Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/01/2021 10:59 1926
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 24 tháng 01 năm 2021, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Thành Nhà Hồ năm 2020. Tham dự Hội nghị có TS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG; Đại diện Ủy ban Quốc gia Unesco Việt Nam; Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa; Các thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cùng đông đảo các nhà khoa học thuộc các cơ quan, viện nghiên cứu ở Trung ương và địa phương.

 

Các nhà khoa học tham quan công trường hố khai quật tại khu vực trung tâm Thành Nhà Hồ

Giới thiệu tại hiện trường, PGS.TS. Tống Trung Tín - Chủ trì khai quật, cho biết, với hai hố khai quật, một tại khu vực trung tâm, nơi được dân gian gọi là Nền Vua (4.500m2), sát ngay mép phía tây của trục đường Nam - Bắc (trục Trung tâm); một ở khu vực phía Đông, tương truyền là khu vực Đông Thái Miếu (3.500m2). Kết quả khai quật đã xác định được dấu tích nền móng của nhiều công trình kiến trúc thuộc các giai đoạn lịch sử, văn hóa Trần - Hồ, Lê sơ và Lê Trung hưng nằm xếp chồng lên nhau.

 

PGS.TS. Tống Trung Tín (người mặc áo đen) - Chủ trì khai quật

giới thiệu kết quả khai quật tại hiện trường

Tại Khu vực Nền Vua (Hố 1), trong lớp văn hóa thời Trần - Hồ, các nhà Khảo cổ đã xác định một tổ hợp kiến trúc, gồm dấu vết 2 Cổng kết hợp hành lang và 4 đơn nguyên kiến trúc. Các cổng, hành lang và kiến trúc nối tiếp với nhau chạy theo trục Nam - Bắc, dọc mép đường trung tâm của di tích. Dấu tích còn lại là nền sân lát gạch vuông (rộng từ 44 - 47cm) màu đỏ, bó nền bằng gạch bìa màu đỏ và gia cố trụ móng chân cột bằng đất sét, sỏi và đá dăm nện chặt. Nền móng các công trình kiến trúc này đều có xu hướng phát triển theo hướng Đông - Tây, ăn sâu vào trục đường trung tâm và ruộng phía đông của con đường này.

 

Mặt bằng hố khai quật ở khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ (1)

Trong lớp văn hóa thời Lê sơ, thế kỷ 15 - 16, kết quả xác định được dấu tích của 3 đơn nguyên kiến trúc, dấu vết còn lại là gia cố bó móng và trụ móng chân cột. Gia cố được đầm chặt bằng nhiều lớp mảnh ngói xám, đỏ lẫn với đất sét màu vàng, đỏ. Các công trình kiến trúc giai đoạn này nằm chồng đè lên nền móng kiến trúc thời Trần - Hồ, phân bố chủ yếu ở khu vực vách phía đông, gần với trục đường Trung tâm.

 

Gia cố trụ móng chân cột thời Trần - Hồ

Lớp văn hóa thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17 - 18, các nhà khảo cổ cũng đã xác định được dấu vết của 03 đơn nguyên kiến trúc với dấu vết của các trụ móng gia cố chân cột được đầm chặt bằng đất sét màu vàng đỏ và mảnh gạch ngói đỏ vỡ vụn, nằm đan xen và chồng đè lên dấu vết kiến trúc thời Trần - Hồ và Lê sơ tại khu vực phía đông của hố đào.

Tại khu vực phía Đông thành (Hố II), kết quả khai quật đã xác định được hai lớp văn hóa, kiến trúc tương đối rõ nét. Lớp kiến trúc thời Trần - Hồ, được xác định với bình đồ hoàn chỉnh của một tổ hợp kiến trúc gồm 04 đơn nguyên, trục chính hướng Nam. Kiến trúc ngoài (có thể là cổng) có mặt bằng hình chữ nhật, kết cấu gồm 5 gian, vì kèo 4 hàng cột với dấu vết bó móng bằng gạch bìa màu đỏ, gia cố trụ móng chân cột được đầm kỹ bằng đất sét lẫn sỏi và đá dăm. Phía trong là khoảng sân rộng, được lát gạch vuông màu đỏ, đã bị phá dỡ nhiều. Đăng đối hai bên sân ở đầu phía đông và tây là hai kiến trúc nhỏ có mặt bằng hình chữ nhật, kết cấu 5 gian, vì kèo 2 hàng cột.

 

Chân tảng đá trang trí hoa sen thời Trần - Hồ

 

Bó móng kiến trúc thời Trần - Hồ ở khu vực Đông thành

Kiến trúc Trung tâm nằm ở chính diện, thẳng trục qua sân gạch so với kiến trúc cổng, kết quả đã xác định được dấu vết bó nền và giá cố trụ móng chân cột của một tòa nhà có mặt bằng hình chữ nhật, kết cấu gồm 9 gian, vì kèo 4 hàng cột, phía trước còn có mái hiên/sảnh đua ra, gồm 5 gian hai hàng cột, bó móng được sử dụng đá cát (sa thạch), ghè đẽo vuông vức. Ở hai đầu đông và tây của sảnh hiên đều có dấu vết bậc cấp lên xuống.

 

Mặt bằng hố khai quật ở khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ (2)

Ngoài ra, ở khu vực phía ngoài, hai bên kiến trúc nhỏ ở phía đông và tây, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu vết của hai dãy hành lang, vì kèo 2 hàng cột, có xu thế chạy về phía Tây và Bắc.

Lớp kiến trúc thời Lê sơ có kết cấu tương đối giống với lớp kiến trúc thời Trần - Hồ, nhưng quy mô nhỏ hơn và nằm chồng đè lên toàn bộ phần sân, hai kiến trúc nhỏ hai bên và phần trước của kiến trúc chính của lớp kiến trúc Trần - Hồ.

Ngoài những vết tích kiến trúc được làm xuất lộ, kết quả khai quật cũng đã thu được một khối lượng lớn các loại hình vật liệu kiến trúc gồm các loại gạch hình chữ nhật màu đỏ, gạch trang trí hoa chanh, hoa cúc dây, hoa đồng tiền, hoa dây hình sin, gạch vồ, ngói mũi sen, ngói mũi hình tam giác, các mảnh lá đề, mảnh trang trí rồng… có niên đại thời Trần - Hồ, Lê sơ và Lê Trung hưng. Đồ dùng sinh hoạt gồm có các loại hình gốm sứ như bát gốm men trắng, men nâu, men ngọc thời Trần - Hồ, hoa lam thời Lê sơ, Lê Trung hưng cùng các loại đồ sành như bình, lon, vò… có niên đại kéo dài từ thế kỷ 14 - 18.

 

Gạch lát nền trang trí hoa cúc dây thời Trần - Hồ

 

Gạch lát nền trang trí hoa dây hình sin thời Trần - Hồ

Tại Hội nghị, đánh giá về kết quả của cuộc khai quật, đa số ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng cuộc khai quật năm 2020, với quy mô tương đối lớn, lần đầu tiên đã nhận diện khá rõ các di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình kiến trúc khác nhau, đóng góp thêm nhiều tư liệu mới, góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía Đông thành. Đây là những tín hiệu rất khả quan để các nhà khảo cổ và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ xây dựng kế hoạch nghiên cứu dài hạn, nhằm khôi phục mặt bằng, không gian kiến trúc Thành Nhà Hồ, làm tăng thêm giá trị và thu hút khách tham quan đến với Di sản Thành Nhà Hồ. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung kiến nghị các cấp, ngành và địa phương cần sớm xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp để bảo vệ và bảo tồn di sản.

 

TS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Thanh Hóa trong việc phối hợp, tổ chức triển khai công tác khảo cổ tại Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, do tác động của thời gian và ảnh hưởng của thời tiết, hiện một số đoạn thành có dấu hiệu bị xuống cấp, đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường chỉ đạo, quan tâm đến công tác gia cố, bảo vệ các đoạn thành đang có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp; đồng thời sớm có kế hoạch bảo vệ hiện vật, bảo quản các hố khảo cổ, giải phóng diện tích đất canh tác nằm trong khu vực nội thành để phục vụ công tác nghiên cứu, khai quật và bảo tồn di tích khảo cổ học.

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như ý kiến của các nhà khoa học đối với công tác nghiên cứu khai quật và bảo tồn giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã xác định sẽ dành nguồn lực cho đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó Thành Nhà Hồ với vai trò là Di sản Văn hóa Thế giới sẽ được chú trọng, quan tâm đầu tư để tăng giá trị nổi bật của di sản. Ông khẳng định, trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để khai thác tiềm năng, đưa Thành Nhà Hồ trở thành điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế trọng điểm hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa và cả nước./.

 

ĐOÀN - CHẤT

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3419

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Phát hiện nhiều lớp kiến trúc qua các thời kỳ lịch sử khi khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài (Chí Linh)

Phát hiện nhiều lớp kiến trúc qua các thời kỳ lịch sử khi khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài (Chí Linh)

  • 14/01/2021 09:10
  • 1668

Qua khai quật đã xác định được 4 lớp kiến trúc thuộc 4 giai đoạn xây dựng và biến đổi của chùa Ngũ Đài theo từng thời kỳ lịch sử, kéo dài từ đầu thế kỷ XIV (thời Trần) đến đầu thế kỷ XX (thời Nguyễn).