Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/06/2020 10:32 1980
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hải Phòng ngày 18/6 cho biết, Viện Khảo cổ học đã có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khẩn cấp bãi cọc khu Đầm Dương, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

 

Phát hiện 37 cọc gỗ nằm sâu dưới bùn

Trước đó, trong quá trình khai quật bãi cọc Cao Quỳ ở xã Liên Khê (năm 2019), đoàn khai quật nhận được thông tin về việc  gia đình ông Đào Văn Đến (trú tại thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sau khi bơm nước để thu hoạch cá đã phát hiện 13 cọc gỗ lớn dưới đáy ao vào ngày 9/2.

 

Trong quá trình bơm nước, thu hoạch cá, người dân phát hiện 13 cọc gỗ lớn dưới đáy ao.

Đến ngày 12/2, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, các chuyên gia đã tổ chức khảo sát khu vực bãi cọc tại ao nhà ông Đào Văn Đến. Thời điểm khảo sát, một số cọc có dấu hiệu bị hủy hoại như: các đầu cọc bị chặt bằng, một số cọc nằm trong bờ kè đá. 

Tiếp đó, theo đề nghị của Viện khảo cổ học và UBND huyện Thuỷ Nguyên, ngày 19/2, UBND TP.Hải Phòng đã quyết định khai quật khảo cổ khẩn cấp liên quan đến việc phát hiện 13 cọc gỗ tại xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Các nhà khảo cổ đã thực hiện đào 3 hố khai quật, 1 hố thám sát tại khu đất nhà ông Đào Văn Đến và ông Nguyễn Văn Hay kế bên.

 

Đoàn khảo cổ tìm tháy 37 cọc gỗ tại bãi cọc Đầm Thượng.

Theo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật tại bãi cọc Đầm Thượng, đoàn khảo cổ đã tìm thấy 37 cọc gỗ nằm sâu dưới bùn. 

Tại hố H1, các nhà khảo cổ phát hiện 11 cọc gỗ có hình dáng tự nhiên, một số còn dấu vết mắt gỗ, có mộng khoét sơ sài ở phần dưới chân. Trong đó, 5 cọc đường kính 26-32cm, dài hơn 1,6m tới hơn 2,8m. Các cọc còn lại ngắn, đường kính nhỏ hơn.

 

11 cọc gỗ có hình dáng tự nhiên, một số còn dấu vết mắt gỗ, có mộng khoét sơ sài ở phần dưới chân.

Tại hố H2, các nhà khảo cổ phát hiện 06 cọc gỗ ở độ sâu 1,7m tới 2m dưới bùn. Trong đó cọc C1 lớn nhất, đường kính 18cm, phần xuất lộ dài 54cm. Các cọc khác nhỏ hơn, phần lớn chỉ còn đoạn ngắn dưới chân, có lẽ bị chặt đi trong quá trình trước đây người dân đào ao, làm đầm.

 
 Một số cọc có đường kính lớn, chiều dài từ 1,6m đến 2,8m.

Tại hố H4, có 19 cọc gỗ và 02 mảnh gỗ trong tình trạng mủn nát.

Ngoài ra, ở hố thám sát TS1, các nhà khảo cổ tìm thấy 01 cọc gỗ nhỏ dài 55cm, phần đầu cọc bị mục.

Cũng theo Đoàn khảo cổ, Đầm Thượng nằm ở khu vực ngã ba nơi giao nhau của ba con sông Kinh Thầy, Đá Vách và Đá Bạc. Nơi đây vốn là bãi sông, theo thời gian trở thành khu dân cư trong đê.

 
Bãi cọc Đầm Thượng có thể nằm tại vườn của nhiều hộ gia đình ở xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Còn theo người dân địa phương, bãi cọc Đầm Thượng có thể dài 400m rộng 250m và nằm tại vườn của nhiều hộ gia đình.

Một trong các điểm đánh chặn, tiêu diệt đoàn chiến thuyền quân Nguyên năm 1288

Từ kết quả khai quật, các cọc gỗ trên không phải là cọc kiến trúc, không phải cọc đáy, cọc kè đê hay mục đích dân sinh khác. Bên cạnh đó, trong phạm vi khai quật không có dấu hiệu của bến cảng. Hiện, các mẫu gỗ, mẫu đất đang được các nhà khoa học tiến hành phân tích để lý giải bãi cọc này có từ bao giờ.

 

Theo kết quả khai quật, các cọc gỗ trên không phải là cọc kiến trúc, không phải cọc đáy, cọc kè đê hay mục đích dân sinh khác.

Còn theo nghiên cứu bước đầu, bãi cọc Đầm Thượng nằm ở vị trí chiến lược án ngữ phía sau nút thắt trên sông, ngay chân rặng núi đá. Từ cách thức bố trí bãi cọc cho thấy tính chất quân sự rõ rệt, nhằm phòng thủ ngăn chặn, tiêu diệt sinh lực địch.

Theo đó, các nhà khoa học nhận định Đầm Thượng nằm ở vị trí có tính chiến lược trên sông Đá Bạc nối với sông Bạch Đằng, nơi trước đây đã phát hiện nhiều bãi cọc ở Yên Hưng (Quảng Ninh), Cao Quỳ (Hải Phòng) và các cuộc khai quật khảo cổ xác định có các căn cứ của quân binh nhà Trần.

 
 Cách bố trí bãi cọc cho thấy tính chất quân sự rõ rệt.

Đoàn khảo cổ cũng đưa ra giả thuyết bãi cọc Đầm Thượng là một trong các điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn chiến thuyền quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288. Giả thuyết này cần tiếp tục được kiểm chứng qua việc mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ học và các căn cứ khoa học khác.

 

Các nhà khảo cổ đưa ra giả thuyết bãi cọc Đầm Thượng là một trong các điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn chiến thuyền quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288.

Ngoài ra, đoàn khảo cổ kiến nghị tiếp tục thực hiện khai quật mở rộng các khu vực có cọc và tiến hành nghiên cứu phân tích mẫu gỗ, mẫu đất để làm rõ đặc điểm, chức năng bãi cọc. Song song với việc bảo tồn di tích, đoàn cũng đề nghị mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ khu vực Trúc Động (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) để xây dựng hồ sơ đầy đủ cho các di tích liên quan hoặc cùng loại ở khu vực, cũng như mối liên quan với di tích khác thuộc hệ thống Bạch Đằng Giang.

HOÀNG DƯƠNG - PHƯƠNG LINH

 

https://www.tienphong.vn/

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3479

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Cánh mây trắng vẫn bay…

Cánh mây trắng vẫn bay…

  • 09/06/2020 16:46
  • 2503

Thi thoảng, truyền hình vẫn phát phóng sự về anh - một nhà khảo cổ học ngườiNhật mang tâm hồn Việt đã có hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam. Anh để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong ngành khảo cổ tại mảnh đất này và đã vĩnh viễn ở lại nơi làng quê ven sông Hồng...