Một nhóm nghiên cứu quốc tế thông báo các hóa thạch Homo sapiens mới từ địa điểm Hang Bacho Kiro ở Bulgaria. Những hóa thạch này có niên đại trực tiếp khoảng 45.000 năm trước và liên quan trực tiếp đến các công cụ đá, di cốt của các động vật bị săn bắn, công cụ xương và đồ trang sức. Các phát hiện mới ghi lại những người Homo sapiens Hậu kì đồ Đá cũ sớm nhất được biết đến và đẩy lùi thời gian bắt đầu của bước chuyển văn hóa lớn này ở châu Âu. Các công cụ đá của họ được khai quật tại di chỉ này liên kết Hang Bacho Kiro đối với các phát hiện trên khắp lục địa Âu –Á về phía đông đến tận Mông Cổ.
Các hiện vật đá thuộc Khởi nguyên Hậu kì Đồ Đá cũ ở hang Bacho Kiro: 1-3, 5-7 Các phiến tước và mảnh tước từ Lớp I. 4. Hạt chuỗi đá cát với loại hình tương tự như hạt chuỗi xương. 8. Mảnh phiến tước dài nhất được tu chỉnh hoàn thiện.
Hai nghiên cứu báo cáo về các hóa thạch Homo sapiens mới ở Hang Bacho Kiro, Bulgaria. Jean-Jacques Hublin, giám đốc Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck, Leipzig, Đức, cho biết “Địa điểm Hang Bacho Kiro cung cấp bằng chứng về sự phát tán đầu tiên của H. sapiens trên các vĩ độ trung bình khu vực Âu-Á. Các nhóm tiên phong đã đưa những hành vi mới vào châu Âu và tương tác với người Neanderthal bản địa. Làn sóng di cư sớm này phần lớn xảy ra trước khi dẫn đến sự tuyệt chủng cuối cùng của Neanderthal ở Tây Âu 8000 năm sau đó.”
Một nhóm nghiên cứu quốc tế, dẫn đầu bởi Jean-Jacques Hublin, Tsenka Tsanova và Shannon McPherron thuộc Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck, cùng Nikolay Sirakov và Svoboda Sirakova thuộc Viện Khảo cổ học Quốc gia với Bảo tàng tại Học viện Khoa học Bulgaria ở Sofia, Bulgaria, đã tiến hành các cuộc khai quật tại Hang Bacho Kiro vào năm 2015. Những phát hiện thú vị nhất đến từ một lớp đen gần đáy của các trầm tích. Tại đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện hàng nghìn xương động vật, các công cụ xương và đá, hạt chuỗi và vòng cổ cùng 5 di cốt hóa thạch người.
Phân tích protein
Các khai quật ở Lớp I Khởi nguyên Hậu kì Đồ Đá cũ ở hang Bacho Kiro (Bulgaria). Bốn xương Homo sapiens được làm lộ từ lớp này cùng với bộ sưu tập phong phú công cụ đá, xương động vật, công cụ xương, và đồ trang sức.
Ngoại trừ một chiếc răng người, các hóa thạch xương người quá vỡ vụn để có thể nhận ra bởi hình dáng ngoài. Thay vào đó, chúng được xác định qua phân tích trình tự protein. Theo Frido Welker, Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Đại học Copenhagen và cộng sự nghiên cứu tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck: “Hầu hết các xương trong kỷ Pleistocen đều bị phân mảnh đến mức bằng mắt thường, người ta không thể biết chúng đại diện cho loài động vật nào. Tuy nhiên, các protein có sự khác biệt đôi chút về trình tự axit amin giữa các loài. Bằng cách sử dụng phương pháp khối phổ protein, chúng tôi có thể nhanh chóng xác định những mẫu xương đó đại diện cho xương người mà bằng trực quan không thể nhận ra.”
Để biết tuổi của những hoá thạch này và các trầm tích tại hang Bacho Kiro, nhóm nghiên cứu đã làm việc mật thiết với Lukas Wacker ở ETH Zurich, Thụy Sĩ , sử dụng một máy khối phổ gia tốc xác định niên đại với độ chính xác cao hơn bình thường để định niên đại trực tiếp trên các xương người.
Helen Flewlass thuộc Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck cho biết: “Phần lớn xương động vật được chúng tôi xác định niên đại từ lớp đen đặc biệt này có các dấu hiệu tác động của con người lên bề mặt xương, chẳng hạn như dấu vết chặt, giết mổ, cùng với niên đại trực tiếp trên xương người, cung cấp cho chúng ta bức tranh niên đại thực sự rõ ràng về thời điểm người Homo sapiens lần đầu tiên chiếm giữ hang này, trong khoảng từ 45,820 đến 43,650 năm trước, và có khả năng sớm đến 46,940 năm cách đây.” Các nhà nghiên cứu Sahra Talamo, Đại học Bologna và Bernd Kromer từ Viện Max Planck ở Leipzig cho hay: “Các niên đại cácbon phóng xạ tại Hang Bacho Kiro không chỉ là tập dữ liệu lớn nhất về một địa điểm Đá cũ đơn lẻ từng được xácđịnh bởi một nhóm nghiên cứu, mà còn chính xác nhất về phạm vi sai số”.
Giải trình tự ADN
Một trong những người đứng đầu khai quật, Tsenka Tsanova thuộc Khoa Tiến hóa Người tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck (Leipzig, Đức), đang lấy mẫu trầm tích để phân tích ADN.
Mặc dù một số nhà nghiên cứu gợi ý rằng người Homo sapiens có thể đã thỉnh thoảng vào châu Âu trước thời gian này, nhưng những phát hiện về giai đoạn này thường được cho là của người Neanderthal. Để biết nhóm người nào đã có mặt tại Hang Bacho Kiro, Mateja Hajdinjak và Matthias Meyer thuộc nhóm di truyền học do Svante Pääbo đứng đầu tại Khoa Di truyền Tiến hóa thuộc Viện Nhân chủng Tiến hóa Max Planck đã giải trình tự ADN từ các mảnh xương hóa thạch trên.
Mateja Hajdinjak, Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Francis Crick ở London và cộng sự nghiên cứu tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck cho biết:
“Với khả năng bảo quản ADN đặc biệt tốt trong các răng hàm và các mảnh xương của Tông Người (hominin) được xác định bằng phương pháp khối phổ protein, chúng tôi có thể tái tạo hệ gen ty thể đầy đủ từ 6 trong 7 mẫu nghiên cứu và kết luận trình tự ADN ty thể đã phục hồi từ cả 7 mẫu nghiên cứu trên thuộc người hiện đại. Điều thú vị là khi liên hệ các ADN ty thể này với các chuỗi ADN ty thể của người cổ và hiện đại khác, trình tự ADN ty thể từ Lớp I gần giống với cơ sở của ba nhóm haplo lớn chính của những người hiện đại ngày nay sống bên ngoài Châu Phi cận Sahara. Hơn nữa, niên đại di truyền của chúng phù hợp với niên đại cacbon phóng xạ”.
Các kết quả trên chứng minh rằng người Homo sapiens đã vào châu Âu và bắt đầu tác động đến người Neanderthal vào trước khoảng 45.000 năm cách ngày nay và thậm chí còn sớm hơn nữa. Họ mang vào Hang Bacho Kiro đá lửa chất lượng cao từ các nguồn cách di chỉ 180 km để chế tác các phiến tước có lẽ được sử dụng cho săn bắn và rất có thể để mổ thịt các động vật, mà di cốt của chúng được tìm thấy tại địa điểm này.
Nhà cổ sinh học Rosen Spasov, Đại học New Bulgary cho hay:
“Di cốt của các động vật thuộc di chỉ này cho thấy sự pha trộn của các loài thích nghi với khí hậu lạnh và ấm, với sự phổ biến nhất của bò rừng, hươu đỏ” .
Chúng được sử dụng phổ biến làm nguồn thức ăn thịt nhưng cũng được sử dụng làm nguyên liệu thô. Nhà cổ sinh Geoff Smith thuộc Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck cho biết: “Điểm đáng chú ý nhất của hệ động vật này là bộ sưu tập phong phú các công cụ xương và đồ trang sức cá nhân”. Răng gấu hang được làm thành vòng cổ, một vài trong số đó rất giống với đồ trang sức được chế tác sau đó bởi người Neanderthal ở Tây Âu.
Homo sapiens thay thế người Neanderthals
Các đồ trang sức cá nhân và công cụ xương từ Hang Bacho Kiro (bên trái) và từ Grotte du Renne (Pháp, bên phải). Các hiện vật Hang Bacho Kiro được cho là của người Homo sapiens và định niện đại khoảng 45,000 năm trước. Các hiện vật Grotte du Renne được cho là của người Neandertals và cũng không quá cũ (già).
Tổng hợp lại, các trầm tích Hang Bacho Kiro ghi lại giai đoạn ở châu Âu khi người Neanderthal Trung kì đồ Đá cũ được thay thế bởi người Homo sapiens Hậu kỳ Đá cũ (gọi là thời kỳ chuyển tiếp), và những tập hợp Homo sapiens đầu tiên được các nhà khảo cổ gọi là Khởi nguyên Hậu kỳ Đá cũ. Nikolay Sirakov, Viện Khảo cổ học Quốc gia với Bảo tàng tại Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria lưu ý: “Cho đến nay, người Aurignac được coi là người đầu tiên Hậu kỳ Đá cũ ở châu Âu, nhưng những người Khởi nguyên Hậu kỳ Đá cũ trong hang Bacho Kiro đã bổ sung vào các địa điểm khác ở phía tây Âu –Á ở đó thậm chí có mặt lâu đời hơn của người Homo sapiens.
Tsenka Tsanova, Bộ môn Tiến hóa Người tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck cho biết :" Khởi nguyên Hậu kỳ Đá cũ ở hang Bacho Kiro được biết đến là giai đoạn sớm nhất của Hậu kỳ Đá cũ châu Âu, đại diện cho một phương thức mới chế tác công cụ đá và các hành vi mới bao gồm sản xuất đồ trang sức cá nhân khác với những gì chúng ta biết về người Neanderthal cho đến giai đoạn này” . “Những người Khởi nguyên Hậu kỳ Đá cũ có thể có nguồn gốc ở Tây Nam Á và ngay sau đó có thể được tìm thấy trong Hang Bacho Kiro ở Bulgaria đến các địa điểm thuộc Mông Cổ bởi vì Homo sapiens nhanh chóng phân tán khắp Âu-Á, chạm trán, ảnh hưởng, và cuối cùng thay thế các quần thể dân số cổ đương thời: người Neanderthal và Denisovan. ”
Theo tin Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck 11/5/ 2020
Người dịch: Minh Tran
Nguồn tham khảo:
https://www.mpg.de/14778668/0505-evan-019609-the-oldest-upper-paleolithic-homo-sapiens-in-europe