Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/09/2022 10:51 1551
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Dựa vào tầng văn hóa các di tích, di vật xuất lộ và kết quả phân tích các mẫu hiện vật…, các chuyên gia khảo cổ học xác định di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ có niên đại cách ngày nay khoảng 2.300 đến 2.200 năm, nằm trong giai đoạn hậu kỳ kim khí ở Việt Nam.

 

Các chuyên gia vẫn tiếp tục nghiên cứu, xử lý số di vật thu được trong đợt khai quật vừa qua
Trong đó, lớp cư trú có niên đại sớm hơn (khoảng 2.300), còn lớp mộ táng có niên đại muộn hơn. Đây là những nhận định bước đầu trong báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ lần thứ 2 do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vừa công bố.
Dày đặc các dấu tích cổ
Di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ thuộc địa phận ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa (huyện đảo Cần Giờ, TP.HCM), khu vực này là một giồng đất đỏ cao hơn bề mặt xung quanh trung bình khoảng 1,5m. Giồng này nằm ở tả ngạn sông Hà Thanh (một nhánh của sông Dinh Bà), trên một gò cao được bao quanh bởi sông rừng ngập mặn. Trên bề mặt giồng xuất lộ dày đặc các dấu tích khảo cổ với mật độ phân bố tại đây khá lớn.
Trong đợt khai quật lần này, các nhà khảo cổ đã mở 1 hố và thăm dò 5 hố với tổng diện tích 225m2. Các hố khai quật và thăm dò được tiến hành theo phương pháp đào bóc từng lớp, quá trình khai quật lớp 1 (hố 1) xuất lộ nhiều mảnh gốm vỡ của nhiều loại hình khác nhau như chum, bình, nồi… Các loại hình đồ gốm có đặc điểm cơ bản là áo gốm mịn, xương gốm đen và nâu xám. Đồ đá và đồ thủy tinh chủ yếu là các loại hình trang sức làm từ đá ngọc và mã não… Đồ kim loại chủ yếu là mảnh, đoạn sắt bị gỉ và một số mảnh vòng bằng đồng bị vỡ. Ở lớp 1 có 145 di tích xuất lộ, trong đó chủ yếu là các di tích mộ táng (144 di tích mộ táng, trong đó mộ chum có 137 di tích, 7 di tích mộ đất) và 1 hố đất đen. Những dấu tích mộ táng xuất lộ dày đặc và sát liền nhau trong phạm vi hố khai quật, được nhận diện là các chum gốm vỡ dạng hình tròn. Đặc biệt tại chum gốm số 48, các chuyên gia phát hiện trên bề mặt lòng chum có 3 khuyên tai ba mấu bằng thủy tinh nằm liền kề nhau, cùng với 2 đoạn vòng tay bằng thủy tinh màu xanh lục. Tại lớp đào 1, các chuyên gia cũng phát hiện số lượng di vật rất nhiều so với lớp mặt, gồm nhiều chất liệu và loại hình khác nhau. Các loại hình di tích, đặc biệt là mộ táng bắt đầu xuất lộ từ lớp đào này và tiếp tục ăn sâu xuống dưới.
 
Khuyên tai ba mấu bằng thủy tinh
Tại lớp đào thứ 2 với độ sâu từ 20 - 30cm, tiếp tục xuất lộ 73 di tích mộ táng và 1 di tích hố đất sét. Cùng với các dấu tích mộ chum gốm, các chuyên gia còn phát hiện thêm dấu tích của 5 mộ đất. Đa số đều bị xáo trộn, có mộ chỉ có phần sọ, có mộ chỉ có phần xương chi và nhiều đoạn xương khác. TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biết, tại lớp đào này đã xuất lộ một di cốt người cổ, bước đầu xác định là người đàn ông cao khoảng 1,65m, có niên khoảng 2.300 năm cách ngày nay. Di vật trong lớp đào này cũng khá đa dạng về loại hình và chất liệu khác nhau. TS Tuấn cho biết thêm, sang lớp đào thứ 3, phát hiện thêm 16 di tích mộ táng, trong đó có 14 mộ chum, di vật chủ yếu liên quan đến đồ tùy táng trong các chum gốm.
Theo Viện Khảo cổ học, đợt khai quật vừa qua đã phát hiện tổng số 243 di tích thuộc bốn loại hình gồm mộ táng, hố đất sét, hố đất đen và di tích bếp. Trong đó, loại hình mộ táng chiếm số lượng chủ đạo với 239 di tích, chiếm 98,4% tổng số di tích. Điều này cũng nói lên đặc trưng điển hình của di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ, một di tích thời sơ sử đặc biệt trên phạm vi cả nước. Số lượng di vật thu được trong đợt khai quật này cũng rất lớn, nhiều nhất là loại hình di vật đồ gốm với 33.399.000 mảnh các loại hình chum, đồ trang sức, bát đồng… Căn cứ vào địa tầng, hiện trạng xuất lộ các di tích và di vật, các chuyên gia khảo cổ cho rằng di tích Giồng Cá Vồ thuộc loại hình di tích di chỉ cư trú và mộ táng. Mục tiêu của cuộc khai quật là cơ bản giữ lại hiện trạng di tích nhằm phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy tại chỗ giá trị của di tích.
 
Loại hình di tích mộ chum chiếm số lượng chủ đạo tại di tích Giồng Cá Vồ

Nhiều giá trị đặc biệt

Đánh giá về giá trị độc đáo, đặc biệt của di tích khai quật ở Giồng Cá Vồ, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng có ba đặc điểm tiêu biểu nhất. Thứ nhất, đây là di tích mô chum nhưng điểm đặc biệt là ở đây cộng đồng cư dân cổ có hình thức an táng chôn nguyên người chết trong chum gốm chứ không an táng tượng trưng như văn hóa Sa Huỳnh hay các nơi khác. Việc chôn thi thể người chết là cá biệt, còn ở đây là phổ biến.
Thứ hai, những đồ tùy táng trong mộ cho thấy những người cổ này có mối quan hệ giao lưu kinh tế văn hóa rất rộng lớn, không phải chỉ trong khu vực Nam Dương mà có tính hướng biển rất rõ ràng, quan hệ với toàn khu vực Đông Nam Á và kể cả Ấn Độ về các mặt kinh tế, kỹ thuật… Một điểm đặc biệt nữa, nơi cư trú là vùng biển Cần Giờ, với môi trường sinh thái khắc nghiệt, không có nước ngọt, không có trồng trọt, chỉ có hệ sinh thái rừng ngập mặn, thế nhưng những con người nơi đây đã khéo léo chọn được giồng đất để định cư khá lâu dài, khá tập trung, thành một vệt đến ba mươi mấy giồng đất có di tích của con người… Điều này cho thấy sự thích ứng với tự nhiên rất quan trọng. Họ không đi theo hướng rất nhiều cộng đồng thời cổ đã làm là phát triển nông nghiệp, mà họ lại phát triển buôn bán, thương mại. Có thể thấy đây là cộng đồng làm kinh tế thương nghiệp rất sớm, hướng ra biển thì họ trao đổi với các cộng đồng ở ven biển, quần đảo Đông Nam Á hoặc xa hơn; còn hướng vào đất liền thì họ đi ngược vào lưu vực sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ. Toàn bộ hệ thống di tích ở khu vực Đồng Nai, Vàm Cỏ đều cho thấy có sự liên kết với khu vực Cần Giờ mà điển hìn h là di tích Giồng Cá Vồ.
 
Di cốt người cổ có niên đại 2.300 năm (cách ngày nay) được phát hiện tại di tích Giồng Cá Vồ
 
Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận (ngoài cùng bên phải) trao đổi với các chuyên gia khảo cổ học tham gia đợt khai quật
Hiện các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, xử lý số di vật thu được trong đợt khai quật vừa qua để phục vụ cho việc bảo tồn, cũng như xây dựng phương án trưng bày giới thiệu đến công chúng tham quan trong và ngoài nước. Trong vai trò cố vấn, đồng thời là chuyên gia theo sát các chuyến khai quật khảo cổ tại di tích Giồng Cá Vồ từ những năm 1990 đến nay, PGS.TS Đặng Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Nam Bộ cho biết, các di vật, hiện vật trong lần khai quật này cần để nguyên vị trí, nghĩa là lập phương án bảo tồn tại chỗ. Cần tiến hành xử lý xương, xử lý chum cho đảm bảo an toàn vì nếu không làm nhanh sẽ hư hỏng hết. Hiện các chuyên gia cũng đang đo đạc, nghiên cứu để tiến hành cất dựng mái che, thực hiện xong thì để nguyên vị trí và trưng bày tại chỗ nhằm phục vụ công chúng và du khách, cũng như các nhà nghiên cứu tham quan, tìm hiểu.
Tất cả hiện vật khai quật lần này được để nguyên trong chum, đối với những di vật, hiện vật nhỏ quá thì đưa vào phòng trưng bày, còn các di vật, hiện vật như gốm, xương cốt lớn thì để nguyên… 
“Các di vật, hiện vật trong lần khai quật này cần để nguyên vị trí, nghĩa là lập phương án bảo tồn tại chỗ. Cần tiến hành xử lý xương, xử lý chum cho đảm bảo an toàn vì nếu không làm nhanh sẽ hư hỏng hết.
Hiện các chuyên gia cũng đang đo đạc, nghiên cứu để tiến hành cất dựng mái che, thực hiện xong thì để nguyên vị trí và trưng bày tại chỗ nhằm phục vụ công chúng và du khách, cũng như các nhà nghiên cứu tham quan, tìm hiểu”. (PGS.TS ĐẶNG VĂN THẮNG) 

HOÀNG HẢI - THÙY TRANG; ảnh: C.T.V

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3432

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Khai quật khảo cổ khu vực Di sản Thành Nhà Hồ

Khai quật khảo cổ khu vực Di sản Thành Nhà Hồ

  • 15/09/2022 08:16
  • 1286

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại khu vực bên trong và bên ngoài của 04 cổng thành (phía Đông - phía Tây - phía Nam - phía Bắc) thuộc Di sản Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.