Sau hơn 1 tháng tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia núi Bân, đoàn chuyên gia đã bước đầu xác định được những dấu tích nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở Huế. Đây là cơ sở quan trọng nhằm có kế hoạch bài bản để phát huy giá trị di tích này cũng như từng bước xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với khu di tích núi Bân.
Ngày 29.7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức báo cáo kết quả sơ bộ về cuộc khảo cổ tại khu di tích quốc gia núi Bân, phường An Tây, Thành phố Huế. Trước khi tổ chức báo cáo kết quả, đoàn cán bộ chuyên ngành và đại diện các đơn vị làm công tác bảo tồn di tích, các nhà nghiên cứu tại Huế cũng đã có buổi khảo sát thực tế tại khu vực khai quật khảo cổ.
Hiện trường khai quật khảo cổ ở di tích quốc gia núi Bân, phường An Tây, Thành phố Huế.
Phát lộ nhiều dấu tích về đàn Nam Giao thời Tây Sơn
Ông Nguyễn Ngọc Chất, trưởng đoàn khai quật khảo cổ cho biết: mục tiêu của đợt khai quật khảo cổ lần này nhằm xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn tại núi Bân. Đoàn chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành khai mở 9 hố đào ở các phía Tây, Nam, Đông, Bắc của đàn tế hiện tại. Quá trình khai quật khảo cổ đã xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng về công trình di tích này.
Cụ thể, khu vực phía Tây mở 5 hố đào (ký hiệu từ H1 đến H5) ở các vị trí mặt sườn và mặt nền tầng 1 đàn tế hiện nay, giáp với vị trí mà các nhà nghiên cứu trước đây gọi là tầng phụ của đàn Nam Giao. Tại các hố này đã xuất lộ vết tích nguyên gốc gồm: bờ kè, mặt sườn (ta-luy), mặt nền tầng 1 và một phần vết tích chân mặt sườn tầng 2 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Trong đó, bờ kè xuất lộ ở độ sâu 0,1- 0,4m (trong các hố H1, H2, H3 và H5) phía dưới lớp đất bồi tự nhiên; trong đất lẫn nhiều mảnh vỡ của các loại gạch bìa mỏng, màu đỏ tươi, niên đại thế kỷ 18. Mặt sườn (ta-luy) rộng khoảng 9m, xuất lộ ở độ sâu 0,2- 0,4m trong các hố từ H1 đến H5, thoải dốc theo độc dốc của sườn núi và chạy bao quanh đàn tế. Mặt nền tầng 1 xuất lộ trong hố H4 ở độ sâu 0,4- 0,6m, mặt nền bằng phẳng, rộng 2,8m…
“Từ những vết tích xuất lộ trong các hố đào từ H1 đến H5, chúng tôi nhận định các đoạn kè đá và các dải gạch là vết tích còn lại của bờ kè phía Tây, chân tầng 1 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Trong đó, các đoạn bờ kè bằng đá sa phiến có thể là bờ kè của đoạn chân tầng xây bậc cấp lên xuống phía Tây đàn tế”- ông Nguyễn Ngọc Chất nhận định.
Đoàn chuyên gia và các nhà nghiên cứu khảo sát các khu vực xuất lộ dấu tích nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn
Ở khu vực phía Nam, đoàn khảo cổ cũng khai quật hố H6 mở chạy dài theo hướng Bắc- Nam, trên mặt nền của tầng phụ góc Tây Nam và mặt nền tầng 1 của đàn tế hiện tại. Kết quả cho thấy vết tích đàn tế nguyên gốc chỉ còn lại một khoảng mặt nền tầng 1 khá bằng phẳng, rộng khoảng 2m, xuất lộ ở độ sâu 0,5m. Mặt sườn tầng 1 và tầng 2 của đàn tế ở khu vực này đã bị biến dạng do việc xây dựng mồ mả của nhân dân địa phương trước đây, đồng thời bị ảnh hưởng bởi quá trình nạo vét trong đợt tu bổ, tôn tạo di tích núi Bân vào năm 2008.
Phía Đông của đàn tế hiện tại, đoàn chuyên gia đã tiến hành khai quật mở hố H7 và H8, thẳng hàng theo chiều Đông- Tây, cắt ngang các tầng của đàn tế. Qua đó, cho thấy toàn bộ tầng 1 và ta-luy tầng 2 nguyên gốc của đàn tế thời Tây Sơn đã bị san ủi do việc xây dựng mồ mả của người dân trước đây. Trong hố H8, xuất lộ mặt nền nguyên gốc tầng 2 ở độ sâu 0,4m; mặt nền còn lại khá bằng phẳng, rộng 7,5m, nhưng một phần nền đã bị móng của một ngôi mô hiện đại xây chồng đè lên trên (mộ đã di dời năm 2008). Cũng tại hố H8, xuất lộ mặt nền và ta-luy tầng 3 của đàn tế ở độ sâu từ 0,1- 0,5m; đây là mặt nền nguyên gốc thời Tây Sơn, khá bằng phẳng, cao 1,6m so với mặt nền tầng 2 nguyên gốc…
Hố H9 được mở khai quật ở khu vực phía Bắc đàn tế hiện tại, đã xuất lộ các vết tích nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở độ sâu 0,1- 0,4m, bao gồm: một phần mặt sườn và mặt nền tầng 1, vết tích chân ta-luy tầng 2 của đàn tế.
Bìa gạch thế kỷ 18 xuất lộ trong các hố đào
Ông Nguyễn Ngọc Chất cũng thông tin thêm: quá trình nghiên cứu, khai quật, chúng tôi chỉ phát hiện một số gạch vỡ và đá lẫn trong đất, riêng ở khu vực phía Tây là phát hiện thêm những đoạn móng đá kè và vỉa gạch ở chân tầng 1 đàn tế. Những loại đá được sử dụng kè bó móng là đá sa phiến dạng hòn, cục… có màu vàng nhạt, tím nhạt, xám xanh, xám trắng và đan xen là những mảnh gạch vỡ. Gạch được tìm thấy ở các vết tích và trong các hố đào là dạng gạch bìa hình chữ nhật, màu đỏ tươi, xương mịn, độ nung cao, với kích thước gạch: rộng 13- 14cm, dày từ 2,5- 4cm, chiều dài 14- 16cm, niên đại tập trung trong thế kỷ 18. Tổng cộng đợt khảo cổ đã phát hiện có 268 mảnh gạch ở cả 9 hố đào; trong đó có 192 hiện vật gạch có các thông số nói trên, 76 hiện vật gạch không xác định.
Tuy chỉ mới dừng lại ở diện tích khai quật nhỏ (hơn 100m2 với 9 hố đào), nhưng đã tìm thấy các vết tích bó móng kè đá, kè gạch, những mặt nền san phẳng cùng các đường ta-luy, phản ảnh rõ quy mô, tính chất của di tích. Bước đầu, đoàn khảo cổ nhận định rằng, đàn Nam Giao thời Tây Sơn được xây dựng ở núi Bân có chân đế hình vuông; phía trên có 3 tầng đất được tạo kiểu hình nón cụt bằng cách ban xẻ triền núi trên cơ sở các đường đồng mức hình quả trứng, tạo thành 3 vòng nền có chiều cao và chiều rộng không đều nhau, chu vi các vòng nền giảm dần theo chiều cao của ngọn núi.
Cần có thêm cuộc khảo cổ mở rộng ở núi Bân
Theo nhiều nhà nghiên cứu tại Thừa Thiên Huế, để làm sáng tỏ hơn chân đế của đàn tế Nam Giao thời Tây Sơn ở núi Bân là hình vuông hay không vuông, cần triển khai thêm một đợt khai quật khảo cổ quy mô hơn và tập trung nhiều hơn ở hướng Nam của đàn tế. Đồng thời, việc tiến hành khảo cổ chuyên sâu hơn sẽ có cơ sở khoa học cho xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích này là di tích quốc gia đặc biệt.
Các chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng cần có một cuộc khảo cổ quy mô hơn ở núi Bân đề làm sáng tỏ thêm đàn Nam Giao thời Tây Sơn
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, đề xuất rằng: sau khi khảo cổ thì chính quyền địa phương và ngành văn hóa cần có kế hoạch chỉnh trang khu di tích núi Bân để phát huy giá trị của di tích này. UBND Thành phố Huế đang tiến hành thực hiện dự án công viên Ngự Bình và sẽ di dời hệ thống lăng mộ ở khu vực này, để thực hiện hiệu quả và phát huy giá trị di tích thì nên chia theo các giai đoạn và ưu tiên ở xung quanh khu vực di tích núi Bân. Ngoài việc chỉnh trang để thu hút du khách, phát huy giá trị di tích, theo tôi có thể xây đền thờ các vị tướng sĩ Tây Sơn ở khu di tích này, kết nối với đàn Nam Giao thời Tây Sơn và công viên tượng đài Quang Trung đã được xây dựng năm 2008.
Một số ý kiến cũng cho rằng, giai đoạn “rực rỡ” của thời Tây Sơn là ở Phú Xuân- Huế, do đó cần quan tâm nghiên cứu xây dựng bảo tàng hoặc nhà trưng bày về triều đại Tây Sơn tại đây nhằm kết nối và phát huy giá trị di tích văn hóa- lịch sử.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khẳng định rằng: di tích đàn Nam Giao ở núi Bân là di tích quý trong hệ thống di tích về triều Tây Sơn. Do đó, việc đề xuất cần có thêm cuộc khai quật khảo cổ mở rộng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu là rất hợp lý. Đây cũng là cơ sở để bổ sung hồ sơ khoa học và đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, là cơ sở quan trọng và cần thiết để có kế hoạch phát huy giá trị di tích độc đáo này.
Đại diện Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Sở cũng thông tin rằng, sau sự kiện lần này, Sở sẽ có tờ trình gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất mở rộng khai quật khảo cổ ở khu di tích núi Bân.
“Theo sử liệu, đàn tế tập trung 6 vạn người và cả voi, ngựa thì quy mô diện tích của đàn tế phải rất rộng lớn. Do đó việc mở rộng khảo cổ ở đây là điều cần thiết, đặc biệt tập trung tiếp cận hướng Nam của đàn tế, bởi vua thường đi từ hướng Nam lên đàn và nhìn về hướng Bắc để tế lễ”- ông Hải nói.
Bài, ảnh: SƠN THÙY