Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện ra dấu tích của một ngôi làng cổ loại lớn, được xác định thuộc thời kỳ đồ đá mới, nằm bên cạnh bãi đá cổ di sản thế giới Stonehenge ở miền nam nước Anh.
Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện ra dấu tích của một ngôi làng cổ loại lớn, được xác định thuộc thời kỳ đồ đá mới, nằm bên cạnh bãi đá cổ di sản thế giới Stonehenge ở miền nam nước Anh.
Phát biểu ngày 30-1 khi công bố sự kiện này, nhà khảo cổ Mike Pearson thuộc Đại học Seffield (Anh), một trong số 6 người tham gia dự án khai quật, cho biết đây từng là nơi sinh sống của hàng trăm người tiền sử sống ở thời đồ đá mới và rất có thể họ chính là tác giả của bãi đá Stonehenge bí ẩn.
Qua thăm dò bằng từ trường, các nhà khoa học đã phát hiện ra hàng chục nền lò sưởi nằm ở khu vực Durrington Walls, nơi được coi là bãi đất có rào bao quanh lớn nhất thế giới. Bước đầu khai quật, nhóm khảo cổ đã phát hiện ra dấu tích của 8 ngôi nhà, 6 chiếc còn gần như giữ được nguyên vẹn các dấu vết trên nền nhà làm bằng đất sét.
Theo các nhà khảo cổ, những ngôi nhà tại đây được làm bằng gỗ, rộng khoảng 25m2 với lò sưởi đặt ở giữa. Các nhà khảo cổ còn tìm thấy trên nền nhà những đường rãnh và hố, là bằng chứng cho thấy đó là nơi để giường cũi, tủ, chạn bằng gỗ cùng rất nhiều đồ nội thất khác. Nhà khảo cổ Pearson cho biết đây là điểm khảo cổ "giàu có" nhất thuộc thời kỳ đồ đá mới được phát hiện ở Anh, vì trước đó các nhà khoa học chưa tìm được ở bất kỳ đâu một số lượng đồ gốm, đồ đá và xương động vật lớn như vậy.
Những di chỉ khảo cổ mới phát hiện được xác định có từ 2.600 đến 2.500 năm trước Công nguyên, trùng hợp với thời điểm Stonehenge xuất hiện, điều này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng người dân sống trong ngôi làng cổ đã sắp đặt nên bãi đá huyền thoại trên. Theo các nhà khoa học, phát hiện này cũng là một bằng chứng cho thấy Stonehenge không phải xuất hiện ngẫu nhiên mà đây có thể là một phần trong một khu tổ hợp tôn giáo lớn hơn chuyên dùng trong các nghi lễ khi đưa tang. Công việc khai quật tại khu vực này dự kiến kéo dài tới năm 2010.
Theo TTXVN