Trận Bạch Đằng năm 1288 trên sông Bạch Đằng là một trận đánh quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông trong lịch sử Việt Nam. Đây là chiến thắng vẻ vang trước quân xâm lược Nguyên Mông của quân Đại Việt do Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy. Quân Nguyên bị thiệt hại vô cùng nặng (với khoảng hơn 4 vạn quân sĩ bị loại khỏi vòng chiến) và nhiều tướng Nguyên như Ô Mã Nhi, Phạm Nhàn và Phàn Tiếp bị bắt sống và dâng lên Thượng hoàng Thánh Tông. Ngoài ra, có những 400 chiến thuyền của quân Nguyên rơi vào tay quân Trần. Đại thắng trên sông Bạch Đằng được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
Đại thắng này là một chiến quả của kế cắm cọc trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo Vương, mở đầu với việc quân sĩ của ông dụ địch vào trận địa cọc nhân triều rút. Quân Nguyên vấp phải sự chiến đấu mãnh liệt của quân Thánh Dực dưới quyền Nguyễn Khoái (Bình chương Áo Lỗ Xích của Nguyên Mông bị bắt trong trận này), tiếp theo đó các vua Trần đem binh tới ác chiến, đập tan nát quân Nguyên. Quân Trần mai phục hai bên bờ sông cũng dũng vũ xông ra, tiếp tục diệt tan quân địch. Khi nước triều rút, quân Nguyên hoàn toàn lâm vào thảm họa. Trận toàn thắng này dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của Đại Việt trong cuộc chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần 3 và hoàn toàn phá tan âm mưu xâm chiếm Đại Việt của nhà Nguyên. Chiến tích vẻ vang này của Trần Hưng Đạo cùng với hai vị minh quân triều Trần đã lưu danh trong lịch sử Việt Nam.
Khu vực cánh đồng khai quật khảo cổ học
Vị trí trận địa cọc của Hưng Đạo Vương năm 1288 ở vị trí nào là câu hỏi từ bao đời nay. Sông Bạch Đằng bây giờ sâu và rất rộng, nên trận địa cọc chính có thể cắm ngang dòng chủ lưu. Nhưng khoảng bảy trăm năm trước, đây là một bộ phận của châu thổ sông Hồng, lòng chính sông Bạch Đằng khi ấy có thể nông hơn và hẹp hơn ngày nay. Trong Dư địa chí Nguyễn Trãi có mô tả: “Sông Vân Cừ rộng 2 dặm linh 69 trượng, sâu 5 thước”. Chỉ mới khoảng 5, 7 trăm năm nay, vùng cửa sông Bạch Đằng mới chuyển hóa thành cấu trúc vùng cửa sông hình phễu với các lòng lạch bị xâm thực sâu và rộng. Vì vậy, một trận địa cọc chính cắm ngang qua dòng chủ lưu sông Bạch Đằng là hoàn toàn có thể. Những bãi cọc tìm thấy đến nay ở sông Chanh, Vạn Muối, sông Rút chỉ là các bãi phụ trợ, nhằm chặn đường rút của chiến thuyền Nguyên Mông sang Vịnh Hạ Long. Một nhận định nữa về sự tồn tại của trận địa cọc chính trên dòng chủ lưu sông Bạch Đằng: Vào thời gian trong năm xảy ra trận đánh, ở vùng này gần như hoàn toàn không có gió hướng tây. Nên khi dòng chảy triều xuống, các bè lửa thả từ phía thượng nguồn không thể dạt về cửa nhánh sông Chanh, hay Vạn Muối để thiêu đốt thuyền Nguyên Mông tụ lại ở đấy. Các bè lửa sẽ theo dòng chảy trôi về phía cửa biển Nam Triệu, khi ấy, nếu áp sát vào Ghềnh Cốc để cản thuyền Nguyên Mông, thì thuyền Đại Việt cũng bị bè lửa thiêu. Vậy, chính trận địa cọc dày đặc ngang sông, chứ không phải ghềnh đá, đã cản thuyền quân Nguyên Mông ra cửa biển Nam Triệu.
Có ý kiến cho rằng, ngay từ khi nhận chức Tiết chế ở Bình Than, Trần Quốc Tuấn đã theo kế của Ngô Quyền, muốn ngăn quân địch tiến vào bằng cọc nhọn ở Bạch Đằng. Số cọc nhọn làm năm 1288 chỉ là số bổ sung thêm. Ngay từ năm 1284, Trần Quốc Tuấn đã giăng bẫy ở đây và muốn dồn địch vào trận địa cọc, nhưng quân Trần yếu thế không thực hiện được ý định. Kết quả quân Nguyên vượt qua an toàn. Năm 1287, khi Ô Mã Nhi tiến vào cũng mang quân đông và mạnh khiến quân Trần không thể dồn quân Nguyên tới bãi cọc vào thời điểm triều rút, do đó việc bố trí cọc cũng vô hiệu.
Cũng có ý kiến cho rằng, các tướng Nguyên không thể không biết về bài học trận Bạch Đằng năm 938 của Nam Hán; nhưng do hai lần đã đi qua dễ dàng, quân Nguyên chủ quan không đề phòng cạm bẫy ở sông Bạch Đằng năm 1288. Chính vì vậy khi rút lui đã bị sa vào trận địa và bị diệt hoàn toàn.
Về vị trí của các bãi cọc trong trận thủy chiến chống Nguyên Mông năm 1288 đến nay vẫn còn nhiều tranh luận, tuy nhiên những chứng cứ khảo cổ thông qua tư liệu khai quật khảo cổ học đã phần nào giải đáp được câu hỏi khó này. Và năm 2019, một tin vui đã đến với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, nghệ thuật quân sự…, theo thông tin từ UBND xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) cho biết, vào đầu năm người dân địa phương vừa phát hiện một bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, có thể đây là bãi cọc phục vụ cho trận chiến chống quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng thời nhà Trần. Trước đó UBND huyện Thủy Nguyên cũng nhận được báo cáo của xã Liên Khê về việc phát hiện 2 thân cây gỗ ở nghĩa trang làng văn hóa Mai Động (nằm trong đê bao sông Đá Bạc).
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin Bảo tàng Hải Phòng đã cử cán bộ chuyên môn xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra và lấy mẫu cọc được phát hiện gửi Viện Khảo cổ học giám định niên đại.
Hiện trường khai quật khảo cổ học
Liên tiếp sau đó có các chuyến khảo sát của các đơn vị chuyên môn đã đến khu vực này: Đoàn khảo sát của Hội Khảo cổ học Việt Nam do TS. Lê Thị Liên làm trưởng đoàn đã khảo sát khu vực phát hiện cọc và Đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học do TS. Nguyễn Gia Đối làm trưởng đoàn đã phát hiện 9 đầu cọc. Theo kết quả giám định C14 cho kết quả niên đại tuyệt đối vào năm 1270. Nghiên cứu địa tầng cho thấy khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám, có thể được chôn/đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích sét trắng lẫn vàng loang lổ. Trên các cọc có “ngoàm” dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa cọc để giằng ngang.
Dựa trên kết quả khảo sát, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Ngày 22/11/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 4137/QĐ-BVHTTDL cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.
Từ ngày 27/11/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ. Diện tích khai quật là 950m2, với 3 hố khai quật, phát hiện 27 cọc (H1 diện tích khai quật 280m2, phát hiện 17 cọc; H2 diện tích khai quật 198m2, phát hiện 2 cọc, và H3 diện tích khai quật 472m2, phát hiện 8 cọc).
Được biết trước đó tại khu vực này, người dân cũng đã phát hiện được một số những cọc gỗ. Cách đây 30 năm, gia đình ông Nguyễn Công Từ, bà Nguyễn Thị Chế (thôn 3, làng Mai Động) trong quá trình canh tác trên cánh đồng Cao Quỳ có phát hiện 10 cọc gỗ tại khu vực sát với hố đang tiến hành khai quật. Vào những năm 70, ông Trần Văn Do (thôn 7, làng Quỳ Khê) cũng phát hiện 3 cọc gỗ tại cánh đồng thôn. Tại đầu Núi Chẹo và Hang Trê (thôn 7, làng Quỳ Khê) người dân cũng phát hiện 11 cọc gỗ... Các cọc gỗ thường có đường kính dao động trong khoảng từ 35-50cm.
Bên cạnh đó, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng còn khảo sát các di tích, các dòng sông cổ, các bến cổ thuộc xã Liên Khê liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Những di tích này còn ghi đậm dấu ấn Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn về đây khảo sát trận địa, tập luyện binh mã cho trận chiến chống quân Mông - Nguyên năm 1288.
Kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ trên địa bàn xã Liên Khê cho thấy các cọc phân bố theo chiều đông - tây, đường kính từ 26-46 cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo, các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết giám định niên đại cho thấy các cọc gỗ có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
Những cọc gỗ được phát hiện trong khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ,
Các chuyên gia Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông - Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.
Sau gần 1 tháng khai quật, khảo sát và nghiên cứu, Hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng” được tổ chức vào ngày 20 - 21/12/2019 tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo, cán bộ, chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan và đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu có chuyến khảo sát thực địa bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên và nghe báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học và các phát biểu, đánh giá, đề xuất của các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu.
Các đại biểu khảo sát thực địa bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên
Ngay tại khu vực khai quật, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: “Việc phát hiện bãi cọc mới tại Quỳ Cao, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, với tư cách là nhà nghiên cứu, chúng tôi sẽ phải hình dung, sắp xếp lại về chiến thắng Bạch Đằng”. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, trước đây các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa vào đọc sách và mô tả, nên hình dung chiến trận một cách trừu tượng. Khi phát hiện bãi cọc bên Quảng Yên (Quảng Ninh), thì mọi nghiên cứu hầu như chỉ xoay quanh bãi cọc này. Nay lại phát hiện thêm bãi cọc tại Thủy Nguyên, Hải Phòng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một vấn đề khá quan trọng đó là ông cha ta không cắm cọc dưới lòng sông Bạch Đằng vì sông quá rộng, tới hàng km vì đó là việc không khả thi. Trong khi đó, đường ra biển, ngoài sông Bạch Đằng còn nhiều lạch triều (sông nhánh) có độ sâu từ 5 - 7 mét, thậm chí 10 mét, đủ sức để những tàu lớn thời đó đi qua. Vì vậy, có thể cha ông ta đã đóng cọc gỗ xuống các lạch triều này, rồi lùa địch vào đó vào lúc triều cạn, để đội hình địch mắc cạn, sau đó dùng kế hỏa công, sử dụng các thuyền nan chở đầy dầu tràm, củi thông để tiêu diệt tàu thuyền của địch. Khi xem bản đồ cho thấy, khu vực khai quật mới cũng nằm cạnh lạch triều gần sông Bạch Đằng, rất có thể đây là bãi cọc trong trận đánh Bạch Đằng. Đây là một phát hiện cực kì lớn, tạo ra nhận thức mới có thể làm đảo lộn nhận thức của các nhà nghiên cứu từ trước đến nay về trận đánh này. Để có được chiến thắng Bạch Đằng, quân dân nhà Trần đã dựa vào địa thế và dân hai bên bờ sông là Hải Phòng và Quảng Ninh. Tuy nhiên, dựa vào địa hình, Thủy Nguyên (Hải Phòng) có núi non, địa thế hiểm trở nên có thể là nơi được dùng vào mục đích mai phục, là nơi ta dụ quân địch vào thế trận bày sẵn. Nhận thức mới này sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về chiến thắng Bạch Đằng và chiến trận toàn dân chống ngoại xâm.
GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng đặt vấn đề, việc khai quật được di tích mới là rất đáng quý, nhưng việc bảo quản các hiện vật này như thế nào cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Những cọc gỗ nằm trong lòng đất nhiều thế kỷ, khi được khai quật, nắng mưa và khí hậu sẽ tàn phá hiện vật nếu không được bảo quản đúng cách. Do đó, ý tưởng xây dựng bảo tàng để bảo quản các hiện vật của Hải Phòng là rất quý. Đây cũng có thể là nơi tái hiện lại trận đánh Bạch Đằng, làm sống lại khí thế hào hùng của cha ông trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Tại Hội nghị đa số các nhà khoa học, nghiên cứu và quản lý đều đánh giá cao kết quả của cuộc khai quật và khẳng định các kết quả khai quật sẽ cung cấp nguồn tư liệu làm cơ sở cho việc khoanh vùng cắm mốc, bảo vệ di tích, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
TS. Bùi Thị Thu Phương