Các nhà khảo cổ học đã phát hiện bằng chứng những người thợ săn cổ ở lại vùng lạnh giá nhất của Bắc Âu thay vì di cư để thoát khỏi mùa đông băng giá.
Bằng chứng từ xương cáo Bắc Cực cho thấy các cộng đồng người sống cách đây khoảng 27.500 năm đang săn bắt những con mồi nhỏ ở các Đồng bằng Bắc Âu khắc nghiệt trong những tháng mùa đông của Kỷ Băng hà cuối .
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về nơi cư trú, cho thấy con người chỉ ở trong một thời gian ngắn hoặc sống trong lều thuộc khu vực được khai quật, Kraków Spadzista, miền Nam Ba Lan - một trong những địa điểm hậu kỳ Đá cũ (Upper Palaeolithic) lớn nhất Trung Âu. Cho đến nay vẫn chưa rõ liệu các cư dân giai đoạn này có di dời đến các nơi khác vào mỗi mùa đông để tránh cái lạnh dữ dội hay không.
Xương hàm cáo Bắc Cực cho thấy các dấu hiệu bị giết bởi thợ săn
Tiến sĩ Alexander Pryor, Đại học Exeter, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khí hậu mùa đông khắc nghiệt, lạnh giá của Kỷ Băng hà cuối không phải là rào cản đối với hoạt động của con người trong khu vực này. Các thợ săn đã lựa chọn rất chi tiết về địa điểm và thời điểm bắt con mồi của họ”.
Cư dân Kraków Spadzista cách đây khoảng 27.500 năm đã giết và mổ thịt một số lượng lớn voi ma mút lông xoăn và cáo Bắc Cực tại địa điểm này. Lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu có thể tái hiện lại các chi tiết về cách những con cáo di chuyển xung quanh cảnh quan trước khi chết, cũng như thời điểm chúng chết trong năm, thông qua phân tích cấu trúc hóa học và tăng trưởng bên trong của men răng và chân răng. Phân tích răng của 4 trong số 29 con cáo bị săn cho thấy mỗi con sinh ra và lớn lên ở một địa điểm khác nhau và đã di cư hàng chục hoặc hàng trăm km đến khu vực này trước khi bị thợ săn giết - bằng lưới, bẫy hoặc các phương pháp bẫy khác để lấy bộ lông dày của chúng cũng như thịt và mỡ làm thức ăn. Các xác động vật này được đưa trở lại địa điểm trên để lột da và mổ thịt.
Phân tích men răng của ít nhất 10 cá thể cáo, cho thấy rằng phần lớn chúng bị giết vào khoảng từ cuối đông sang cuối xuân, nhiều khả năng là vào cuối mùa đông. Tuổi của chúng dao động từ chưa trưởng thành đến rất già.
Nghiên cứu được công bố trên Journal of Archaeological Science: Reports, cũng có sự tham gia của Sylwia Pospuła, Piotr Wojtal, Nina Kowalik và Jarosław Wilczyński từ Học viện Khoa học Ba Lan và Tereza Nesnídalová từ Đại học Exeter.
Khoảng 2.400 bộ xương cáo Bắc Cực được tìm thấy cách 30m về phía nam khu vực tập trung các xương của hơn 100 con voi ma mút lông xoăn thống trị địa điểm này, trong một khu vực được sử dụng để chế tác các công cụ đá và xử lí các con mồi nhỏ hơn.
Nghiên cứu trên cho thấy cáo Bắc Cực xâm chiếm khu vực này vì chúng di chuyển trên một quãng đường dài theo mùa, điều mà chúng vẫn làm ngày nay để tìm thức ăn.
Tiến sĩ Pryor cho biết: “Cáo Bắc Cực đã cung cấp cả thức ăn và da cho những người thợ săn giai đoạn đồ Đá cũ, với bộ lông dài tối đa vào đầu tháng 12; những lông mùa đông này thường bắt đầu rụng vào đầu mùa xuân. Chúng cũng dự trữ lượng chất béo cơ thể đáng kể theo mùa, nhiều nhất là từ cuối thu sang đông và không bắt đầu cạn kiệt cho đến đầu xuân. Các thợ săn dường như đã nhắm mục tiêu vào những con cáo này vào cuối đông - trước khi chúng bắt đầu rụng lông và mất nguồn cung cấp chất béo quan trọng.
“Số lượng lớn di cốt cáo được tìm thấy tại di chỉ này cho thấy những gì đang xảy ra là một chiến lược có chủ ý, có tổ chức hơn là chỉ săn lùng ngẫu nhiên đơn giản.”
Việc phân tích răng của chúng cho thấy các thợ săn đã tham gia vào cuộc săn quy mô lớn vào mùa đông đối với những con cáo Bắc Cực đơn độc có phạm vi di chuyển rộng. Địa điểm được sử dụng như một trại cơ sở cho các chuyến săn khác nhau để duy trì các đường bẫy và xử lý da sống.
Krakow Spadzista là một trong những địa điểm nằm ở cực bắc của trung Âu trong giai đoạn Gravettian muộn khi phần lớn các vùng đồng bằng phía bắc đã bị bỏ hoang. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ −1,0 ° C đến +4,3 ° C.
Nhóm nghiên cứu đang khai quật xương để phân tích
Theo tin Đại học Exeter 7/9/2020
Người dịch: Minh Tran
Nguồn tham khảo: https://www.exeter.ac.uk/news/research/title_814028_en.html