, chúng ta có dịp cùng ông hành trình vào các nền văn hoá Việt Nam thời Tiền sử, mà ông đã từng gắn bó, trong đó trước hết và quan trọng nhất là văn hoá Đa Bút. Di chỉ Đá Bút (Thanh Hoá) đã được E.Patte khai quật năm 1926-1927. Ông cho rằng, Đa Bút thuộc loại hình di tích đống rác bếp, niên đại sơ kỳ đá mới, có rìu đá giống rìu mài lưỡi Bắc Sơn, đồ gốm được làm bằng khuôn đan, người chết được chôn ngồi xổm bó gối, người cổ Đa Bút thuộc loại hình Melanesien. Di chỉ Đa Bút được E.Patte xếp vào văn hoá Bắc Sơn.
Đúng 50 năm sau, năm 1977, Bùi Vinh khai quật di chỉ Gò Trũng và nhận ra rằng, đồ gốm Gò Trũng giống hệt gốm Đa Bút, nhưng đồ đá thì tiến bộ hơn. Ông nghĩ có khả năng hai địa điểm này là của một văn hoá khảo cổ với hai giai đoạn, nhưng phân vân niên đại của chúng cách nhau xa quá. Phải hai năm sau đó, năm 1979, di chỉ Cồn Cổ Ngựa được ông khai quật - Một cây cầu nối Đa Bút với Gò Trũng đã được xác lập, bằng tài liệu diễn biến di vật, địa tầng và niên đại C14. Diện mạo một văn hoá khảo cổ - văn hoá Đa Bút đã được Bùi Vinh đề xuất và nhanh chóng được giới khảo cổ Việt Nam chấp thuận. Sau đó, ông và các đồng nghiệp còn khai quật thêm các địa điểm Bản Thuỷ, Làng Còng, Hang Sáo... Ông cũng đã nhiều lần trở lại khảo sát địa điểm Đa Bút và các địa điểm trên. Mỗi lần khảo sát, ông lại có những nhận thức mới, sâu sắc hơn về văn hoá Đa Bút.
Ông cho rằng, văn hoá Đa Bút là một văn hoá khảo cổ, phân bố ở đồng bằng ven biển Thanh Hoá - Ninh Bình có đặc trưng ổn định về di tích và di vật, trải qua ba giai đoạn phát triển và thuộc bình tuyến Đá mới sau Hoà Bình, có niên đại Trung kỳ Đá mới. Về nội hàm văn hoá, ông còn đưa ra những kiến giải sâu sắc về sự thích ứng của cư dân văn hoá Đa Bút với môi trường biển tiến, biển thoái Holocene trung, về sự cách tân kỹ thuật chế tạo công cụ đá, về sự bảo lưu lâu dài truyền thống chế tạo gốm văn thừng đập không xe và sự nảy sinh kinh tế sản xuất bên cạnh hoạt động khai thác sông - biển.
Không dừng lại ở đó, ông mở rộng sang nghiên cứu các văn hoá cổ hơn, muộn hơn và tương đương với văn hoá Đa Bút. Ông tiên phong thám sát hang Bó Lấm, khai quật Hang Dơi (Lạng Sơn), hang Đán Cúm, hang Nà Chảo (Hà Giang), hang Đồng Trương (Nghệ An), góp phần làm rõ một số vấn đề Sơ kỳ Đá mới Việt Nam. Ông cũng là người tiên phong khai quật, nghiên cứu và xác lập một số văn hoá Hậu kỳ Đá mới ở miền núi phía bắc Việt Nam, như văn hoá Mai Pha (Lạng Sơn), văn hoá Hà Giang (Hà Giang), văn hoá Bản Mòn (Sơn La), xem xét mối quan hệ giữa các văn hoá ấy với nhau và với các văn hoá đồng đại khác.
Ông vào Nghệ Tĩnh khai quật các di chỉ Đền Đồi, Phái Nam nhận thức lại văn hoá Quỳnh Văn. Ông ra các đảo ven biển Quảng Ninh khảo sát thêm các di tích văn hoá, văn hoá Hạ Long, khai quật hang Bồ Chuyến, nhận ra yếu tố Tiền Đông Sơn và Đông Sơn trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Có thể nói, Bùi Vinh đi nhiều, viết nhiều và biết tập trung sức lực trí tuệ cho những vấn đề mấu chốt nhất của thời đại đá Việt Nam. Tôi được biết, ông còn tập bản thảo cuốn sách Văn hoá Đa Bút được chuẩn bị khá công phu. Chắc rồi đây, công trình sẽ được ông biên tập và xuất bản sớm.
Nhưng chỉ những bài viết trong quyển sách này thôi, tôi nghĩ, cũng sẽ rất có ích cho những ai muốn tìm hiểu diễn trình văn hoá tiền sử Việt Nam chặng đường Thời đại Đá mới. Tôi rất vui mừng được giới thiệu cuốn sách này cùng bạn đọc.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử.