Sử ký của Tư Mã Thiên có ghi chép rõ về lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Đây là công trình khổng lồ, sử dụng 7 vạn nhân công xây dựng trong 38 năm, hao phí 1/3 tài sản quốc gia. Nhưng tại sao công trình hoành tráng như thế mà nay chỉ thấy gò hoang trơ cùng tuế nguyệt, không có thành cao lũy sâu, cung điện nguy nga?
|
Mô hình giả định nơi đặt quan tài Tần Thủy Hoàng |
Sử ký của Tư Mã Thiên có ghi chép rõ về lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Đây là công trình khổng lồ, sử dụng 7 vạn nhân công xây dựng trong 38 năm, hao phí 1/3 tài sản quốc gia. Nhưng tại sao công trình hoành tráng như thế mà nay chỉ thấy gò hoang trơ cùng tuế nguyệt, không có thành cao lũy sâu, cung điện nguy nga?
Vào tháng 3/1974, vùng Thiểm Tây, Trung Quốc hạn hán nặng chưa từng có, nông dân ở dưới chân núi Ly Sơn buộc phải đào giếng. Ở một bên giếng sắp đổ của thôn dân Dương Chí Phát bất ngờ phát hiện những tượng người bằng đất, hình dạng như chiến binh, giống tượng thần mà không phải... Đó chính là “đạo quân dưới lòng đất” của Tần Vương Doanh Chính với hơn 8.000 binh mã, tạo hình cực kỳ tinh xảo, thần thái không giống nhau. Nếu vị trí cái giếng này chỉ hơi lệch một chút, thì có lẽ lịch sử vương triều hơn 2.000 năm trước vẫn còn ngủ yên trong lòng đất.
Điều khiến các nhà khảo cổ quan tâm là những tượng chiến binh bằng đất nung này được phát hiện cách chỗ lăng Tần Thủy Hoàng đến 1,5 km. Chúng có liên quan gì đến lăng mộ hay không? Ngọn núi nằm bên dưới chân núi Ly Sơn là phần mộ của Tần Thủy Hoàng, nhưng bí ẩn của nó nằm sâu trong địa cung thâm u mà thần bí.
Khu mộ được bao bọc hai lớp thành lũy theo kiểu chữ “hồi” - gồm 2 đường chạy bọc lấy nhau dài hơn 10 km. Riêng hình thế và kết cấu bên trong của địa cung thì đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng.
Sử ký của Tư Mã Thiên có chép về địa cung Tần Thủy Hoàng rất vắn tắt và khó hiểu: “Xuyên qua 3 suối, đổ đồng xuống rồi đưa quách vào... đồ quý giá kỳ lạ chứa đầy. Sai thợ làm máy bắn cung nỏ, kẻ nào tới gần thì tự bắn. Dùng thủy ngân làm trăm dòng, sông ngòi biển cả, trên lắp thiên văn, dưới bày địa lý, dùng mỡ nhân ngư (tức con báo biển) làm đuốc để cháy mãi không tắt”.
Địa cung sâu bao nhiêu, có mấy cổng?
Địa cung Tần Thủy Hoàng có tổng diện tích 41.600 m2, tương đương 5 cái sân bóng đá quốc tế, quy mô lớn nhất đời Tần Hán. Nhưng độ sâu thì vẫn chưa thống nhất. Sử ký nói “xuyên qua ba suối”, Hán-Cửu nghi nói “sâu đến cực sâu”, tức địa cung được đào sâu đến mức không thể đào thêm được nữa. Địa cung thần bí đã kích thích nhà vật lý nổi tiếng Đinh Triệu Trung.
Ông cùng 3 nhà khoa học khác khảo sát và đưa ra dự đoán độ sâu của địa cung là từ 500 m đến 1.500 m. Nhưng sau đó giả thuyết này bị sụp đổ. Giả định địa cung đào sâu 1.000 m thì nó đã vượt quá mức chênh lệch giữa vị trí lăng mộ với sông Vị ở phía Bắc, như vậy sông Vị sẽ đảo dòng đổ vào địa cung. Tiếp đó các nhà khảo cổ, địa chất học Trung Quốc tiếp tục thăm dò độ sâu địa cung bằng nhiều cách. Căn cứ số liệu khoan sâu mới nhất, độ sâu thực tế của địa cung mộ Tần Thủy Hoàng tương đương hầm mộ Tần Công số 1 ở Chỉ Dương, tức từ miệng hầm mộ đến đáy là 26 m. Công tác khảo sát độ sâu vẫn còn tiếp tục.
Tần Thủy Hoàng qua đời đến năm thứ hai thì công trình lăng mộ mới hoàn tất (38 năm với 70.000 thợ), ngay khi làm xong, con Tần Thủy Hoàng là Nhị Thế Hồ Hợi đã ra lệnh giết hết những người thợ trong địa cung. Sử ký chép: “Đại sự hoàn thành, đã chôn, đóng cửa giữa, hạ cửa ngoài, chôn kín hết thợ không ai ra được”.
Quan tài và đồ tùy táng đều được đặt phía trong cửa giữa, thợ đang làm việc bên trong thì đột nhiên cửa giữa đóng lại, cửa ngoài hạ xuống, chôn sống hết thợ trở thành vật bồi táng. Có thể suy đoán địa cung có 3 cửa cùng trên một trục thẳng, cửa ngoài là thả từ trên xuống; cửa giữa kẹp hai bên vách địa cung là khối cửa đá khổng lồ, không thể lay chuyển được; cửa trong cũng như cửa giữa, là một cửa chết.
Đổ thủy ngân ngừa trộm mộ
Trong Sử ký, Hán thư đều chép về việc sử dụng thủy ngân làm sông suối, biển hồ trong địa cung Tần Thủy Hoàng, nhưng để chứng thực có hàm lượng thủy ngân hay không là câu đố kéo dài đã mấy ngàn năm.
Hai chuyên gia địa chất là Thường Dũng, Lý Đồng đã nhiều lần đến lăng Thủy Hoàng lấy các mẫu vật phẩm để thử. Kết quả, riêng đất xung quanh lăng đã có hiện tượng “nhiễm thủy ngân dị thường”. Hàm lượng thủy ngân ở dưới địa cung còn cao hơn bề mặt gấp trăm lần. Nếu kẻ trộm mộ vào trong địa cung thì thủy ngân đủ sức giết chết ngay. Cũng nhờ vậy mà địa cung vẫn nguyên vẹn đến nay.
Tần Thủy Hoàng lo nghĩ rất nhiều về việc phòng ngừa bọn trộm mộ. Cổ thư có ghi việc chế máy bắn tên tự động trong địa cung nếu có kẻ đến gần. Nếu đúng như vậy thì đây là máy chống trộm tự động sớm nhất thế giới. Đời Tần đã phát minh ra loại cung nỏ liên châu bắn liên tiếp 3 mũi tên, nhưng lắp đặt ẩn mật trong địa cung phải là loại bắn tên tự động khi có vật bên ngoài chạm vào. Đời Tần Thủy Hoàng cách nay hơn 2.200 năm lại có thể chế ra máy bắn tên tự động cao siêu như vậy sao? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời đáp.
Nghi vấn về thi hài Tần Thủy Hoàng Năm 1976 ở khu mộ đời Hán, gò Mã Vương, Trường Sa đã khai quật một di thể phụ nữ còn nguyên vẹn làm chấn động thế giới. Có nhà khoa học dự đoán rằng di hài Tần Thủy Hoàng cũng được bảo tồn hoàn chỉnh như vậy. Từ góc độ kỹ thuật bảo quản xác ướp của di thể người phụ nữ thời Tây Hán cách đời Tần không quá 100 năm, có thể nói đời Tần đã có kỹ thuật ướp xác khá tốt. Nhưng vấn đề là ở chỗ Tần Thủy Hoàng chết trên đường tuần du mà lúc ấy đang mùa hè rất nóng. Quan lại thân cận giấu tin này nên cứ cho xe đi bình thường, không được bao xa thì thi hài bốc mùi hôi thối. Hồ Hợi, Triệu Cao bèn cho người chất lên xe hàng giỏ cá bào (một loại cá rất tanh) kéo theo để át bớt mùi. Trải qua 50 ngày như thế mới đưa thi hài Thủy Hoàng về đến kinh đô Hàm Dương phát tang. Như vậy, Tần Thủy Hoàng từ lúc chết đến lúc chôn là gần 2 tháng. Theo kinh nghiệm bảo quản thi hài hiện nay thì di thể phải được xử lý ngay sau khi qua đời, nếu kéo dài thời gian thì thi hài bắt đầu biến đổi, ngay kỹ thuật tiên tiến nhất cũng không thể làm gì được. Di thể Tần Thủy Hoàng trên đường đi đã thối rữa, chuyển về Hàm Dương cũng không xử lý sợ rằng hình hài đã nát. Vì thế hy vọng về di thể Tần Thủy Hoàng là rất mong manh. |