Một nghiên cứu tiến hành gần đây cho thấy bộ não của người Nêanđectan phát triển với tỉ lệ gần như tương đương với người hiện đại, từ đó làm sụp đổ quan điểm cho rằng họ phát triển nhanh theo lối nguyên thủy.
Một nghiên cứu tiến hành gần đây cho thấy bộ não của người Nêanđectan phát triển với tỉ lệ gần như tương đương với người hiện đại, từ đó làm sụp đổ quan điểm cho rằng họ phát triển nhanh theo lối nguyên thủy.
Phát hiện mới nhất về hai bộ xương trẻ em thuộc giống người Nêandectan cũng như các phân tích về khung xương trẻ Nêanđectan còn ít được biết đến đã cho phép các nhà nghiên cứu lần ra tung tích về tốc độ phát triển hộp sọ của người Nêanđectan.
Kết quả nghiên cứu tiết lộ tính tương đương với mức độ cao hơn mong đợi giữa người Nêanđectan và người hiện đại. Người Nêanđectan sống ở Châu Âu và Châu Á cách đây khoảng 130.000 đến 30.000 năm trước.
Sống nhanh, chết trẻ
Nghiên cứu về tốc độ phát triển của bộ não có thể tiết lộ cho các chuyên gia nhân chủng học rất nhiều thông tin về sự phát triển trong cuộc đời của một giống người.
Ban đầu một vài nhà khoa học nghĩ rằng người Nêanđectan phát triển nhanh hơn người hiện đại và đạt kích cỡ trưởng thành sớm hơn, một số loài tinh tinh cũng thế. Tinh tinh là họ hàng còn tồn tại gần gũi nhất với chúng ta trưởng thành nhanh hơn so với con người, nhưng đồng thời cũng chết sớm hơn.
Nhà nghiên cứu Christoph Zollikofer thuộc đại học Zurich, Thụy Sĩ cho biết:
“Có câu ‘sống nhanh, chết trẻ’, nó được coi là cách sống nguyên thủy. Con người hiện đại đã tiến hóa để có được cuộc sống dài hơn. Kết luận chính mà chúng tôi rút ra là không có sự khác biệt giữa lịch sử cuộc sống của người Nêandectan và con người hiện đại, cả hai đều có cuộc sống dài tương đương”. Hình ảo tái dựng người Nêanđectan Mezmaiskaya. (A): Khung xương. (B) Hộp sọ nhìn từ bên phải (thanh tỉ lệ, 5cm). (Ảnh: Viện khoa học quốc gia, PNAS)
Phát hiện về việc người hiện đại và người Nêanđectan có cùng đặc điểm nêu trên đồng nghĩa với việc chúng ta có lẽ đã thừa hưởng đặc điểm đó từ tổ tiên chung cuối cùng của người Nêanđectan và người hiện đại.
Trả lời LiveScience, Zollikofer cho biết: “Hiện chúng ta đã có thể nói rằng các đặc điểm được coi là hiện đại về tốc độ lớn lên cũng như phát triển chậm thực chất là đã cũ”.
Phát hiện may mắn
Nghiên cứu có thể tiến hành được là nhờ một số phát hiện may mắn về nhân chủng học. Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tìm ra hai bộ xương trẻ em Nêanđectan, một bộ xương khoảng 2 năm tuổi và bộ xương kia khoảng 18 tháng tuổi, trong hang đá tại Syria. Một hóa thạch trẻ em Nêanđectan khác trước đây cũng được tìm thấy tại Nga, nhưng chưa được nghiên cứu chi tiết hay được công bố trên tạp chí nhân chủng học. Những bộ xương này đều có niên đại khoảng 45.000 đến 50.000 năm trước.
Zollikofer cùng một nhóm các nhà nghiên cứu do Marcia Ponce de León chỉ đạo đã tiến hành phân tích ba bộ xương rồi tái lập hình khung xương hoàn chỉnh 3D trên máy tính dựa trên các mẩu xương có sẵn (chiếm khoảng 70-80% khung xương hoàn chỉnh). Họ cũng nghiên cứu răng hóa thạch cùng bộ xương để ước tính độ tuổi qua quá trình phát triển của răng.
Hình ảo tái dựng hai bộ xương trẻ em (1 tuổi và 19 tháng tuổi) được gìn giữ tốt nhất thuộc giống người Nêanđectan. (Ảnh: M. Ponce de León và C. Zollikofer, đại học Zurich)
Nghiên cứu phát hiện đầu của trẻ em Nêanđectan lớn hơn một chút so với đầu của trẻ em ngày nay, tương tự hộp sọ của người Nêanđectan trưởng thành cũng lớn hơn một chút so với hộp sọ của người hiện đại trưởng thành. Các nhà cổ sinh vật học đã phải khai quật bộ xương trẻ em của người Homo sapiens – tổ tiên trực tiếp của chúng ta – từ các đặc điểm tương ứng về thời gian địa chất. Nhưng bộ não của người Homo sapiens trưởng thành lại có cùng kích cỡ với người Nêanđectan trưởng thành. Từ đó các nhà nghiên cứu nghĩ rằng trẻ em Homo sapiens cũng có hộp sọ với kích cỡ tương đương với người Nêanđectan.
Nghiên cứu đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy người Nêanđectan và tổ tiên Homo sapiens của người hiện đại có nhiều đặc điểm chung hơn quan niệm trước đây của chúng ta. Các ghi chép về hóa thạch cũng mang lại bằng chứng chứng minh người Nêanđectan cũng sở hữu các kỹ năng văn hóa, ví dụ như sử dụng công cụ hay sử dụng một số dạng ngôn ngữ. Những đặc điểm trên đã từng được cho là chỉ có ở người hiện đại.
Zollikofer nói: “Họ giống với người hiện đại hơn chúng ta tưởng ở nhiều phương diện. Đầu tiên là công cụ sử dụng, sau đó là ăn thịt, nhân tính, tất cả những đặc điểm dường như đều bắt nguồn sâu sắc từ quá trình tiến hóa. Nếu nhìn vào các nghiên cứu di truyền mới nhất thì người Nêanđectan cũng có nhiều điểm tương đồng sâu sắc với chúng ta. Bức tranh ngày một rõ rệt hơn, chi tiết hơn. Còn chúng ta thì thu được ngàng càng nhiều kiến thức về sự khác biệt và sự tương đồng”.
Các nhà nghiên cứu công bố phát hiện của họ trên số ra ngày 8 tháng 8 trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences. Nghiên cứu được Quỹ khoa học quốc gia Thụy Sĩ, Hiệp hội khuyến khích khoa học Nhật Bản và Quỹ A. H. Schultz tài trợ.
Theo Trà Mi (Theo LiveScience)