Trong tháng 5 và tháng 6 năm 2020, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hòa Bình và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, tiến hành khảo sát khảo cổ học tại địa bàn hai huyện Lạc Sơn và Yên Thủy tỉnh Hòa Bình. Kết quả đã phát hiện mới 5 di tích văn hóa Hòa Bình ở xã Bình Hẻm, huyện Lạc Sơn và các xã Lạc Lương và xã Yên Trị, huyện Yên Thủy.
- Di tích Hang Hiêm có tọa độ 20o28’20.86’’vĩ Bắc và 105o34’22.36’ kinh Đông, độ cao 249m so với mực nước biển, thuộc xóm Khướng, xã Bình Hẻm, huyện Lạc Sơn. Hang có cửa quay hướng tây nam, vòm hang cao, lòng hang rộng. Hiện nay hang đã bị đào bới do quá trình lấy phân dơi của người dân địa phương.
Di tích Hang Hiêm
Tại đây, các nhà khảo cổ đã thu nhặt được 34 công cụ đá, mảnh tước và một số mảnh gốm. Công cụ đá gồm các loại hình: công cụ rìa dọc 04 chiếc; công cụ rìa ngang 03 chiếc; công cụ mũi nhọn 02 chiếc; công cụ hình móng ngựa 01 chiếc; công cụ mảnh 3 chiếc; rìu mài lưỡi 1 chiếc; bàn nghiền 13 chiếc; chày nghiền 4 chiếc. Dựa vào vách hố đào của người dân cho thấy hang có địa tầng ổn định và tầng văn hóa dày trên 2m, còn khả năng tiến hành khai quật nghiên cứu.
Công cụ đá Hang Hiêm
Vỏ ốc núi và ốc suối Hang Hiêm
- Di tích Mái đá Khướng, có tọa độ: 20o28’19” Vĩ độ Bắc và 105o33’16” Kinh độ Đông. Cao 254m so với mực nước biển, thuộc xóm Khướng, xã Bình Hẻm, huyện Lạc Sơn. Mái đá có hướng Nam, vòm cao hình hàm ếch, diện tích hẹp. Tại đây đã phát hiện được 5 hiện vật đá, bao gồm: 1 bàn nghiền, 1 chày nghiền, 3 công cụ ghè đẽo và một số mảnh tước.
Công cụ đá Mái đá Khướng
Vỏ ốc núi, ốc suối Mái đá Khướng
- Di tích Mái đá Đẻn Rẳm ở Núi Đôi, xóm Lương Tiến, xã Lạc Lương, có tọa độ: 20o 27’51” Vĩ độ Bắc; 105o37’38” Kinh độ Đông, có độ cao 148m so với mặt nước biển.
Núi Đôi - nơi có Mái đá Đèn Rẳm
Mái đá có hướng Tây Nam, cao hơn mặt thung khoảng 20m, rộng 21m, sâu 5m. Mái đá đã bị sập với các khối đá lớn nằm ở nền. Bên trong mái đá có hang luồn hẹp và sâu. Hiện vật thu được gồm có: 02 bàn nghiền, 02 bàn mài, 01 hòn kê, 02 công cụ rìa xiên, 01 công cụ rìa ngang, 01 rìu hình thang, 01 công cụ mảnh và nhóm mảnh tước, mảnh gốm thô. Di tích còn khả năng nghiên cứu, khai quật.
Phía trước Mái đá Đèn Rẳm
Công cụ đá Mái đá Đèn Rẳm
- Di tích Hang Mu tại Xóm Yên Mu, xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Hang có độ cao 153m so với mặt nước biển, có tọa độ: 20o27’50” Vĩ độ Bắc; 105o33’48” Kinh độ Đông, cao 142m so với mực nước biển. Cửa hang quay hướng Đông, nền hang khá phẳng, cao hơn mặt thung 6m, lòng hang rộng 6,5m, sâu 5m, rồi có ngách hẹp ở cả hai bên vào sâu bên trong. Trên vách hang có bám trầm tích ken nhiều vỏ ốc. Đã phát hiện được một số mảnh tước đá. Di tích có thể tiến hành thám sát nghiên cứu.
Núi Mu - nơi có hang Mu
Trầm tích vỏ ốc kết khối ở hang Mu
- Di tích Hang Kèn tọa lạc tại thôn Minh Sơn, Xã yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, tọa độ: 20o20’29” Vĩ độ Bắc; 105o49’9” Kinh độ Đông, cao 115m so với mặt nước biển. Mặt hang quay hướng Nam, bao gồm 2 phần hang dưới và hang trên. Nền hang khá bằng phẳng, cao hơn mặt thung 4m, đã phát hiện được 6 công cụ đá, gồm có 1 bàn nghiền, 1 chày nghiền, 1 công cụ rìa xiên, 3 công cụ mảnh và một số mảnh tước, mảnh gốm thô. Di tích có khả năng nghiên cứu khai quật.
Núi Kèn - nơi có hang Kèn
Công cụ đá hang Kèn
Những phát hiện nói trên đã bổ sung thêm 05 địa điểm mới vào danh sách các di tích văn hóa Hòa Bình trên đất tỉnh Hòa Bình từ 76 địa điểm (tính đến năm 2018) lên thành 81 địa điểm.
Tư liệu khảo sát cho thấy các di tích hang động mới phát hiện ở huyện Lạc Sơn và Yên Thủy có những điểm tương đồng nhất định với các di tích lớn trong khu vực là Mái đá Làng Vành và hang Xóm Trại, và nhóm các di tích văn hóa Hòa Bình ở Vườn quốc gia Cúc Phương cũng như hệ thống di tích khảo cổ hang động ở khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình).
Lê Hải Đăng (Viện Khảo cổ học)