Thứ Ba, 08/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/09/2016 18:53 2461
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tác giả: Bùi Thị Thu Phương; Nxb: Chính trị Quốc gia; Khổ sách: 14, 5 cm x 20.5 cm; Số lượng: 311 tr.; Năm: 2015.

Văn hóa Phùng Nguyên là một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại kim khí, cuối thời đại đồ đá mới, cách đây chừng 3.000 đến 4.000 năm. Di chỉ văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện năm 1959. Tính đến nay, có hơn 70 di tích văn hóa Phùng Nguyên đã được phát hiện. Ở những nơi đây, trong tất cả các hiện vật khảo cổ khai quật được thuộc nền văn hóa này, công cụ bằng đá và đồ gốm là phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối.

“Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên” của TS Bùi Thị Thu Phương nghiên cứu một cách công phu về các đặc trưng cơ bản của đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên qua chất liệu, loại hình, hoa văn và kỹ thuật; nghiên cứu ba giai đoạn phát triển đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên (giai đoạn sớm, giai đoạn điển hình, giai đoạn muộn) và đặc trưng đồ gốm của hai loại hình hay hai nhóm di tích (nhóm di tích vùng trung du – đồng bằng và nhóm di tích vùng đồng bằng duyên hải); bước đầu tìm hiểu giá trị biểu hiện hay phản ánh của đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên qua loại hình và hoa văn đồ gốm; xác định vị trí của gốm văn hóa Phùng Nguyên trong hệ thống gốm văn hóa tiền sử Việt Nam. Tác phẩm cũng lý giải nguồn gốc bản địa và con đường phát triển văn hóa Việt cổ (từ hoa văn gốm các văn hóa tiền Đông Sơn đến hoa văn đồ đồng Đông Sơn), làm rõ hơn một giai đoạn khởi đầu của văn hóa và văn minh Việt Nam.

Cuốn sách gồm 4 nội dung chính:

Phần I. Khái quát về văn hóa Phùng Nguyên và quá trình phát hiện, nghiên cứu đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên.

Phần II. Đặc trưng đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên.

Phần III. Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên với nhận thức giai đoạn, tính địa phương và giá trị biểu hiện.

Phần IV. Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên trong hệ thống gốm tiền sử miền Bắc Việt Nam.

Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: