Thứ Tư, 26/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/03/2020 12:48 3249
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện còn bảo tồn khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh có giá trị, trong đó có Xóm Ốc, một di chỉ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh.

Phần thứ nhất: TỔNG QUAN VỀ DI TÍCH

1. Vị trí địa lý, môi trường, cảnh quan và cư dân

Quần đảo Cù Lao Ré bao gồm ba đảo: Cù Lao Ré (Hòn Lớn) là đảo trung tâm, dân cư tập trung sinh sống chủ yếu trên hòn đảo này. Hòn Bé nằm phía Bắc, cách Hòn Lớn 2km, hiện có một cụm dân cư sinh sống. Hòn Cu ở phía Đông đảo Hòn Lớn có cấu tạo địa chất là núi đá nên không có dân cư sinh sống.

Trên đảo Cù Lao Ré có 5 ngọn núi vốn là núi lửa đã tắt (được hình thành cách đây 25 - 30 triệu năm), đó là Hòn Thới Lới, Hòn Vung, Hòn Sỏi, Hòn Tai, Hòn Giếng Tiền. Các ngọn núi lửa này chạy dọc liền sát nhau theo hướng Đông Tây, tạo bức tường thành tự nhiên án ngữ bờ biển phía Bắc đảo [Bách khoa toàn thư mở 2011]. Diện tích tự nhiên của đảo Lý Sơn là 9,97km² với dân số 20.460 người. Nguồn lợi thủy sản đảo Lý Sơn rất phong phú bao gồm các loại cá, ốc biển, hải sâm, vích, tôm hùm... nên nền tảng kinh tế của cư dân trên đảo chủ yếu là khai thác biển và nông nghiệp trồng hành tỏi.

Hiện trạng khu di tích đã bị phá hủy nghiêm trọng do người dân đào đất lấy cát trắng trong tầng sinh thổ để trồng hành, tỏi và làm nhà, trồng ngô.

Di tích Xóm Ốc trên Cù Lao Ré nay là huyện đảo Lý Sơn (gồm ba xã: An Vĩnh và An Hải thuộc đảo Lớn và An Bình thuộc đảo Bé) nằm phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý, ở vị trí 15°21'00'' đến 15°27'15'' vĩ Bắc và vị trí 109°03'30'' đến 109°10'30'' kinh Đông.

Khu di tích Xóm Ốc phân bố trên một cồn cát lớn, rộng hàng nghìn mét vuông, theo hướng Tây - Đông - Nam - Bắc, có độ dốc từ đỉnh xuống chân cồn cát, phân bố dọc hai bên bờ dòng suối cổ đã bị bồi lấp. Mật độ di tích phân bố dày ở phần phía Tây suối, trên khu vực cận kề suối nước ngọt gần cửa suối đổ ra biển. Xóm Ốc là tên do dân địa phương gọi bởi khi đào đất lên người dân thấy có rất nhiều vỏ ốc các loại.

 

Quang cảnh khu di tích Xóm Ốc

 

Quang cảnh  khai quật khu di tích Xóm Ốc

2. Tình hình phát hiện và nghiên cứu

Di tích Xóm Ốc được phát hiện năm 1978 [Diệp Đình Hoa 1978: 117 - 118]. Trong đợt điều tra khảo sát này đã sưu tầm được 10 công cụ rìu bôn và một số mảnh bàn mài vỡ và một số mảnh gốm. Đây là những chứng cứ đầu tiên về dấu tích cư trú của cư dân cổ cư trú trên đảo Lý Sơn.

Sau đó gần 20 năm, trong 6 năm (từ 1996 đến 2001) Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành 4 đợt điều tra thám sát (đợt 1 năm 1996, đợt 2 và 3 năm 1997, đợt 4 năm 1999), 1 đợt khảo sát phúc tra năm 2001.

Từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20, trong quá trình đào sâu xuống lòng đất để lấy cát trắng trồng tỏi, nhân dân địa phương đã thu nhặt được rất nhiều hiện vật như nồi gốm, bát bồng... và khu di tích đã bị phá hủy nghiêm trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của khu di tích, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và Viện Khảo cổ học đã tiến hành những đợt điều tra, thám sát tại khu di tích. Kết quả cho thấy đây là khu di tích có vị trí quan trọng trong nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi, cần tiến hành khai quật khảo cổ học để có những tư liệu đầy đủ và xác thực về khu di tích.

Tháng 4 năm 1997, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi tiến hành khai quật lần thứ nhất khu di tích Xóm Ốc theo quyết định số 661-VH/QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch). Hố khai quật được mở tại khu vườn canh tác hành tỏi của gia đình bà Võ Thị Đầm với diện tích 60m² (5m x 12m) theo hướng Tây - Đông chếch Bắc 65°.  

Phần thứ hai: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Địa tầng: Tương đối nguyên vẹn, trừ phía trên bị xáo trộn chút ít do sự trồng trọt của cư dân hiện đại. Đặc trưng cơ bản của địa tầng là đất bazan nên đảm bảo cho sự ổn định của tầng văn hóa. Màu sắc đất trong địa tầng có sự chuyển biến khác nhau từ lớp sớm đến lớp muộn, từ màu vàng nhạt ít vỏ nhuyễn thể ở những lớp đào sát sinh thổ chuyển sang màu vàng đậm ken dày vỏ nhuyễn thể ở các lớp đào giữa và đến lớp màu nâu vàng tơi xốp ở các lớp trên. Dựa vào sự chuyển biến màu sắc các lớp đất tương ứng với sự chuyển biến về loại hình đồ gốm và các loại hình di vật đá, xương, vỏ nhuyễn thể cho thấy địa tầng di tích Xóm Ốc thống nhất, không có sự phân các với 3 lớp văn hóa: Lớp sớm (lớp văn hóa 3), lớp giữa (lớp văn hóa 2) và lớp muộn (lớp văn hóa 1).  

Lớp văn hóa 1: Đất Bazan màu nâu vàng nhạt có xen vỏ nhuyễn thể nhỏ, cấu tạo đất tơi xốp, dày 30cm - 60cm. Trong lớp này có gốm Sa Huỳnh - Chămpa, gốm tiền Chămpa, gốm phong cách Hán với kiểu văn in ô vuông không sắc, xương gốm vàng xốp mịn nhẹ hút nước. Gốm Sa Huỳnh - Chămpa xương cứng mịn pha cát, áo gốm màu nâu xám. Một số mảnh gốm Sa Huỳnh mang phong cách vai gãy góc kiểu Bình Châu, màu sắc gốm chuyển sang màu đỏ sẫm.

Lớp văn hóa 2: Đất Bazan màu vàng sẫm ken dày vỏ nhuyễn thể, dày trung bình 60cm. Trong lớp văn hóa này, gốm văn hóa Sa huỳnh chiếm vị trí chủ đạo, gồm các loại gốm xương màu nâu đỏ của đấy sét Bazan, xương màu đen pha cát thô và nhiều bã thực vật, vỏ nhuyễn thể. Đồ gốm trong lớp văn hóa 2 có sự chuyển biến rõ rệt. Ở lớp đáy của lớp văn hóa tồn tại gốm phong cách Long Thạnh, Bầu Trám (lớp sớm), Bãi Ông, Xóm Cồn. Các lớp trên chủ yếu là đồ gốm phong cách Bình Châu có xương màu nâu đỏ, áo gốm tô đỏ và đen ánh chì.

Lớp văn hóa 3: Đất Bazan màu vàng nhạt xen ít vỏ nhuyễn thể, dày trung bình 30cm. Trong lớp văn hóa 3 số lượng đồ gố giảm đi, xuất hiện gốm xương cứng màu đen, gốm trang trí văn thừng thô, nhiều vỏ ốc Đụn, vỏ Tradacna kích cỡ lớn. Trên bề mặt các lớp đào xuất hiện các cụm vỏ nhuyễn thể và đá, trong có các loại hiện vật như chì lưới, vỏ ốc, xương cá, xương thú và cuội biển.

Sinh thổ là lớp cát trắng, hạt nhỏ mịn, mặt bằng sinh thổ uốn lượn hình sin.

2. Các loại hình di tích

2.1. Di tích mộ táng: Cư dân cổ Xóm Ốc có hai phương thức chôn cất, đó là mộ nồi - vò và mộ huyệt đất. Mộ nồi - vò gồm 03 di tích mộ nồi - vò trong hố khai quật và các hố thám sát. Đây là các mộ còn một số mảnh xương và đồ tùy táng là đồ gốm, công cụ xương, công cụ sắt, đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể…; Mộ huyệt đất gồm 6 mộ, đa số không còn di cốt người chỉ còn lại đồ tùy táng chôn theo.

2.2. Di tích khác: Gồmđống rác bếp, hố đất đen, cụm gốm, cụm đá…

3. Các loại hình hiện vật

3.1. Đồ đá

Hiện vật đá không nhiều về số lượng và không đa dạng về loại hình. Đá nguyên liệu để chế tác công cụ là loại đá trầm tích vùng ven chân núi, đá nham thạch tự nhiên.  Di vật đá chia thành 2 nhóm: nhóm công cụ lao động và nhóm đồ trang sức. Gồm những hiện vật đã hoàn thiện và các phác vật làm từ đá phiến, đá trầm tích, đá có nguồn gốc dung nham và cuội suối…

Bảng 1: Thống kê các loại hình công cụ đá trong tầng văn hóa hố khai quật

 

TT

Độ sâu

Công cụ hoàn thiện

Phác vật

Tổng

Cuốc

Rìu

Bàn mài

Hòn ghè

Chày nghiền

Hòn kê

Chì lưới

Cuốc

Rìu

1

0 - 20cm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

20 - 40cm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

3

40 - 60cm

 

 

2

 

4

2

 

 

 

8

4

60 - 80cm

6

 

7

 

5

2

1

2

3

24

5

80 - 100cm

2

2

 

 

3

 

1

 

 

8

6

100-120cm

1

 

 

 

2

 

 

 

 

3

7

120-140cm

1

 

 

3

 

 

 

 

 

4

Tổng

10

2

9

3

14

4

2

2

3

49

3.2. Đồ gốm

Đồ gốm thu được với số lượng lớn. Gồm đồ gốm trong tầng văn hóa và đồ gốm tùy táng trong các ngôi mộ.

Chất liệu: Gốm Xóm Ốc gồm 5 loại: Gốm thô, xương màu nâu đỏ, áo màu vàng làm từ đất sét màu nâu đỏ pha cát thô và vỏ nhuyễn thể nghiền vụn, xương dày 0,5cm - 1cm. Đây là chất liệu của các loại hình bình con tiện, bát bồng, bình cổ cao miệng loe, thường trang trí hoa văn, tô thổ hoàng và tô ánh chì, xuất hiện từ  lớp sớm và số lượng vượt trội ở lớp giữa; Gốm thô, xương màu đen, áo màu vàng nhạt làm từ đất sét pha cát hạt to và pha nhiều bã thực vật và vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ, bề mặt áo gốm miết láng, xương dày 0,5cm. Đây là chất liệu của các loại gốm gia dụng; Gốm mịn, màu đỏ làm từ đất sét pha cát hạt mịn, áo gốm miết láng, trang trí hoa văn ấn cuống rạ, văn khắc vạch. Đây là chất liệu của các loại hình đồ đựng có kích thước nhỏ (đồ nghi lễ), xuất hiện ở lớp giữa; Gốm cứng, xương thô, áo màu nâu xám làm từ đất sét pha bã thực vật, xương thô cứng, dày trung bình 0,5cm. Đây là chất liệu của các loại hình nồi, vò, bát, xuất hiện ở lớp giữa đến lớp muộn; Gốm cứng (gốm Hán) màu đỏ gạch hoặc nâu vàng, xương màu đỏ mịn, xốp nhẹ, trang trí văn in ô vuông, ô trám, xuất hiện ở các lớp trên.

Kỹ thuật chế tạo: Chọn chế biến nguyên liệu là khâu tương đối quan trọng và nguyên liệu chọn lựa kỹ hay không sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của sản phẩm gốm. Thành phần cơ bản của gốm Xóm Ốc là đất sét pha lẫn đất Bazan được khai thác trong khu vực lòng chảo núi Giếng Tiền (cách di tích Xóm Ốc khoảng 2km). Tính chất của đất sét là dẻo, dính và dai nên sau khi lọc bỏ tạp chất người thợ gốm thường pha trộn thêm các chất phụ gia như cát, bã thực vật và vỏ nhuyễn thể nghiền vụn; Tạo hình bằng kỹ thuật nặn tay và bàn xoay chậm kết hợp kỹ thuật gắn chắp và đắp thêm; Hoa văn được tạo bằng các thủ pháp khắc vạch, in ấn, tô thổ hoàng, tô ánh chì...

Loại hình: Đồ gốm nguyên dáng gồm các loại bát bồng, nồi… (trong tầng văn hóa) và bát bồng, bình hình con tiện, nồi miệng đứng, nồi vai cong… (trong mộ tấng); Các loại hình hiện vật khác gồm dọi se sợi, hạt chuỗi (hiện vật đặc trưng của đồ gốm Sa Huỳnh), vò và lọ (hiện vật mang phong cách Hán xuất hiện trong những ngôi mộ ở lớp muộn), vòi Kendi, quai và núm bình vò (hiện vật đặc trưng gốm Chăm).

Mảnh vỡ: Trong hố khai quật phát hiện 45.773 mảnh vỡ của các loại gốm, sành sứ, gồm gốm Sa Huỳnh, gốm Chămpa, gốm Hán. Đặc trưng của gốm Sa Huỳnh di chỉ Xóm Ốc. Gốm gồm các màu vàng x00E1m (82,2%), màu đen (12,06%), màu đỏ gạch non (5,74%). Gốm tô màu chủ yếu được tô trên gốm màu vàng xám với màu đỏ kết hợp tô đen ánh chì và màu đen láng bóng. Loại hình phong phú với các kiểu dáng nồi, bình con tiện, bát bồng, bát... với nhiều kiểu miệng và chân đế khác nhau.

- Loại hình miệng: Gồm miệng đứng chiếm 5,42%, miệng khum chiếm 1,4%, miệng loe chiếm số lượng lớn 93,18%.

- Loại hình chân đế: Số lượng không nhiều, gồm 3 loại: Chân đế loe choãi trên bề mặt chân đế có tạo gờ rãnh, thường trang trí văn khắc vạch hình xương cá và tô thổ hoàng, tô ánh chì, chiếm 35,5%; Chân đế loe choãi, vành chân đế hơi cong, mép vuốt tròn, không có đường gờ, chiếm 50%; Chân đế đứng, phần mép cắt phẳng, chiếm 14,7%.

- Hoa văn trang trí: Gồm hoa văn mang tính chất kỹ thuật và hoa văn mang tính chất trang trí. Hoa văn kỹ thuật nhằm tạo nên độ bền chắc của bề mặt đồ gốm, chiếm 53,74%, đó là các loại hoa văn được tạo bằng phương pháp đập và chải. Văn đập có hai kỹ thuật: đập quấn dây se lỏng và đập khắc rãnh trên bàn đập. Phương pháp đập tạo ra hoa văn thừng tết lỏng với các cấp độ thô, vừa, mịn. Phương pháp đập khắc rãnh tạo ra những đường nổi song song, bước sóng ngắn dồn dập. Hoa văn trang trí thể hiện tư duy, trình độ thẩm mỹ của người cổ Xóm Ốc, chiếm 46,26% gồm văn khắc vạch hình khuông nhạc, sóng nước, nửa đường cong, hình ngọn lửa, hình tam giác ngược, văn ấn mép sò, ấn đầu ngón tay, ấn cuống rạ, in chấm hình ziz zắc. Bên cạnh đó người cổ Xóm Ốc còn sử dụng các kỹ thuật tô thổ hoàng và tô đen ánh chì làm tăng thêm độ bền đẹp cho đồ gốm.

3.3. Đồ đồng: Hiện vật trong tầng văn hóa gồm các loại tiền, khuyên móc, nhẫn… Hiện vật trong mộ táng gồm các loại mũi tên, rìu, lao, lưỡi câu…

3.4. Đồ sắt: Gồm chuôi dao, mũi kiếm, dao găm và 15 đoạn rỉ sắt không rõ hình dáng của loại hình công cụ nào trong các lớp đào từ 2 đến lớp đào 4.

3.5. Hiện vật thủy tinh: Gồm hạt chuỗi hình bầu dục, khuyên tai hình cầu và khuyên tai 3 mấu nhọn.

3.6. Hiện vật vỏ nhuyễn thể: Gồm các loại nạo bằng nắp ốc cừ và vỏ sò…, các loại phác vật công cụ chặt đập làm từ nắp ốc cừ; Đồ trang sức trong tầng văn hóa gồm vòng bằng vỏ Tradacna; vòng tay bằng vỏ ốc cối; vòng tay bằng vỏ ốc đụn; vật đeo bằng vỏ sò; hạt chuỗi bằng vỏ ốc hoa; nhẫn bằng vỏ ốc xéo…; đồ trang sức tùy táng trong mộ gồm vòng bằng lõi vỏ Tradacna; vòng bằng vỏ Tradacna; hạt chuỗi bằng vỏ ốc hoa; nhẫn bằng vỏ ốc xéo…

3.7. Hiện vật xương: 115 hiện vật làm từ xương ống thú rừng và đầu nhọn của sừng thú được chẻ dọc, mài vát phần đầu tạo mũi nhọn và 110 hiện vật làm từ xương hom, xương ngạnh cá, một số hiện vật có dấu vết sử lý qua lửa.

Phần thứ ba: TÍNH CHẤT, NIÊN ĐẠI VÀ CÁC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA

1. Tính chất di tích

- Xóm Ốc là di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên đảo gần bờ, thuận lợi cho nền kinh tế khai thác biển, giao lưu trao đổi với lục địa và các vùng biển xa.

- Tầng văn hóa dày cấu tạo đất sét ken vỏ nhuyễn thể, các lớp văn hóa diễn biến liên tục, không có các lớp vô sinh.

- Cư dân cổ Xóm Ốc có hai tục táng: mộ huyệt đất và mộ nồi - vò. Số lượng đồ tùy táng trong các ngôi mộ tương đối phong phú. Đa số trong các ngôi mộ có đặt vỏ ốc bên cạnh hoặc phía trên tử thi, phản ánh tính chất biển của khu di tích.

- Số lượng di vật phong phú và đa dạng về loại hình và chất liệu, gồm: đồ đá, đồ gốm, đồ xương, vỏ nhuyễn thể, đồ đồng, đồ sắt, đồ thủy tinh.

- Với số lượng hiện vật đá phong phú, hơn một chục tiêu bản cuốc và rìu đá có hình dáng gần gũi với cuốc và rìu đá Long Thạnh. Các công cụ ghè đẽo làm từ vỏ ốc Tai tượng (Tradacna) và công cụ nạo làm từ nắp đậy ốc Mặt trăng (Turbo). Một số lượng lớn các mũi nhọn bằng xương thú và xương cá rất gần gũi với các loại hình di vật di tích Xóm Cồn. Cùng với đồ trang sức bằng vỏ ốc, vỏ sò, hạt chuỗi bằng đá, đất nung, khuyên tai thủy tinh 3 mấu, hòn ghè, chày nghiền.., các hiện vật kim loại như nhẫn đồng, dao đồng, mũi tên đồng, kiếm sắt... và số lượng gần 500 đốt sống cá, gần 2 triệu vỏ sò, vỏ ốc... đã chứng minh sự ưu đãi của thiên nhiên đối với cư dân cổ Xóm Ốc. Và chứng minh người cổ Xóm Ốc trên đảo Lý Sơn đã biết định hướng phương thức sống là khai thác ven bờ và đi khơi xa đánh bắt cá bằng lưới.

 

Bản vẽ 1.Mộ huyệt đất song táng  

 

Bản vẽ 2. Mộ vò

- Qua diễn biến của tầng văn hóa, đồ gốm mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh giữ vai trò chủ đạo nhưng có sự chuyển biến từ sớm đến muộn. Đồ gốm trong những lớp dưới của tầng văn hóa giai đoạn sớm có hoa văn in chấm kiểu zích zắc đặc trưng hoa văn gốm Xóm Cồn. Bên cạnh đó xuất hiện các mô típ hoa văn khắc vạch những hình tam giác ngược đầu, giống hoa văn trên bình lọ hoa Long Thạnh. Loại hình nồi đáy tròn trang trí văn thừng tết lỏng kiểu Long Thạnh cũng xuất hiện trong lớp sớm này. Phát triển dần lên những lớp trên xuất hiện những kiểu đồ gốm vai gãy đáy tròn vát nhọn với các mô típ hoa văn nửa đường cong đặc trưng của gốm Bình Châu. Từ độ sâu 60cm - 20cm so với lớp mặt địa tầng xuất hiện gốm phong cách Chămpa và phong cách Hán. Với sự diễn biến về đồ gốm như vậy, thông qua đồ gốm có thể nhận thức được sự chuyển biến từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn.

2. Niên đại

2.1. Niên đại tuyệt đối: Kết quả phân tích hai mẫu than (mẫu 1 lấy trong hố đất đen độ sâu 109cm, mẫu 2 lấy trong hố rác bếp độ sâu 80cm).

Mẫu 1: 1910 ± 60 BP

Mẫu 2: 1900 ± 60 BP

2.2. Niên đại tương đối: Lớp sớm của di chỉ Xóm Ốc nằm trong khoảng thời gian 3.000 năm cách ngày nay, tương đương Long Thạnh, Bình Châu, Bầu Trám, Bãi Ông. Thông qua những loại hình hiện vật mang đặc trưng Long Thạnh như cuốc dạng “lưỡi mèo”, đồ đựng miệng hơi khum, bụng phình tròn, miệng trang trí văn in mép sò; đồ đựng vành miệng dài cong ưỡn, mép miện trang trí các đồ án khắc vạch, chấm qua, ấn mép vỏ sò... hoặc cuối lớp sớm xuất hiện lọa hình hiện vật mang phong cách gố Bình Châu như đồ đựng xương dày, vành miệng cong lòng máng, vai cong gãy, trang trí các băng tô ánh chì.

- Lớp chuyển tiếp thuộc giai đoạn Sa Huỳnh sớm với sự xuất hiện của loại hình khuyên tai thủy tinh 3 mấu nhọn, dao găm sắt đặc trưng Sa Huỳnh, đồ đựng xương gốm dày, toàn thân tô màu đỏ, mép miệng tô ánh chì, vành miệng vuốt lõm lòng máng, vai gãy góc.

- Lớp muộn thuộc giai đoạn Sa Huỳnh muộn với sự xuất hiện ngày càng nhiều các mảnh bình hình trứng, hạt chuối hình thoi và hình giọt nước. Lớp muộn di tích Xóm Ốc đã có sự tiếp thu mạnh những yếu tố ngoại sinh như yếu tố Hán, Ấn Độ.

3. Đời sống vật chất và tinh thần

 3.1. Đời sống vật chất

Hoạt động kinh tế nổi bật trong đời sống của cư dân cổ Xóm Ốc là khai thác biển thông qua cấu tạo địa tầng ken dày vỏ nhuyễn thể, các công cụ phục vụ cho nghề khai thác biển, số lượng xương các loài cá.... Bên cạnh đó, cư dân Xóm Ốc đã có nông nghiệp trồng màu (thông qua nhóm công cụ cuốc đá), chăn nuôi (số lượng xương chó nhà, xương lơn, xương trâu...), chế tác đồ gốm, chế tác vỏ nhuyễn thể làm đồ trang sức...

3.2. Đời sống tinh thần

Thẩm mỹ của cư dân cổ Xóm Ốc thể hiện rõ nét thông qua các sản phẩm họ làm ra như đồ gốm đạt đến sự tinh tế, đa dạng trong cách thể hiện đồ án hoa văn, cách thức trang trí phối hợp hài hòa mang tính thẩm mỹ cao, phù hợp với kiểu dáng cácloại hình đồ gốm. Đồ trang sức đa dạng với những hạt chuỗi bằng đá quý, khuyên tai thủy tinh ba mấu, các loại vòng, nhẫn, hạt chuỗi, vật đeo... làm từ vỏ Tradacna, vỏ ốc xéo, vỏ ốc hoa, vỏ sò hoặc xương thú. Trong đời sống tâm linh, cư dân cổ Xóm Ốc có tục táng, cải táng trong nồi/vò hay trong huyệt đât, và có tục chia của cho người chết thể hiện qua số lượng đồ tùy táng phát hiện trong các ngôi mộ.

 

Bản vẽ 3. Công cụ lao động bằng đá

 

Bản vẽ 4. Công cụ bằng vỏ ốc tai tượng

 

Bản vẽ 5. Mảnh vòng và lõi vòng bằng vỏ ốc tai tượng

 

Bản vẽ 6. Mũi nhọn, kim xương, đốt sống cá có lỗ khoan

4. Di tích Xóm Ốc trong mối quan hệ với các di tích văn hóa Sa Huỳnh và vùng Đông Nam Á hải đảo

4.1. Di tích Xóm Ốc trong mối quan hệ với các di tích văn hóa Sa Huỳnh

Di tích Xóm Ốc có mối quan hệ rộng mở với các di tích Tiền Sa Huỳnh phía Bắc, các di tích duyên hải phía Nam và văn hóa vùng hải đảo. Các yếu tố đồ gốm Long Thạnh xuất hiện ở các lớp sớm di chỉ Xóm Ốc, đó là loại gốm không pha vỏ nhuyến thể và không tô màu, loại hình bình miệng loe cổ cao, loại đồ đựng miệng đứng, đáy tròn, toàn thân trang trí văn thừng và văn sò.Yếu tố Bình Châu thể hiện trên loại gốm xương dày pha vỏ nhuyễn thể, áo gốm màu đỏ, tô ánh chì tương phản nổi bật. Các loại hình đồ đựng như bát bồng, nồi, bình hình con tiện... 

Các di tích Long Thạnh, Bình Châu I, Bình Châu II, Bầu Trám (lớp sớm), Bãi Ông góp phần trong tiến trình thành tạo và phát triển của Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh ở Xóm Ốc.

4. 2. Di tích Xóm Ốc trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Á hải đảo

Di tích Xóm Ốc ngoài mối quan hệ nội tại còn có mối quan hệ với vùng hải đảo Đông Nam Á thông qua những nét tương đồng giữa các táng thức của cư dân Xóm Ốc với cư dân vùng quần đảo Babuyan, quần đảo Batanes và đảo Luxong (Philippin)...

Thông qua các loại hình đồ gốm, đó là văn vạch đan phên ở gốm Xóm Ốc giống văn vạch đen phên trên nồi vai gãy ở địa điểm Batangas (Philippin), văn khắc vạch song song kết hợp tô ánh chì trên thân đồ gốm Xóm Ốc giống mô típ hoa văn trang trí trong sưu tập gốm Sa Huỳnh - Canalay ở Philippin, các kiểu văn thừng, văn in mép vỏ sò cũng xuất hiện phổ biến trên gốm các vùng hải đảo.

 

Bản vẽ 7. Các loại hình đồ gốm nguyên trong mộ táng và trong tầng văn hóa

 

Bản vẽ 8. Các kiểu miệng và hoa văn trang trí trên phần miệng

 

Bản dập 1. Hoa văn đồ gốm các di chỉ  Xóm Ốc so sánh hoa văn gốm các di chỉ Bình Châu, Long Thạnh

Phần thứ tư: KẾT LUẬN

Xóm Ốc là khu di tích thuộc loại hình văn hóa Biển của văn hóa Sa Huỳnh. Khu di tích này có nhiều khả năng phát triển từ giai đoạn muộn của văn hóa Xóm Cồn, hội nhập với các yếu tố Long Thạnh và Bình Châu tạo lập nên đặc trưng văn hóa Biển của văn hóa Sa Huỳnh và từ đó tiến tới văn minh Chămpa, với chất xúc tác của các yếu tố Hán. Những yếu tố thu được trong tầng văn hóa và trong mộ táng của di tích Xóm Ốc xác định được khung niên đại của di tích trong khoảng 3000 năm đế thế kỷ 1 sau Công nguyên. Chủ nhân mộ táng trong di tích Xóm Ốc cũng chính là chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn.

Khu di tích Xóm Ốc và Suối Chình trên đảo Lý Sơn được phát hiện và nghiên cứu đã mở rộng không gian phân bố của văn hóa Sa Huỳnh và Tiền Sa Huỳnh ở khu vực tỉnh Quảng Ngãi từ vùng núi - đồng bằng - đảo gần bờ. Qua đó phản ánh tính chất trung tâm của Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi, Quảng Nam trong thời đại kim khí.

Lý Sơn là một vùng văn hóa đầy tiềm năng và triển vọng. Với những di sản văn hóa tiềm ẩn trong lòng đất cùng những danh thắng đang được bảo tồn trên đảo cộng với tấm lòng hiếu khách của những người dân đảo, Lý Sơn đang là điểm đến lý tưởng của các du khách.

TS. Bùi Thị Thu Phương

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (2011), Lý Sơn

2.Diệp Đình Hoa (1978), Bước đầu điều tra khảo cổ tỉnh Nghĩa Bình, NPHMVKCH năm 1977, H, tr. 117 - 118.

3.Đoàn Ngọc Khôi (2002), Di tích Xóm Ốc (Cù Lao Ré - Quảng Ngãi) và di tích Bãi Ông (Cù Lao Chàm - Quảng Nam): Tư liệu và nhận thức, KCH (2), tr. 75 - 100.

4.Phạm Thị Ninh (1997), Báo cáo khai quật Xóm Ốc (Quảng Ngãi), Tư liệu Viện KCH.

 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3893

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Phát hiện dấu tích đền tháp cổ

Phát hiện dấu tích đền tháp cổ

  • 21/02/2020 09:37
  • 2202

Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) đã phát hiện dấu tích đền tháp có niên đại khoảng 1.000 năm ở huyện Bến Cầu.