Thứ Sáu, 01/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/05/2020 15:39 2306
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nguyên Bí thư Chi bộ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 68 tại thời điểm 21h50' ngày 16 - 5 - 2020 (tức ngày 24 tháng Tư năm Canh Tý).

Sinh ngày 20 - 7 - 1953 tại Hoàng Mai, Hà Nội; xuất thân từ một gia đình tiểu tư sản, nhưng Vũ Quốc Hiền sớm đam mê với sách vở và tỏ rõ tinh thần cầu thị, ham học hỏi. Năm 19 tuổi, Vũ Quốc Hiền chọn khoa Lịch Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội để theo học. Năm 1976, ông tốt nghiệp Cử nhân ngành Sử; một năm sau nhận công tác tại phòng Nghiên cứu - Sưu tầm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) và kể từ đó, Vũ Quốc Hiền đã có gần 40 năm gắn bó, cống hiến cùng rất nhiều đóng góp cho khoa học, cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

 

TS. Vũ Quốc Hiền phát biểu tại Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về Khảo cổ học

năm 2012 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Năm 1995, ông theo học Nghiên cứu sinh tại Viện Khảo cổ học - Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Với Luận án Văn hóa Xóm Cồn và vị trí của nó trong thời đại Kim khí ven biển Miền Trung, Vũ Quốc Hiền đã có đóng góp lớn trong việc phân lập nền văn hóa Khảo cổ ở Miền Trung đất nước, làm sáng tỏ mối liên hệ giữa văn hóa Xóm Cồn với các di tích khác, góp phần tường minh nguồn gốc văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam thời Sơ sử.

Miệt mài lao động khoa học không ngừng nghỉ, các luận cứ, nhận định, công trình nghiên cứu của TS. Vũ Quốc Hiền liên tục được công bố theo bước chân không mỏi của ông trên khắp mọi miền đất nước. Những phát hiện, nghiên cứu đậm tính học thuật của TS. Vũ Quốc Hiền về nhóm di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở miền Đông Nam Bộ, các di tích thuộc giai đoạn Tiền - Sơ sử Thành phố Hồ Chí Minh… đã nhận được sự tán đồng, đánh giá rất cao từ các học giả trong và ngoài nước. Vũ Quốc Hiền không chỉ là đồng tác giả của công trình Khảo cổ học tiền sử và sơ sử Thành phố Hồ Chí Minh (năm 1998) mà còn là tác giả của hàng chục chuyên luận, khảo cứu chuyên sâu về Khảo cổ học, Lịch sử học, Bảo tàng học, Di sản - văn hóa…

Lao động khoa học cần mẫn và nghiêm cẩn, sống gần gũi, chan hòa hết lòng vì đồng nghiệp, bạn bè, TS. Vũ Quốc Hiền trở thành tấm gương cho thế hệ cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và giới khảo cổ học Việt Nam. Sự ra đi đột ngột của ông đã để lại sự tiếc thương vô hạn trong lòng bạn bè và đồng nghiệp. Tưởng nhớ ông, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia xin trân trọng giới thiệu một số bài viết về ông như một lời tri ân, tiễn biệt một con người suốt đời vì sự nghiệp bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc!

TIẾN SĨ VŨ QUỐC HIỀN: BẠN - ĐỒNG NGHIỆP - CỘNG SỰ CỦA TÔI

1. Một người bạn tình nghĩa

Hiền và tôi là đồng môn, nhưng không đồng học, tại khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Anh sau tôi hai khóa, mà lẽ ra, vào những thập niên 70 của thế kỷ trước, sinh viên khoa Sử nói riêng, khoa học xã hội  nói chung, còn ít ỏi và hiếm hoi, nên các khóa va nhau đôm đốp ở nhà ăn tập thể, hoặc những buổi tập thể dục hàng sáng mỗi ngày. Thế nhưng, chúng tôi chẳng hề quen nhau, do anh ở ngoại trú, còn tôi, ở nội trú, tại ký túc xá Mễ Trì.

Ra trường, anh về công tác tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, còn tôi, công tác tại Viện khảo cổ học, cùng làm nghề khảo cổ, nhưng chuyên môn lại khá xa nhau, nên chẳng có sự gặp gỡ, giao lưu, vì lứa chúng tôi còn quá trẻ so với lớp đàn anh gạo cội, "cây đa, cây đề" thời bấy giờ.

Thế rồi, năm 1979, một tai nạn giao thông xảy ra với vị Viện trưởng của Bảo tàng, cùng một đồng nghiệp đàn anh nổi tiếng trong ngành, qua một chuyến đi khảo sát điền dã tại Đồng Nai. Vị Viện trưởng bị thương nặng, còn người đàn anh Phạm Văn Kỉnh hy sinh ngay tại chỗ. Đó là một tổn thất không thể bù đắp, của một chiếc vạc ba chân khảo cổ học Việt Nam thời bấy giờ: Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội.

 

TS. Vũ Quốc Hiền - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt nam đến thăm

 và chỉ đạo khai quật di tích Đền Lê, Hoa Lư, Trường Yên, Ninh Bình, tháng 4 năm 2010

Nằm trong Viện, vị Viện trưởng già, thông minh, dù còn vật lộn với những vết thương, nhưng ông vẫn bận tâm về sự thiếu hụt con người của bộ phận Nghiên cứu – Sưu tầm. Theo đó, khẩu lệnh cho trưởng phòng tổ chức, tìm cho được một cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung, trước khi ông bình phục. Trưởng phòng tổ chức không hỏi ai khác, ngoài Vũ Quốc Hiền, với đại ý, cậu là một cán bộ trẻ, mới về cơ quan, nhưng để lại nhiều ấn tượng với tôi, do đó, tôi nhờ cậu, tìm giúp một người trẻ, không phải để thay thế cho một chuyên gia lớn, nhưng có sức khỏe, có đạo đức để thực hiện ý chỉ của Viện trưởng.

Vũ Quốc Hiền nghĩ ngay tới tôi, khi anh biết, tôi có ý định chuyển công tác, do hoàn cảnh gia đình.

Vị Trưởng phòng tổ chức chấp nhận, do ông tin ở Hiền mà chưa hề gặp tôi. Ông giao cho Vũ Quốc Hiền và Quang Văn Cậy tiếp cận. Nhận được thông tin, tôi vừa mừng, vừa lo, dù biết đích xác, về bảo tàng không phải là để thế chỗ cho một cây đa, mà chỉ nhằm bổ sung người cho một bộ phận thiếu hụt, khi Lưu Trần Tiêu còn đang bận Nghiên cứu sinh ở Hungari, phải bốn, năm năm nữa mới trở về.

Đành rằng là vậy, nhưng tôi vẫn đầy tự ti về sự non yếu của mình, khi mới qua thời gian tập sự một năm, lại về đầu quân bên cạnh Nguyễn Mạnh Lợi, Lưu Trần Tiêu, Quang Văn Cậy, Trương Hoàng Chân… nổi danh như cồn, ngay từ khi tôi còn theo học chuyên ngành khảo cổ học. Tôi dãi bầy suy nghĩ này với Vũ Quốc Hiền và anh nói với tôi thật đơn giản: "Tôi như thế nào thì ông cứ như thế mà làm, đừng đắn đo, nên nắm lấy cơ hội vì ông đang muốn chuyển công tác cơ mà". Tôi nghe theo Hiền với một triết lý rất đời thường và đơn giản, nhưng vẫn e dè, nhờ anh làm thủ tục ở phía bảo tàng. Đến khi có quyết định tiếp nhận, về nhận công tác, lúc đó mới biết mặt vị Viện trưởng và Trưởng phòng tổ chức.

Vũ Quốc Hiền không hề đắn đo sau trước. Anh nghĩ đúng là làm. Tôi mến anh ở điểm ấy, do đó, mọi chuyện gia đình, vợ con, anh em, bè bạn, cứ mỗi khi gặp khó khăn, vướng bận, chưa có lời giải đáp, tôi thường tâm sự, để xin anh những lời khuyên đơn giản, chí tình. Những lúc như thế, anh tỏ ra chu đáo và cẩn trọng, chỉ ra những nút thắt cần tháo gỡ, những suy nghĩ còn rối rắm, cần gạt bỏ, những bước đi cần thực hiện cho đúng quy trình, và từng con người cần gặp để sẻ chia, cảm thông. Thực hiện theo anh, mọi vấn đề được hanh thông, kết quả thật mỹ mãn, tâm tưởng nặng nề nhẹ tênh như gió thoảng.

Nhớ một lần, phóng viên báo Sài Gòn giải phóng trích ý tôi từ một bài tham luận, biến thành phỏng vấn, đăng hai kỳ, với những sapo giật gân, nhiều sai lệch. Họ có gửi cho tôi để xin ý kiến, nhưng quá bận việc, không có thời gian rà soát kỹ càng. Báo ra, Bộ trưởng đọc được, phê rằng, tình hình phá hoại di tích ở ta đen tối như thế này chăng? Theo đó, ông lệnh cho thứ trưởng thường trực cần phải cải chính. Tôi điện cho phóng viên, hai tác giả đều đồng thanh không thể, vì bài của họ được giải thưởng quý, giải thưởng năm. Vũ Quốc Hiền biết chuyện, hỏi tôi và anh đi tới bản báo ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ bạn thân tác động, buộc Tổng biên tập phải sửa. Vũ Quốc Hiền giải quyết mau lẹ, bởi anh hiểu nguyên tắc, quy trình và trên tất cả là sự sả thân vì bạn bè, mỗi khi gặp khó khăn. Tinh thần ấy, không chỉ với tôi, mà với tất cả những người bạn.

Khi Nguyễn Văn Sơn còn đơn thân, tha hương tại đất Hải Phòng. Vũ Quốc Hiền hay rủ tôi và Ngô Thế Phong xuống thăm, kinh phí ăn uống, đi lại do anh chịu trách nhiệm. Tống Trung Tín còn hàn vi, chảy máu dạ dầy tại nhà GS Hà Văn Tấn, anh day dứt, không biết có qua khỏi được không? Đó là những người tôi biết, còn rất nhiều, rất nhiều những người bạn khác ở Đại học, ở Phổ thông, đều nhận được sự sẻ chia của anh, cả vật chất lẫn tinh thần, qua những tiếng thở dài ngán ngẩm của anh về gia cảnh của những người mà tôi không hề biết mặt, chứng tỏ anh luôn canh cánh, nặng tình vì bạn.

 

TS. Vũ Quốc Hiền tham gia tư vấn khai quật khảo cổ tại Khu di tích chùa Ngũ Đài,

phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tháng 12 năm 2019

Vũ Quốc Hiền giúp bất cứ ai, khi có thể, không kể thân, sơ. Anh chưa bao giờ nghĩ đến sự đền đáp từ người mình giúp. Anh nói với tôi: "Mình giúp người thì người khác lại giúp mình". Quả thật, thực tế ấy, nghiệm sinh, tôi càng thấm thía như một chân lý.

Vũ Quốc Hiền ân tình với những bậc đàn anh trong cơ quan, không phải là quan hệ cấp trên, cấp dưới. Khi còn là trưởng phòng, anh và Ngô Thế Phong phân công anh em, đến chúc tết gia đình anh Trịnh Căn, cho đến khi các cháu lớn khôn mới dừng lại. Hai anh cũng xây dựng một thông lệ, ở phòng Nghiên cứu – Sưu tầm, thăm hỏi các vị lãnh đạo đã nghỉ hưu trong những dịp Tết đến, xuân về, mà đến giờ đây, thế hệ kế tiếp vẫn thực hiện như một truyền thống của phòng.

Vũ Quốc Hiền là một người chu toàn với bạn bè, lễ nghi với người trên và vị tha với lớp trẻ. Nghe tin anh mất, gia đình tôi nghẹn ngào trong những bữa cơm ở vài ngày sau đó. Vợ tôi nói trong nước mắt: "Chú Hiền là một trong những người bạn tốt nhất, chí tình nhất của gia đình này, các con cần phải nhớ".

Còn tôi, tự an ủi với mình, Hiền sởi lởi, bộc trực, chân tình với cuộc đời, nên khi lâm bệnh, trời Phật phù hộ khiến anh không bị nhiều thời gian bận tâm, day dứt, cũng không chịu nhiều sự đau đớn về thể xác, do căn bệnh quái ác hành hạ và anh cũng không quá làm phiền những người thân, để rồi ra đi thanh thản, đủ để gia đình, anh em, bạn bè chăm sóc và thăm nom trong sự tỉnh táo cần có của một con người, hệt như dân gian hiện đại nhắc nhở "sống khỏe, chết nhanh". Vũ Quốc Hiền chắc phải tu Phật, tu tiên mới có được điều này.

Tôi mong được như anh và sớm hơn như thế thì càng hay.

2. Một người đồng nghiệp sẻ chia

Những năm tháng công tác cùng nhau, Hiền và tôi có nhiều kỷ niệm qua những chuyến đi khảo sát, điền dã, khai quật. Những chuyến đi đầy vất vả, gian nan, để lại trong tôi nhiều ấn tượng đầy tình nghĩa đồng nghiệp, mà chạm đến đây, tất cả lại hiện về như những cuốn phim.

Vũ Quốc Hiền, Trương Hoàng Châu và tôi đi khai quật tại Quảng Nam – Đà Nẵng, nhưng còn thêm một nhiệm vụ khác nữa, khai quật xóm Cồn tại Phú Khánh. Xong việc ở Quảng Nam, Hiền và tôi đáp tàu chợ vào Nha Trang tiền trạm trong một đêm hè nóng bức. Vào đến nơi, ba giờ sáng, tôi nói với Hiền, tìm một nhà trọ nghỉ tạm, chờ sáng làm việc với Sở VHTT. Anh phân tích với tôi, liên hệ nhà trọ giờ này không dễ, lại phải mất tiền cho một đêm không đẫy, chi bằng, cứ ngủ ngay trước cửa Sở, chờ đến giờ làm việc. Tôi buộc phải nghe theo, vì anh là người phụ trách đợt khai quật này.

 
 

TS. Vũ Quốc Hiền  (người mặc áo xanh) - nguyên PGĐ Bảo tàng LSQG;  tham gia tư vấn khoa học tại công trường khai quật Tàu cổ Dung Quất, Quảng Ngãi tháng 5 năm 2019

Vào làm việc với Sở khoảng bảy giờ, lếch thếch như một kẻ hành khất. Tiếp chúng tôi là bà Phó giám đốc, đoan trang và lịch lãm, không thể tưởng tượng đó là hai cán bộ của bảo tàng tầm quốc gia. Nghe trình bày, bà xúc động, lập tức giao hành chính dẫn chúng tôi tới một ngôi biệt thự sang trọng nằm ở số 5 YECSIN  - Nhà khách VIP của UBND tỉnh. Chiều, ra ngân hàng, được hay, tiền từ Hà Nội chưa vào. Chờ miết, mới biết, có sự lầm lẫn về thủ tục. Điện tới, điện lui qua đăng ký đường dài, mười ngày sau tiền mới đến. Lúc đấy anh Trương Hoàng Châu lại chưa có mặt vì còn bận công việc ở Đà Nẵng, lại phải chờ. May là, tiền ăn, tiền nhà khách tại Nha Trang được Sở VHTT chu tất. Tuy nhiên, tôi thì vô cùng sốt ruột, bởi thời gian công tác quá dài, hơn một tháng ở Quảng Nam rồi. Vũ Quốc Hiền vẫn thản nhiên, không một lời phàn nàn, tưởng như anh biết trước, đó là tình huống phải chấp nhận mỗi khi đi công tác xa.

Vào Suối Chồn ở Đồng Nai, tình hình cũng tương tự. Vũ Quốc Hiền và tôi nằm cả tháng trời chờ tiền ở cơ quan gửi vào và chờ trời mưa tạnh. Thời gian này, chúng tôi ở nhờ tại một ngôi nhà cấp bốn của Bảo tàng Đồng Nai, ăn chung với một cán bộ bảo tàng xa nhà. Gạo thì nhờ đồng nghiệp cho vay, bữa ăn triền miên là rau muống luộc chấm với nước mắm lá chuối khô. Ăn mãi, gạo hết, chờ mãi, sốt ruột. Vũ Quốc Hiền nói với tôi, xuống Cần Thơ mua gạo, vừa ăn, vừa trả. Những năm ấy, ngăn sông, cấm chợ, Hiền phải mượn chiếc vali của một chính khách ngụy quyền đang cải tạo, tại một gia đình quen thân ở Sài Gòn mang đi, với mục đích đựng gạo, che mắt quản lý thị trường. Qua bao lần phà, ngồi trên ô tô, tôi cứ lo ngay ngáy, Vũ Quốc Hiền thản nhiên, xách vali như một phu khuân vác, bên cạnh một mệnh phụ phu nhân, anh làm quen từ bao giờ tôi chẳng rõ. Hai mươi cân gạo về tới Biên Hòa, cũng đủ để trả cho đồng nghiệp từ những ngày ăn nhờ, ở đậu đã qua.

Vũ Quốc Hiền có họ hàng ở Sài Gòn, anh biết thông tin, đường phên ở Nha Trang được giá ở Xuân Lộc. Anh bàn với tôi: "Tình hình này còn chờ lâu, tôi với ông đi Nha Trang một chuyến để buôn đường". Tôi đồng ý theo anh, với hai ba lô rỗng, lên tàu, ngược Nha Trang. Chiều thì đến chợ Đầm, mua nhanh hai ba lô đường để mau chóng ra ga, kịp chuyến tàu đêm. Từ chợ ra ga, dù tôi đã được ưu tiên đeo nhẹ, nhưng, những cạnh nhọn của đường phên đâm vào lưng không thể chịu nổi. Vũ Quốc Hiền động viên, không thể đi xích lô, vì đấy là lãi, vì đấy là sự an toàn, tránh sự kiểm tra của quản lý thị trường.

Về đến Xuân Lộc lúc chiều tà, bán nhanh cho tiểu thương ở chợ. Vào phòng Văn hóa đặt cơm, ngủ nhờ, sáng hôm sau, xuôi tàu về Biên Hòa, chen chúc đứng một chân.

Chúng tôi đi Suối Chồn vài ngày sau đó, cũng với một cán bộ bảo tàng tỉnh, Địa điểm khai quật trong rừng cao su, chỉ có một lán trại dùng cho người trông coi. Chủ lán là một thanh niên hoạt bát. Chúng tôi thuê dân công khai quật là người dân tộc bản xứ. Được ba ngày, cán bộ bảo tàng không chịu nổi nắng nôi, muỗi rĩn, đói ăn, xin về, bởi vì anh là con một chủ cửa hàng thời Mỹ - Ngụy. Chỉ còn lại ba người, đầy gian nan, khó khăn, thử thách, xong sự lạc quan, xốc vác của Vũ Quốc Hiền đã khiến chúng tôi vượt qua, thậm chí còn hơn thế, do anh muốn khảo sát thêm để tìm ra những địa điểm tương đồng với Suối Chồn, điểm cực Nam duy nhất thời bấy giờ, có mộ chum, giống với Sa Huỳnh – một đề tài anh theo dõi.

Chuyến khảo sát lạc trong ma trận của bãi đá – tàn tích của nham thạch phun trào. Chiều mới tìm thấy đường quốc lộ, ăn mít trừ bữa. Vũ Quốc Hiền và tôi làm gọn cả trái mít, nóng như điên mà chẳng có nước để ngâm mình. Tuy vậy, ngày hôm sau, anh vẫn hối thúc tôi đi khảo sát.

Chuyến công tác nhiều kỷ niệm tiếp theo là cuộc khai quật ở Tiên Hà, Quảng Nam – Đà Nẵng. Đi cùng chúng tôi có thầy trò năm cuối Đại học Văn hóa, Lê Văn Chỉnh và Trần Kỳ Phương, cán bộ bảo tàng tỉnh, Quang Văn Cậy và Trịnh Căn – những người bạn, những người anh, người đồng nghiệp quá cố ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tiên Hà là một địa điểm khảo cổ học Sa Huỳnh, nằm ở miền núi huyện Giằng. Tuy nhiên, trong quá trình khai quật chúng tôi còn tìm thấy một phế tích tháp của người Chăm Pa, trong có chứa những đồ thờ tự bằng gốm men ngọc Long Tuyền thời Tống. Đặc biệt, dưới lớp văn hóa Sa Huỳnh, tại Tiên Hà, còn tìm thấy một số công cụ văn hóa Sơn Vi, thường phân bố ở những thềm sông cổ, mà làng Vạc (Nghệ An) đã tìm thấy, nhưng với Quảng Nam – Đà Nẵng, phát hiện này là lần đầu tiên, tính đến thời điểm đó. Quang Văn Cậy và Vũ Quốc Hiền phấn khích lan tỏa tới thầy trò Đại học Văn hóa, vì gặt hái được những kết quả ngoài mong đợi, qua một đợt thực tập ngắn ngày.

Công việc đang bộn bề và đầy hứng khởi với đoàn, thì Tỉnh có thông báo, phát hiện hai trống đồng của người Cơ Tu ở huyện Hiên, cách nơi chúng tôi khai quật hơn một ngày đường đi bộ. Vũ Quốc Hiền và Trịnh Căn xung phong nhận khó khăn này. Leo núi đường rừng, mấy ai, kể cả người bản xứ, lường hết được nguy hiểm.

Hồi cố, hai anh rùng mình vì đói, khát, với một quãng đường dài 18 tiếng đi bộ, đêm mới đến được nhà trưởng bản. Nhịn đói, đi ngủ, sáng sau, vài củ sắn lùi, bắt tay vào đo vẽ, chụp ảnh, rập thác bản cho hai mặt trống đồng loại I và II Heger. Dẫu chỉ còn hai mảnh, nhưng đó là phát hiện quan trọng của khảo cổ học, mà gần đây, trong công trình nghiên cứu trống đồng của T.S Tạ Đức, ông có nhắc tới truyền thuyết, liên quan tới trống đồng của dân tộc này với người Kh'Mú liền kề. Còn tôi, trên một bài viết ngắn, đăng trên Tạp chí Thế giới Di sản, đã móc nối giữa Vũ Quốc Hiền, Trịnh Căn với Tạ Đức, mong muốn vinh danh công lao hai vị, qua một phát hiện vật chất mà Tạ Đức đã gợi mở mối quan hệ với văn hóa phi vật thể có liên quan. Hẳn ở câu chuyện này, cần phải có người khai thác tiếp để làm rõ hơn mối quan hệ trống loại I và II Heger Cơ Tu với truyền thuyết của người Kh'Mú. Dẫu còn phải đợi chờ, nhưng cho đến nay, phát hiện của Vũ Quốc Hiền và Trịnh Căn vẫn là duy nhất trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu cả nước.

Đóng góp của Vũ Quốc Hiền đối với khoa học, đặc biệt với chuyên môn hẹp của anh, cần rất nhiều trang viết nữa mới có thể chuyển tải hết, nhưng dung lượng không cho phép và tôi lại không mấy am tường để minh định và phẩm bình. Vả lại, theo tôi biết, vị tân giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, TS Nguyễn Văn Đoàn, có ý định đặt một chùm bài viết về anh, trong đó, có chuyên gia hàng đầu về Sa Huỳnh sẽ đánh giá về lĩnh vực Vũ Quốc Hiền chuyên tâm, thiết nghĩ sẽ làm bạn đọc và những đồng nghiệp hiểu anh hơn.

Tôi cũng tin rằng, ngoài tôi, Vũ Quốc Hiền còn là đồng nghiệp đáng tin cậy của nhiều người, nhiều nhà nghiên cứu ở trong và ngoài Bảo tàng mà tới đây, họ sẽ có những hồi cố về anh, đan xen giữa thương tiếc, nhớ nhung, tự hào và hãnh diện, với những gì Vũ Quốc Hiền đã đóng góp cho khoa học mấy chục năm.

Còn tôi, nhắc tới đôi ba kỷ niệm, trong hàng chục, hàng trăm kỷ niệm với anh, như một sự khỏa lấp nỗi trống vắng, cô đơn, khi mới chỉ vài tháng trước, tôi cùng anh vẫn như những đồng nghiệp, làm những nhiệm vụ mà cả ba mươi năm trước đã làm, càng thấy cô quạnh, xót xa, khi lại thêm một đồng nghiệp nữa mãi mãi chia xa.

3. Một cộng sự tin cậy

Vài năm, sau khi nhận phụ trách cơ quan, tôi tâm sự với Vũ Quốc Hiền, muốn anh giúp tôi gánh nặng. Anh không vồ vập rồi mỉm cười: Tùy ông, làm trưởng phòng ở một phòng quan trọng, bằng hữu anh em như Nghiên cứu – Sưu tầm, với tôi, đã là quá đủ. Tôi nói với anh, rời khỏi ghế trưởng phòng, ông với tôi đều có sự thiệt thòi, khi chẳng còn mấy dịp đi công tác cùng nhau. Tuy nhiên, lực lượng còn thiếu, công việc thì nhiều, trưởng phòng có người khác, đáng tin cậy thay thế, ông đừng quá bận tâm. Vũ Quốc Hiền cười, không một thái độ tán thành hay phản đối.

Thế nhưng, tôi vẫn cứ làm việc với Bộ, lúc bấy giờ là PGS.TS Đỗ Văn Trụ làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức và GS.TSKH Lưu Trần Tiêu là Thứ trưởng thường trực, phụ trách khối. Các vị đều nhất trí để hoàn thiện tổ chức cơ quan. Sau đó, bàn thêm với Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Tổng hợp, công đoàn, đều thống nhất và chóng vánh làm thủ tục lấy tín nhiệm với số phiếu rất cao. Việc thực hiện quy trình đề bạt cũng không quá phức tạp, khi lãnh đạo Bộ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức đã quá hiểu anh, từ khi Vũ Quốc Hiền còn là một cán bộ chuyên môn có đạo đức, có tư cách và có khả năng.

Anh giúp tôi, chủ yếu là những dự án ở xa cơ quan. Anh làm nhiều, nhưng chưa bao giờ bị tai tiếng, phàn nàn từ đối tác và những cơ quan chức năng, cùng các nhà nghiên cứu.

Anh quan hệ với các thầy, các nhà nghiên cứu cởi mở, chân thành, nên mọi công việc đều nhận được sự ủng hộ, vì những dự án được thẩm định, sửa chữa từ anh, xuất phát từ một con người vì công, vì việc.

Nhớ một lần, thực hiện dự án khai quật ở Lam Kinh (Thanh Hóa), tôi với anh là người chịu trách nhiệm. Kinh phí do Bộ Văn hóa – Thông tin cấp. Mọi chi tiêu do tướng ở ngoài biên quyết định và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Vũ Quốc Hiền, Ngô Thế Phong và tôi bàn nhau, anh em chúng mình chịu khó, chịu khổ, chia sẻ với Ban quản lý di tích vừa thành lập. Họ khó khăn hơn ta nhiều, chịu cho họ tiền điện, tiền nước, tiền cấp dưỡng, thuê dân công là bảo vệ của khu di tích để thêm thắt cho đồng lương ít ỏi của anh em. Làm như thế, lẽ đương nhiên, kinh phí cho cán bộ chuyên môn giảm đi đáng kể, nhưng đem đến một sự hợp tác hữu nghị. Bằng một công thức như vậy, những người sau, như Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Ngọc Chất vẫn tiếp tục, đến mức Nguyễn Văn Đoàn viết báo cáo khai quật chẳng có một đồng thù lao. Thế nhưng, đổi lại, Ban quản lý Di tích Lam Kinh, kể cả lãnh đạo cũng như cán bộ đều coi chúng tôi như người nhà, chung tay, góp sức để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình vận hành dự án. Đám tang Hiền, kể cả lãnh đạo cũ và mới của Lam Kinh đều ra viếng. Họ coi anh như một công dân của Lam Kinh. Chuyện trò trước tang lễ cử hành, tôi cảm động vì sự vẹn nguyên nghĩa tình mấy chục năm. Có được thế, lẽ đương nhiên, thế hệ chúng tôi xây đắp, nhưng đồng nghiệp sau chúng tôi vun vén, giữ gìn.

 

TS. Vũ Quốc Hiền, Phó GĐ Bảo tàng LSVN (người ngồi thứ 4 từ trái sang phải) chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể cán bộ phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, BTLSVN vào dịp xuân năm 2005

Làm dự án khai quật Cố đô Huế cũng gần mười năm, anh suýt bỏ mạng cùng một vài đồng nghiệp trẻ ở mảnh đất này trong một trận lụt lớn. Một vài người nghĩ rằng, đây là một mỏ vàng để khai thác. Thế nhưng, với một người đã khuất núi, tôi không thể nói sai trước vong linh, anh đã phải đôn đáo đi, về xứ Huế thường xuyên hơn để khai thác thêm những công trình mới, sâu sát cắt giảm chi tiêu, để bù đắp vào sự thiếu hụt cho những dự án trước còn nợ nần. Anh kiên quyết với các bên đối tác để có một sự đánh giá khách quan hơn với những giá trị của dự án, để tránh sự cắt giảm vô cớ từ các cơ quan chức năng. Tuy vậy, sự nỗ lực ấy vẫn khiến anh phải lấy của nhà để trang trải, mới giải quyết được dứt điểm, trước khi kết thúc dự án. Tôi băn khoăn vì điều này, nhưng Vũ Quốc Hiền thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình.

Báo cáo kết quả khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An) tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đối tác chưa chuẩn bị được kinh phí. Tôi đề nghị anh tạm ứng cơ quan để thực hiện, đâu đó khoảng 15-20 triệu, năm 2000. Thế rồi, công ty Horizon, Malaysia bị phá sản, Công ty Visal, Việt Nam phải chờ tiền đấu giá cổ vật từ Mỹ trở về mới có thể thanh toán. Lấn bấn tới hai, ba năm, số tiền ấy vẫn ghi nợ ở anh, khiến có người nghĩ, anh đã nhận được tiền hoàn trả, nhưng dùng vào việc cá nhân. Tôi thì quá tường tận để giải thích rằng, nếu khoản tiền ấy, Bảo tàng phải quyết toán, cũng là bình thường, vì số cổ vật độc bản và cổ vật được chia từ con tàu Cù Lao Chàm cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, không tiền nào tính nổi. Hơn thế, trên thực tế, Bảo tàng là cơ quan phối hợp khai quật, cũng cần phải có đối ứng. Tuy nhiên, người thắc mắc lại có suy nghĩ khác, Vũ Quốc Hiền vay thì phải trả. ViSal nhờ thì phải đòi lại bằng được.

Hiền nói với tôi, anh buồn vì sự hiểu lầm ác độc. Tôi cảm thông với anh vì những câu nói xúc phạm, do đó, kiên quyết tác động tới người có trách nhiệm của ViSal. Cuối cùng, họ hoàn trả anh để quyết toán.

Vũ Quốc Hiền là người chưa bao giờ đặt đồng tiền lên trên hết và tôi tin anh, cũng như một số cộng sự trong cơ quan ở sự minh bạch, rạch ròi, không tơ vương tới tiền bạc đối với bất cứ dự án nào. Nếu có thâm hụt đâu đó, đều là sự quá tay nhậu nhẹt với đồng nghiệp địa phương, khiến công đoàn cơ quan không còn lộc Tết, lộc lễ trong năm.

Vũ Quốc Hiền không thích phô trương, ồn ã. Anh can ngăn tổ chức sự kiện, ấn loát xa xỉ, tốn kém mà chẳng thu được nhiều kết quả. Anh không thích mua sắm đồ dùng tân kỳ mà nghiêng nhiều về sửa chữa, tận dụng những đồ cũ dùng trong văn phòng. Anh chi tiêu kinh phí cho cơ quan cũng giống như cá nhân, lấy tiết kiệm làm đầu. Anh chưa bao giờ đặt quyền lợi cá nhân để ủng hộ cho việc làm sai trái. Anh là người vì mọi người hơn vì mình.

Vũ Quốc Hiền là người không ghen ghét, ganh tị với bất kỳ sự tiến bộ nào của bè bạn, đồng nghiệp. Anh mừng khi thấy bạn khá, sẽ có lúc mình nhờ. Anh là người có lòng tin đối với cộng sự và có đạo đức trong quản lý, lãnh đạo.

Giờ đây, khi Vũ Quốc Hiền đã đi xa, nói về anh những lời hay, ý đẹp cũng chẳng có ích gì và dường như, lúc sinh thời, anh cũng chẳng mấy xúc động về những lời tụng ca. Nhiều lúc, anh "nổi da gà", đỏ mặt, với ai đó khen anh quá mức. Những điều hôm nay tôi kể, chưa bao giờ ôn lại với anh vì biết anh chẳng mấy quan tâm. Vả lại, tôi cũng nghĩ, anh và tôi còn nhiều thời gian, biết đâu đó, già thêm chút nữa lại thích nghe những lời hay, ý đẹp, muốn ôn lại cũng chẳng muộn gì. Anh đột ngột ra đi như "bóng câu qua cửa sổ", làm tôi không kìm nổi xúc động, muốn viết ra những dòng này, mong Hiền nhận nó như một nén tâm nhang, thắp cho một người bạn, người đồng nghiệp, người cộng sự, không một ý gì khác để Hiền phải chối từ.

Vĩnh biệt Hiền thương nhớ. Kể từ nay, tôi chẳng còn được gặp ông, nhưng mọi kỷ niệm về nhau, tôi sẽ luôn nhớ. Hiền hãy tin như thế nhé.

 

TS. Phạm Quốc Quân

Ảnh: Phòng Nghiên cứu Sưu tầm

 

 

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3525

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Phát hiện bộ Linga - Yoni liền khối thế kỷ IX lớn nhất Việt Nam tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Phát hiện bộ Linga - Yoni liền khối thế kỷ IX lớn nhất Việt Nam tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn

  • 28/05/2020 14:41
  • 2054

Sáng 28/5, ông Phan Hộ - Giám đốc Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết: Trong quá trình trùng tu tại nhóm tháp A các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga - Yoni liền khối còn khá nguyên vẹn, có kích thước 2,24m x 1m68. Bước đầu các chuyên gia nhận định bộ Linga - Yoni liền khối này có từ thế kỷ IX và lớn nhất Việt Nam, tính đến thời điểm này.