Thứ Hai, 04/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/07/2016 19:22 2032
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tác giả: Đỗ Bang; Nxb: Thuận Hóa; Khổ sách: 16 cm x 24 cm; Số lượng: 414 tr.; Năm: 2016.

Mục đích và nhiệm vụ của các tác giả khi thực hiện đề tài này là tập trung nghiên cứu về chính sách của triều Nguyễn đối với biển đảo, tổ chức, trang bị, chiến pháp của quân đội bao gồm thuỷ quân, biền binh cùng các lực lượng phối hợp giữa triều đình Huế và các địa phương có liên quan; nghiên cứu về các công sự chiến đấu và hoạt động bảo vệ vùng biển, đảo và cửa biển giai đoạn triều Nguyễn đấu tranh bảo vệ chủ quyền và nền độc lập đất nước (1802-1885) trên cả ba miền đất nước; nghiên cứu quá trình khai thác và thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của triều Nguyễn cho đến năm 1945, kể cả thời gian bị thực dân Pháp cai trị.

Đề tài hoàn thành là một đóng góp quan trọng về các nguồn tư liệu biển đảo Việt Nam nói chung và biển đảo dưới Triều Nguyễn nói riêng. Tài liệu “châu bản” và các tài liệu chính sử của nhà Nguyễn là cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới Triều Nguyễn, nhất là nguồn tài liệu này đã được UNESCO công nhận là di sản ký ức của châu Á – Thái Bình Dương. Nguồn tài liệu thực địa quý nhất là tài liệu Hán Nôm tìm được ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Xanh (Bình Định), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và nhiều làng xã ở ven biển Miền Trung đã làm rõ và liên quan đến việc khai thác và thực thi chủ quyền biển đảo, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua khảo sát thực địa cho chúng ta thấy được vị trí chiến lược về kinh tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của ông cha. Nguồn tài liệu sưu tầm ở nước ngoài bao gồm các bản đồ đương đại, tranh ảnh, ký sự vừa bổ sung thêm tư liệu, vừa tăng thêm tính khách quan của công trình.

Tác phẩm gồm các nội dung chính:

Phần I: Tổng quan về biển đảo Việt Nam và biển đảo Việt Nam dưới thời Nguyễn

Phần II: Xây dựng các công trình phòng thủ vùng duyên hải, cảng biển

Phần III: Tổ chức thủy quân và việc thự thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa – Trường Phần IV: Bảo vệ an ninh, quốc phòng và nhiệm vụ kinh tế, xã hội

Phần V : Phương thức tiến hành và bài học kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa của Triều Nguyễn.

Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: