Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa hoàn thành công tác khai quật khảo cổ tại Tả Pháo xưởng và Hữu Pháo xưởng (mặt Nam Kinh thành Huế). Qua đó, xuất lộ các dấu tích nền móng gốc của hai nhà che Cửu vị thần công.
Khai quật khảo cổ tại Tả Pháo xưởng
Ngày 1.7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, thực hiện quyết định số 1742/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL, trung tâm đã tiến hành khảo cổ học tại Tả Pháo xưởng và Hữu Pháo xưởng (tức hai nhà che Cửu vị thần công). Diện tích khai quật khảo cổ 60 m2.
Việc thực hiện khảo cổ học do Phòng Nghiên cứu Khoa học, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì thực hiện. Ngoài ra, Trung tâm cũng lập các nhóm giám sát công tác khảo cổ này, gồm đại diện Ban quản lý dự án Di tích Cố đô Huế, lãnh đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Ban Tư vấn Bảo tồn Di tích. Việc khảo cổ được tuân thủ theo Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ tại Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30.12.2008 của Bộ VHTTDL.
Xuất lộ chi tiết gia cố chân đá tảng phía đông Tả Pháo xưởng
Chi tiết gia cố chân táng ở hố khảo cổ góc đông bắc Tả Pháo xưởng
Quá trình khảo cổ, đã phát lộ các lớp móng gạch vồ ở Tả Pháo xưởng, chi tiết gia cố chân tang dọc nền móng phía đông Tả Pháo xưởng, chi tiết gia cố chân táng ở góc đông bắc Tả Pháo xưởng; xuất lộ kết cấu móng gạch dọc nền móng phía tây của Hữu Pháo xưởng, chi tiết chân táng và gia cố bằng bê-tông ở góc đông bắc Hữu Pháo xưởng…
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đợt khảo cổ này nhằm mục đích làm xuất lộ dấu vết nền móng gốc của hai nhà che Cửu vị thần công, kết cấu bước gian, bước cột và các loại vật liệu xây dựng của hai công trình kiến trúc này, đồng thời phục vụ cho việc nghiên cứu và bổ sung hồ sơ dự án “Bảo tồn, phục hồi thích nghi hai nhà Cửu vị thần công”.
Xuất lộ kết cấu móng phía tây của Hữu Pháo xưởng
Trung tâm sẽ có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khảo cổ và báo cáo khoa học gửi về Bộ VHTTDL theo quy định.
S.THÙY