Nước ta chưa có môn học về tiền tệ và huân, huy chương. Khá tiếc, vì môn học này liên quan mật thiết đến các môn lịch sử, địa lý, dân tộc học, kinh tế... Nó xuất hiện ở Châu Âu vào thời kỳ Phục hưng, thế kỷ 15, 16, trước tiên vì nó liên quan đến chân dung các vị hoàng đế cổ Hi Lạp, La Mã. Sau, nó mở rộng, cho ta biết thêm tiền tệ các quốc gia, thành thị và các loại huân chương, huy chương.
Nước ta chưa có môn học về tiền tệ và huân, huy chương. Khá tiếc, vì môn học này liên quan mật thiết đến các môn lịch sử, địa lý, dân tộc học, kinh tế... Nó xuất hiện ở Châu Âu vào thời kỳ Phục hưng, thế kỷ 15, 16, trước tiên vì nó liên quan đến chân dung các vị hoàng đế cổ Hi Lạp, La Mã. Sau, nó mở rộng, cho ta biết thêm tiền tệ các quốc gia, thành thị và các loại huân chương, huy chương.
Trong khi ta thiếu môn tiền tệ và huân, huy chương học thì rất nhiều địa phương đã tìm ra hành tạ, hàng tấn tiền cổ. Nhiều cá nhân sưu tầm tiền cổ, ta hình như chưa có kế hoạch thu mua, bảo tồn cho tiền cổ quý hiếm khỏi lọt ra nước ngoài. Năm 2005, dân ở Phú Yên đã vô tình đào được 500 ký tiền cổ từ thời Lê, giúp ta biết thêm về thời Lê Thánh Tông. Cách đây mấy năm, ở Tuyên Quang cũng phát hiện được một chum tiền cổ trong vườn một nông dân, chứng tỏ nơi đây đã từng là một điểm đông cư dân buôn bán. Năm 1998, ông Chính ở Nam Định cũng đào được một chum tiền cổ nặng vài tạ.
Ngày càng có nhiều tư nhân sưu tầm tiền cổ vì thích thú, có ý thức bảo tồn và nghiên cứu. Xin kể vài “ đại ca” trong lĩnh vực này: Đầu sổ có lẽ là hai cha con cụ Cường và ông Huy ở Huế ( Giai Hội). Cụ Cường bắt đầu sưu tầm từ năm 1945, năm 22 tuổi. Sau say mê đến mức của quý trong nhà đem bán tất, bán cả máu để mua tiền cổ,. Bộ sưu tầm của cụ bao quát đủ cả các triều đại Việt Nam, từ thời Đinh trở đi, có những loại rất hiếm (Tiền Hàm Nghi, Quang Trung, thời Mạc...); Tiền Trung Quốc có tiền băng xương từ đời Thương, nhiều loại ngay cả ở Trung Quốc cũng ít thấy. Ông Đỗ Đức Dong ở TP. Hồ Chí Minh sưu tầm tiền cổ đã 17 năm, ngoài khối tiền cổ, ông thu nhập được đủ loại tiền kim từ khi Pháp sang, có loại tiền giấy lâu năm nhất in từ năm 1870. Cụ Nguyễn Bá Đạm ở Hà Nội, ngoài 80 tuổi, tuy không giàu có, cũng ky cóp được tiền của 150 nước. Quý nhất đối với ta là tiền Việt cổ trước thời Tây sang. Ngoài một số rất hiếm tiền giấy, thường là đồng tiền mỗi triều đại đúc một loại riêng bằng đồng. Đến thế kỷ 19, đồng khan hiếm thì đúc tiền bằng kẽm, có khi bằng sắt. Đồng tiền thường thì tròn, tượng trưng cho trời, giữa có lỗ vuông, tượng trưng cho đất. Mặt phải khắc bốn chữ: hai chữ là tên vua, tiếp theo là hai chữ thông bảo có nghĩa tiền dùng cho cả nước). Thí dụ Tự Đức thông bảo, người tiêu thường xâu vào dây mây thành từng chuỗi, khi đi chợ đeo vào cổ. Thời Gia Long, 60 đồng là một tiền, phải 10 tiền mới được một quan. Tiền đồng hay kẽm dùng lâu, có thể mòn, mẻ rồi khó tiêu, bị vỡ không xâu được là vứt đi.
Thời Nguyền, đúc tiền tập trung ở Huế, triều đình có khi cho phép cả một số tỉnh làm công việc này. Trước đó, phố Hàng Bạc – Hà Nội đúc tiền từ thế kỷ 15, sau vị quan to Lưu Xuân Tín, người Hải Dương, đi sứ sang Trung Quốc học được nghề đúc tiền. Khi kinh đô chuyể vào Huế, các xưởng đúc tiền ở Hàng Bạc đóng cửa. Phố này chuyển sang làm nghề đổi tiền ( rue de Change), vì có cả vàng bạc đúc thành thổi và tiền các nước. Cuối cùng đến thời Pháp, phố Hàng Bạc mới thành phố kim hoàn. Đồng tiền Mehico vào Việt Nam do lính Tây Ban Nha trong quân đội Pháp đưa vào, Năm 1830, một đồng Mehico ăn một quan (600 đồng) của ta. Vua Nguyễn còn cho đúc kim tiền (Kim Khánh) và ngân tiền (Ngân Khánh) bằng vàng bạc vừa làm một thứ huy chương để đeo.
Tiền đồng còn đi vào phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian từ lâu đời. Khi tẩm liệm người chết, người ta để vào quan tài một chuỗi tiền đồng để người chết có tiền trả đò qua sông ngăn cách hai thế giới âm dương. Tiền đồng bọc gừng giã nhuyễn để đánh gió cho người bị cảm cúm, kích tuần hoàn máu dưới da. Đó là lối chữa phổ thông của dân gian. ở Huế, bà con tung tiền kẽm ra bốn phương cho cô hồn vào dịp lễ cúng ngày 23 tháng 5 âm lịch. Vua cho đúc một số “ tiền ban” Khải Định. Ngày tết có tục phong bao giấy đỏ tiền đồng để mừng tuổi cho trẻ em. Tiền bùa đúc riêng có khắc tứ linh, hoặc 12 con giáp, hoặc lời chú của Phật, đeo lấy phước. Bố mẹ thì buộc tiền bùa vào cổ con nhỏ. Các tượng Phật thường đặt ở lưng tượng: tiền, hoặc vàng bạc. Quân Cờ Đen sang ta hay khoét lưng tượng Phật các chùa để tìm của cất giấu. Tiền kêu gọi tiền, đẻ ra trò đánh xóc đĩa, xóc mạnh bốn đồng tiền trong một cái đĩa úp kín, ai đánh trúng trong đó có mấy đồng sấp mấy đồng ngửa thì được bạc.