Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/05/2021 09:21 1841
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đó là thông tin được các nhà khảo cổ học công bố trong buổi “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai” được diễn ra tại Bảo tàng Đắk Lắk ngày 7 tháng 5 năm 2021.

 

Toàn cảnh buổi báo cáo kết quả sơ bộ

Chương trình nghiên cứu và khai quật được thực hiện theo Quyết định số 895/QĐ/BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ngày 16 tháng 3 năm 2021. Theo đó, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai thuộc thôn 6 xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Cuộc khai quật do Thạc sỹ Chu Mạnh Quyền (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) chủ trì.

 

Toàn cảnh hố khai quật

Hố khai quật có diện tích 24m2, sâu 2m, được mở ngay sát bờ phía bắc của dòng sông Ea Hleo, trong khu vườn trồng điều của người dân. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều công cụ đá như rìu, bôn, bàn mài, hòn ghè, cưa... và rải rác hàng trăm mảnh gốm. Bên cạnh đó, đoàn khai quật còn tìm được một số mộ táng với các đồ tùy táng như bình, nồi, vò, bát bồng… còn tương đối nguyên vẹn.

 

Đồ gốm tùy táng (M1)

Đặc biệt, trong đợt khai quật lần này, lần đầu tiên ở Tây Nguyên, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những mũi khoan bằng đá với trình độ chế tác tinh xảo. Bằng phương pháp sàng, đãi, những người khai quật đã thu được tổng cộng 1.122 mũi khoan và phác vật mũi khoan, cùng hàng vạn mảnh tước, vảy tước là những di vật để lại trong quá trình chế tác mũi khoan.

 

Mũi khoan xuất lộ trong hố khai quật

Các mũi khoan có kích thước rất nhỏ (đường kính thân 0,5-3mm) được làm từ các loại đá opal, jasper, silic, phtanite… được tu chỉnh, trau chuốt, mài bóng toàn thân, đạt đến trình độ hoàn mỹ. Theo các nhà khoa học, loại mũi khoan này  được sử dụng chủ yếu trong kỹ thuật khoan xuyên tâm để chế tác các loại trang sức như hạt chuỗi, hạt cườm… Ở Việt Nam, loại hình công xưởng chế tác mũi khoan mới xác định được ở các di chỉ như Bãi Tự (Bắc Ninh), Tràng Kênh (Hải Phòng), Đầu Rằm, Ba Vũng (Quảng Ninh). Những mũi khoan ở các địa điểm này chỉ được ghè, tu chỉnh, mài thô... hiện vật tương đối to và thô, chủ yếu dùng để sử dụng trong kỹ thuật khoan tách lõi. Có thể nói, những kết quả nghiên cứu và khai quật tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai là một trong những phát hiện mới và rất quan trọng của khảo cổ học Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung phát hiện được một công xưởng chế tác mũi khoan có sự chuyên môn hóa cao, trình độ kỹ thuật tinh xảo.

 

Mũi khoan tại di chỉ Thác Hai

 

Các phác vật mũi khoan

Qua nghiên cứu cấu trúc mộ M1 (1 trong 3 cụm gốm mộ trong hố khai quật), những người khai quật cho rằng, chủ nhân ngôi mộ có liên quan tới công xưởng chế tác này. Đồ tùy táng mộ ngoài đồ gốm còn có những công cụ bằng đá như 1 chiếc chày đập, 1 hòn ghè, 1 rìu tứ giác và 2 mũi khoan được xếp gọn gàng dưới đáy mộ. Có thể, ngoài các ngôi mộ đã xuất lộ trong hố đào, trong phạm vi di chỉ còn nhiều ngôi mộ khác có liên quan trực tiếp tới công xưởng chế tác này.

Trên cơ sở đồ án hoa văn trang trí cùng chất liệu và loại hình đồ gốm, cũng như trình độ tinh xảo của những người thợ thủ công chế tác mũi khoan tại đây, các nhà khảo cổ học bước đầu nhận định niên đại của di chỉ Thác Hai khoảng trên dưới 3000 năm cách ngày nay.

Một số loại hình đồ gốm mới cũng lần đầu tiên được tìm thấy ở Đắk Lắk trong di chỉ Thác Hai. Nhiều cụm gốm còn khá nguyên vẹn ,có khả năng phục dựng rất cao. Sau khi được xử lý, phục dựng lại, đồ gốm Thác Hai cùng với các loại hình hiện vật khác trở thành những tiêu bản hiện vật quý hiếm, độc đáo... bổ sung cho hệ thống trưng bày ở Bảo tàng Đắk Lắk và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

 

Bình gốm di chỉ Thác Hai

Thác Hai là một di chỉ khảo cổ học mới với nhiều thông tin nghiên cứu quan trọng, nhiều hiện vật tinh xảo, nhiều đồ gốm còn khá nguyên vẹn có thể phục dựng để trưng bày, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Tuy nhiên, di chỉ nằm sát bờ sông đang đổi dòng, từng ngày, từng giờ đang bị dòng nước xoáy vào địa tầng gây sạt lở nghiêm trọng. Do vậy, rất cần có những biện pháp bảo vệ di chỉ trước sự tàn phá của thiên nhiên. Đồng thời, trong thời gian tới, rất cần tiếp tục triển khai thêm những dự án nghiên cứu mới để có một bức tranh toàn diện về di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

Chu Mạnh Quyền

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3418

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Khai quật Óc Eo - Ba Thê thấy dáng vóc di sản UNESCO

Khai quật Óc Eo - Ba Thê thấy dáng vóc di sản UNESCO

  • 12/05/2021 09:49
  • 1836

Kết quả khai quật di tích Óc Eo - Ba Thê vừa công bố cho thấy tầm vóc của di sản này.