Tác giả: Hồ Sơn Đài; Nxb: Chính trị Quốc gia; Khổ sách: 16 cm x 24 cm; Số lượng: 783 tr.; Năm: 2015.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp với sự giúp sức của thực dân Anh đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Đối diện với đội quân xâm lược ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã triển khai rộng khắp cuộc chiến tranh nhân dân khiến thực dân Pháp bị tiến công mọi lúc, mọi nơi. Cuộc chiến trường kỳ ấy cuối cùng đã dẫn đến thất bại thảm hại của thực dân Pháp vào năm 1954.
Ở miền Nam Việt Nam, trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, cuộc chiến tranh nhân dân của quân và dân ta được phát huy tới cao độ. Sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc đã được huy động với lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Quân và dân miền Đông Nam Bộ với việc xây dựng được một thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, một hệ thống căn cứ địa vững chắc, liên hoàn có thể hỗ trợ tốt cho nhau, tạo được những nơi an toàn để xây dựng lực lượng, huấn luyện, tiếp nhận sự chi viện vũ khí, lực lượng từ miền Bắc đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho những “quả đấm” của bộ đội chủ lực tác chiến, từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều khiến thực dân Pháp vô cùng khốn quẫn và cuối cùng phải chấp nhận thất bại. Trận địa chiến tranh nhân dân ấy cũng đã tạo ra những cơ sở cực kỳ quan trọng để sau này đánh bại đế quốc Mỹ nhảy vào tham chiến ở Việt Nam nói chung và miền Nam, Đông Nam Bộ nói riêng.
“Chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp ở miền Đông Nam bộ” đi sâu phân tích một số vấn đề về chiến tranh nhân dân trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và thực tế cuộc chiến ở các địa bàn cụ thể của miền Đông Nam Bộ, giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về cuộc kháng chiến đầy hy sinh mất mát nhưng vô cùng tự hào của dân tộc ta.
Tác phẩm gồm 8 nội dung chính:
Phần I. Địa lý miền Đông Nam Bộ và truyền thống đấu tranh yêu nước trước cách mạng tháng tám.
Phần II. Đảng bộ miền Đông Nam bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp.
Phần III. Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ xây dựng, chiến đấu và công tác.
Phần IV. Chiến đấu ở miền Đông Nam bộ.
Phần V. Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến
Phần VI. Đảng bộ tỉnh Tân An lãnh đạo nhân dân địa phương kháng chiến.
Phần VII. Tiến trình xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa.
Phần VIII. Phong trào công nhân cao su ở miền Đông Nam bộ.
Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)