Di chỉ khảo cổ luôn chứa đựng trong nó nhiều yếu tố bất ngờ về lịch sử, văn hóa, khoa học xã hội, nhân văn mà qua các cuộc khai quật, giới chuyên gia, nhà nghiên cứu có thể “đọc” được nhiều thông điệp rất có ý nghĩa, cung cấp những tư liệu vô cùng quý hiếm để giải mã những sự kỳ bí về thời xa xưa. Những di vật, hiện vật của tổ tiên nằm ẩn sâu trong lòng đất vẫn đêm đêm “rì rầm, vọng về” để gợi nhắc tới các giai đoạn lịch sử và sơ sử của dân tộc.
Bởi vậy, cách đây hơn hai thập niên các nhà nghiên cứu, khoa học đã đề nghị cấp chính quyền cần phải quy hoạch khảo cổ học, từ đó có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị, mặt khác tránh tình trạng di chỉ khảo cổ bị xâm phạm hoặc bị lãng quên...
Xung quanh vấn đề bảo tồn di chỉ khảo cổ học đã, đang và sẽ xếp hạng quốc gia để giữ gìn, phát huy, biến nơi đây thành công viên hay bảo tàng ngoài trời, chúng tôi đã nhiều lần đề cập với mong muốn các cơ quan chức năng, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến loại hình di sản này. Đừng nghĩ rằng di tích khảo cổ được đào lên, lấy di vật, hiện vật về nghiên cứu, trưng bày là xong, còn gì để tham quan, phát huy giá trị. Thế nhưng, những ngày gần đây dư luận báo chí lại lên tiếng trước những di chỉ khảo cổ học quốc gia bị lãng quên hay bị “biến mất”, khiến cho những giá trị của di chỉ khảo cổ đó dần bị xuống cấp nghiêm trọng, khó nhận ra.
Thực trạng Di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi mà Văn Hoá từng phản ánh. Ảnh: Hoàng Hải
Đó là di chỉ khảo cổ quốc gia Phôi Phối - Bãi Cọi, nơi lưu dấu tích hậu kỳ đá mới, nay thành bãi chăn thả trâu bò. Di tích nằm trên khu đất rộng 60.000m2, sát chân núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Quần thể bao gồm cồn cát Bãi Cọi và các điểm xung quanh như Bãi Lòi, Bãi Phôi Phối, được Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện lần đầu năm 1974. Trong đó, cồn cát Bãi Cọi được coi là khu trung tâm, nơi tiên tìm thấy và khai quật. Giới chuyên môn kết luận, Phôi Phối - Bãi Cọi đủ yếu tố của nền văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn, cho thấy mảnh đất Hà Tĩnh là vùng đệm, nơi giao thoa của hai nền văn hóa nổi tiếng thời sơ sử. Giá trị văn hóa của di tích khảo cổ này còn tiềm ẩn lớn, tạo sự chú ý đến giới nghiên cứu khảo cổ trong nước và quốc tế. Năm 2013, Bộ VHTTDL đã xếp hạng nơi này là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện di tích khảo cổ này vẫn là bãi đất cát hoang vu, giữa là rừng bạch đàn, cỏ dại mọc um tùm. Các tuyến đường xung quanh không có biển báo chỉ dẫn, giới thiệu về lịch sử, gốc gác. Khuôn viên thiếu hàng rào che chắn, khoanh vùng cắm mốc phân tích ranh giới giữa di tích với đất vườn của người dân, không có phương án trông coi bảo vệ.
Hay như di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi (phường 16, quận 8, TP.HCM) được đánh giá là ghi dấu một thời phát triển hoàng kim của nghề gốm cổ nơi đây, nay chỉ còn là một bãi đất trống đầy cỏ, không còn dấu vết của di tích, khiến cho báo chí hốt hoảng kêu lên: Di tích giữa lòng TP.HCM biến mất: Trách nhiệm của ai? Nói về hiện trạng di tích này hiện nay, TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, người đã từng tham gia khai quật di chỉ khảo cổ Lò gốm Hưng Lợi, đã rơi nước mắt khi toàn bộ khu vực di tích chỉ còn là một mảnh đất trống cỏ mọc um tùm. Trên mặt đất không còn lưu lại dấu tích gì của di tích đã phát lộ cách đây 25 năm. Và bà nói thêm rằng, “đây là di tích thứ hai của TP.HCM bị biến mất”.
Trả lời báo chí về trách nhiệm trong việc bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của hai di chỉ khảo cổ quốc gia trên, các địa phương có di tích đều nói rằng, vẫn quan tâm đấy thôi nhưng do điều kiện khách quan, mà cụ thể ở đây là kinh phí còn rất hạn hẹp, nguồn vốn tư cho văn hóa còn thấp nên di tích chưa được “đàng hoàng”. Trả lời như vậy cũng không sai, nhưng suy nghĩ kỹ hơn thì thấy rằng, cứ đổ lỗi cho khách quan mà chưa thấy hết ý thức chủ quan, có nghĩa là trách nhiệm bảo vệ, trách nhiệm bảo tồn, tôn vinh giá trị di sản còn hạn chế của chính quyền địa phương thì lại không nói ra, hoặc lờ đi. Kinh phí bảo tồn di sản là quan trọng nhưng việc nâng cao nhận thức, và có ý thức, trách nhiệm hơn đối với bảo vệ di chỉ khảo cổ cũng quan trọng không kém.
NGUYỄN THANH SƯƠNG