Theo phân tích các hóa thạch và các mẫu sản phẩm đá thu được, các chuyên gia cho rằng địa điểm ở gần đập Bashan, tỉnh Sơn Đông có thể có niên đại khoảng 30.000 đến 50.000 năm trước đây.
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đang khai quật một địa điểm thuộc thời đại đồ đá. (Ảnh minh họa: THX)
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện một địa điểm cư trú của con người thuộc Thời kỳ đồ đá ở gần đập Bashan tại huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc. Thông tin này được Viện di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Sơn Đông công bố ngày 21/11. Các nhà khoa học cho biết địa điểm này nằm cách cửa xả lũ về phía dưới đập 300m, có thể có niên đại từ giữa hoặc cuối Thời kỳ đồ đá.
Theo phân tích các hóa thạch và các mẫu sản phẩm đá thu được, các chuyên gia cho rằng địa điểm này có thể có niên đại khoảng 30.000 đến 50.000 năm trước đây.
Tại địa điểm này có nhiều hóa thạch động vật, các sản phẩm bằng đá lửa và thạch anh. Các hóa thạch chủ yếu là hóa thạch động vật có xương sống lớn, sừng hươu nai, răng bò nhà... Dựa trên các công cụ đá này, các nhà khoa học cho rằng địa điểm này chứa đựng không chỉ hóa thạch thời kỳ đồ đá mà cả bằng chứng về cuộc sống của con người thời kỳ đầu, nơi cư trú và các công cụ bằng đá.
Theo Viện di tích văn hóa và khảo cổ học Sơn Đông, phát hiện này có tầm quan trọng lớn đối với việc nghiên cứu các hoạt động của người cổ đại ở Sơn Đông./. Thúc Anh (TTXVN/Vietnam+)