Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã chiết xuất một lượng lớn DNA từ lông của 2 xác voi ma mút được bảo tồn trong lớp băng vĩnh viễn ở Siberia, sau đó nhờ các thiết bị lập chuỗi DNA thế hệ mới, phục hồi 80% hệ gien của voi ma mút có lông.
Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã chiết xuất một lượng lớn DNA từ lông của 2 xác voi ma mút được bảo tồn trong lớp băng vĩnh viễn ở Siberia, sau đó nhờ các thiết bị lập chuỗi DNA thế hệ mới, phục hồi 80% hệ gien của voi ma mút có lông.
Voi ma mút có lông vốn thích nghi cao với vùng có khí hậu cực lạnh, đã bị tuyệt chủng vào cuối kỷ Băng hà, cách nay khoảng 10.000 năm, một số voi ma mút lùn còn sống sót đến cách nay 4.000 năm.
Kết quả này, vừa công bố trên tạp chí Nature, giúp làm rõ nguyên nhân diệt vong của voi ma mút và cho thấy chúng có liên hệ gần gũi với voi hiện đại hơn người ta vẫn nghĩ.
Khi tái lập được hệ gien của một loài tuyệt chủng, các nhà sinh học có thể xác định những khác biệt DNA so với những loài gần gũi nhất của nó hiện còn tồn tại.
Công nghệ tương tự có thể áp dụng cho bất cứ loài nào đã bị tuyệt chủng trong thời gian cách nay khoảng 60.000 năm nếu thu thập được lông, sừng, móng... của chúng.
Theo Stephan Schuster, thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), với những dữ liệu có được từ hệ gien cổ, một ngày nào đó khoa học có thể tái sinh voi ma mút có lông bằng cách đưa toàn bộ chuỗi DNA của voi ma mút vào hệ gien của voi hiện đại.
Theo SGGP (NYT, The Australian)