Trong những năm gần đây, ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang tích cực phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức nhiều đợt khai quật khảo cổ học, qua đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử, các kết quả khai quật đã có những đóng góp đáng kể cho công tác nghiên cứu, trưng bày tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng Bắc Giang. Một số cuộc khai quật tiêu biểu trong thời gian qua có thể nhắc đến như:
Cuộc khai quật khu thành cổ Xương Giang, nơi ghi dấu chiến thắng vẻ vang của quân dân Đại Việt với quân Minh, nhưng hiện tại thành cổ Xương Giang chỉ là trên sử sách. Toàn bộ kiến trúc của thành Xương Giang đã bị hoang phế, đổ nát dưới lòng đất từ hàng trăm năm nay đến khi những đợt khai quật khảo cổ học tại khu thành cổ được tiến hành từ năm 200 đến nay thì những bí ẩn từ ngôi thành cổ mới dần hé lộ qua các dấu tích kiến trúc và những vật liệu trang trí, xây dựng kiến trúc.
Cuộc khai quật di chỉ Chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam thuộc dãy núi Yên Tử - Huyền Đinh, cũng trong tình trạng hoang phế bao năm qua, ngoài sử sách ghi chép sơ lược thì ít người biết đến công trình này. Sau kết quả khai quật khảo cổ học năm 2012 đã phát hiện tại đây vốn là công trình Phật giáo đồ sộ, uy nghiêm và có quan hệ mật thiết với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử qua hệ thống chân tảng, bậc đá và vật liệu xây dựng… Thông qua kết quả khai quật đã xác định được hướng chùa, là cơ sở khoa học để sau này phục dựng lại công trình.
Cuộc khai quật di chỉ Chùa Cao, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam qua 4 lần từ năm 1990 đến năm 2013, các nhà khảo cổ học đã chứng minh công trình có từ thời Lý - Trần và có quan hệ mật thiết với các di tích cùng thời thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Các đợt khai quật khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong những năm gần đây chủ yếu tập trung tại các di tích thời Lý - Trần, phát hiện nhiều dấu tích cùng hàng nghìn hiện vật, tiêu bản của thời đại này. Từ đây bổ sung các tư liệu chân xác, minh chứng cho các giá trị thuộc nhiều giai đoạn văn hóa, lịch sử khác nhau.
Cuối tháng 10 năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đồng ý giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật tại địa điểm Đồi Bia xã An Thượng, huyện Yên Thế. Và Bộ yêu cầu trong thời gian khai quật, các cơ quan liên quan cần chú ý bảo vệ địa tầng di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. Hiện vật khai quật được giao về Bảo tàng tỉnh bảo quản và khai thác, phát huy giá trị.
Trong hai tháng 11 và 12 năm 2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tiến hành khai quật trên diện tích 160m2.
Chiều ngày 21/12/2019, Sở VHTTDL Bắc Giang phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tổ chức hội nghị “Báo cáo sơ bộ Kết quả khai quật KCH địa điểm Đồi Bia xã An Thượng, huyện Yên Thế”. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo ngành văn hóa Bắc Giang, các Sở ban ngành có liên quan, lãnh đạo Viện Khảo cổ học, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu…
Các đại biểu khảo sát địa điểm khảo cổ học Đồi Bia, xã An Thượng, huyện Yên Thế
Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học Việt Nam), trưởng đoàn khai quật cho biết: Kết quả khai quật bước đầu đã phát hiện các dấu tích nền móng tháp, dấu tích kiến trúc một ngôi chùa cổ, xuất lộ thời Trần (thế kỷ 13-14), kết cấu mặt bằng kiến trúc kiểu tháp trước - chùa sau, được tu bổ, sửa chữa trong thời Lê và thời Nguyễn và nhiều hiện vật có niên đại thời Trần như: Gạch ốp tháp, gạch trang trí mô hình tháp, vật liệu xây dựng… Kết quả khai quật đã phát hiện được hệ thống hiện vật có giá trị lịch sử - văn hoá cao. Trong thời gian tới đoàn khai quật sẽ chỉnh lý hiện vật, hồ sơ báo cáo và đề xuất biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị đối với di tích và di vật.
Dấu tích nền móng kiến trúc tại di tích Đồi Bia
Một số vật liệu xây dựng, gạch trang trí mộ hình tháp có niên đại thời Trần
Bắc Giang là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, còn khá nhiều dấu tích kiến trúc trong lòng đất chưa được phát lộ. Theo lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về khảo cổ học cho cán bộ và tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật hiện đại; kiến nghị bổ sung kinh phí mở rộng quy mô nghiên cứu cho các đợt khai quật gắn với phát triển du lịch, đồng thời tích cực tổ chức trưng bày, giới thiệu những hiện vật khảo cổ học tiêu biểu tại bảo tàng tỉnh; biên soạn, sản xuất các ấn phẩm văn hóa - khảo cổ học; sớm nghiên cứu lập quy hoạch về những địa điểm khảo cổ học làm căn cứ khoa học, pháp lý tiếp tục thăm dò, khai quật khảo cổ với mục tiêu có thêm tư liệu phục vụ nghiên cứu, khai quật trong tương lai.
TS. Bùi Thị Thu Phương