Các loại hình hiện vật được tìm thấy bao gồm hòn ghè, công cụ hạch đá, rìu mài lưỡi, công cụ mảnh, mảnh tước, dấu và nguyên liệu tạo dấu Bắc Sơn, mảnh tách, đá nguyên liệu...
Các hiện vật thu được sau khai quật di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: TTXVN phát)
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn Nông Đức Kiên cho biết Bảo tàng tỉnh vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ tại hang Ngườm Sâu (thôn Làng Giang, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng), phát hiện trên 900 hiện vật khảo cổ học giá trị.
Qua thống kê sơ bộ cho thấy các loại hình hiện vật được tìm thấy bao gồm hòn ghè, công cụ hạch đá, rìu mài lưỡi, công cụ mảnh, mảnh tước, dấu và nguyên liệu tạo dấu Bắc Sơn, mảnh tách, đá nguyên liệu... Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật đã được bàn giao và lưu giữ tại Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng (huyện Chi Lăng) và Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài các hiện vật trên, tại 2 hố khai quật ở hang Ngườm Sâu, các nhà khoa học còn tìm thấy lớp đất sét vàng chứa các hóa thạch xương, răng động vật.
Các hiện vật thu được sau khai quật di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: TTXVN phát) Những dấu tích còn lại trên trần hang, trong trầm tích (thể lắng đọng các vật liệu đất đá sinh ra từ quá trình địa chất) sớm nhất dưới lòng hang cho thấy đây là một di tích hiếm gặp. Các hiện vật được phát hiện chứa đựng giá trị nghiên cứu về cổ địa chất, cổ sinh địa tầng và khảo cổ học.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm Bảo tàng tỉnh đã có ý kiến đối với Ủy ban Nhân dân huyện Chi Lăng nghiên cứu, cấp bổ sung kinh phí thực hiện ngay việc lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh trong năm 2023 và nâng cấp xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2024.
Hang Ngườm Sâu được Bảo tàng tỉnh phát hiện có giá trị nghiên cứu về mặt khảo cổ học từ năm 1998.
Đến năm 2000, hang được tiến hành đào thám sát và phát hiện một số hiện vật khảo cổ học có giá trị. Tuy vậy, đến cuối tháng 7/2023, việc khai quật một cách quy mô, bài bản với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh và Viện Khảo cổ học mới được thực hiện.
Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức khai quật di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: TTXVN phát)
Tiến sỹ Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học - người trực tiếp tham gia khai quật di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu - cho rằng hoạt động khai quật tại hang đã tìm được di tích cổ sinh nằm dưới tầng văn hóa Bắc Sơn; phát hiện và ghi nhận thêm một di tích văn hóa Bắc Sơn mới với tình trạng tốt, giàu tiềm năng để kết hợp du lịch văn hóa. Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chi Lăng Đinh Thị Thao, Phòng sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét xếp hạng di tích cấp tỉnh; đồng thời, xây dựng hang Ngườm Sâu thành điểm đến hấp dẫn trong tuyến tham quan du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn./.
Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)