Thứ Tư, 18/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/03/2019 11:25 3530
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Kiến trúc đền tháp của Champa vừa là công trình kiến trúc tôn giáo và là một tác phẩm nghệ thuật. Nơi đây tập trung những tinh hoa của nền văn minh Champa, cả về kỹ thuật, nghệ thuật, mỹ thuật kiến trúc và điêu khắc. Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương[1], kiến trúc đền - tháp Champa đã trải qua bốn giai đoạn tiêu biểu như sau:

Giai đoạn thứ nhất, là giai đoạn của những kiến trúc Ấn Độ giáo từ thế kỷ thứ VII đến VIII được xây dựng chủ yếu tại Champa Bắc, bi ký Mỹ Sơn ghi lại giai đoạn này những kiến trúc bằng gạch đã được xây dựng. Ngôi đền quan trọng Mỹ Sơn E1 bảo lưu kiểu thức xưa nhất của những công trình tôn giáo bằng gỗ vào thời kỳ đầu của các vương triều Champa như từng được nhắc đến nhiều lần trong minh văn. Giai đoạn kiến trúc này còn được gọi là giai đoạn ngôi đền có không gian mở.

Giai đọan thứ hai, từ giữa thế kỷ VIII đến giữa thế kỷ IX. Trong thời kỳ này, những kiến trúc Ấn Độ giáo bằng gạch có kích thước khiêm tốn với mái tháp được xây bằng kỹ thuật vòm giật cấp/corbel được dựng rải rác khắp vương quốc ở cả hai miền Nam và Bắc cho đến khoảng cuối thế kỷ thứ VIII. Ở giai đoạn này, các kiến trúc bằng gạch đã bắt đầu sử dụng sa thạch một cách khiêm tốn, thường là để trang trí, có ảnh hưởng của nghệ thuật Phù Nam và Chân Lạp/thời Tiền Angkor trên các bộ phận trang trí nhất là ở các tháp gạch tại miền Nam. Giai đoạn kiến trúc này còn gọi là giai đoạn ngôi đền có không gian kín

Giai đoạn thứ ba, kéo dài từ giữa thế kỷ IX đến cuối thế kỷ X thuộc vương trìều Indrapura bao gồm cả kiến trúc Phật giáo và Ấn Độ giáo. Thời kỳ này có nhiều mối quan hệ giữa Champa và Java, được đánh dấu bằng những chuyến hành hương tới Java (Yavadvipapura) của quan lại triều đình Indrapura năm 913. Đặt biệt, cũng tại Champa Bắc, nhiều công trình đồ sộ của Phật giáo và Ấn Độ giáo được xây dựng với những phong cách mới; những kiến trúc có tường bao bọc và mặt bằng hình chữ nhật được sử dụng rộng rãi. Sa thạch được chú trọng trong việc sử dụng. Đây là giai đoạn tổng hợp được những yếu tố ảnh hưởng rộng từ những nền nghệ thuật bên ngoài như Khmer, Java, Hoa Nam/Vân Nam. Ngôi đền Mỹ Sơn A1, được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 10, là một kiệt tác của kiến trúc Champa cả về nghệ thuật trang trí cũng như kỹ thuật cấu trúc, đánh đấu thời kỳ phát triển cường thịnh nhất của vương quốc Champa.

Giai đoạn thứ tư, khoảng từ thế kỷ XI kéo dài đến thế kỷ thứ XVI, đây là giai đoạn bảo lưu và phát triển những kiểu thức cổ, khi những vương triều Ấn Độ giáo và Phật giáo muốn phô trương quyền lực của mình qua những công trình kiến trúc bề thế. Nhiều ngôi đền có xu hướng dựng trên những ngọn đồi cao gây ấn tượng hơn. Phong cách kiến trúc tiếp nhận nhiều yếu tố ngoại lai, kiến tạo được nhiều đền - tháp cao rộng hơn. Sa thạch rất được ưa chuộng và sử dụng phong phú, phổ biến ở các bộ phận trang trí và chịu lực, cho thấy một kỹ thuật cấu trúc đã đạt tới trình độ tinh xảo khi kết hợp nhuần nhuyễn được hai loại chất liệu - gạch và đá trên cùng một công trình xây dựng. Phần nhiều đền - tháp được tập trung xây dựng tại những trung tâm cảng thị. Cuối thế kỷ XII - XIII chịu những ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer, đến thế kỷ XV - XVI, đền thờ vẫn được xây trên đồi nhưng với kích thước khiêm tốn, trang trí giản lược hơn, bộc lộ quá trình suy thoái của nền kiến trúc này. 

 
Sơ đồ vị trí di tích đền tháp Cấm Mít (Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng)

Kết quả khai quật di tích Cấm Mít[2] đã cho thấy bố cục mặt bằng và di vật đi kèm có sự biến đổi qua các giai đoạn sớm muộn khác nhau, nhưng kỹ thuật xây dựng và các mô-típ trang trí của kiến trúc sớm vẫn được bảo lưu, sử dụng. Mặc dù các kiến trúc đã bị phá hủy nặng nề song vẫn nhận ra được kỹ thuật truyền thống xuyên suốt trong quá trình xây dựng di tích thông qua kỹ thuật xây dựng nền móng (sử dụng nhựa thực vật và đất sét trộn với gạch non, sỏi laterite phong hóa hoặc cát để liên kết các vật liệu xây dựng với nhau…),  nghệ thuật khắc tạc chim thần Garuda… Như vậy, khu đền tháp Cấm Mít được người Champa xưa xây dựng gồm 2 giai đoạn, có thể khái quát như sau:

            - Giai đoạn 1: Đền tháp được xây dựng theo kiểu kiến trúc đền thờ đơn (Kalan chính - Tháp Giữa hiện nay) với một điện thờ nhỏ hơn xây sát cạnh ngôi đền chính (ở vị trí phía dưới nền móng của tháp Nam hiện nay), tháp Cổng (có thể có cả tháp Hỏa, tháp Bia…) cùng hệ thống đường đi phía đông (lớp sớm) nối với tháp Cổng và rẽ sang hai bên, xung quanh được bao bọc bởi hệ thống tường thành, được xây dựng đầu tiên trong khoảng cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI. Mặt bằng di tích giai đoạn này thuộc thời kỳ đầu của Giai đoạn thứ tư trong cách phân chia của Trần Kỳ Phương.

Tương ứng với giai đoạn này là lớp kiến trúc sớm ở tháp Cổng: Nền móng tháp được tạo bởi hai khối nền xếp gạch bằng phẳng riêng biệt, cạnh phía trong được bó vỉa bằng hai đường tường gạch chạy hướng đông - tây, song song với nhau, tạo thành một tăng-xê rộng 1,0m nằm chính giữa trung tâm và xuyên qua lòng tháp, trong lòng tăng-xê gia cố bằng bột gạch và đất sét đầm chặt, phân lớp riêng biệt. Nền móng tháp Cổng (lớp sớm) có bình đồ hình chữ nhật, chiều đông - tây dài 6,9m, chiều nam - bắc rộng 5,4m. Cửa mở hai phía đông và tây, đã bị mất dấu vết và bị lớp kiến trúc muộn nằm đè chồng phía trên. Bên cạnh phía nam còn xuất lộ vết tích nền móng tường bao phía đông rộng 1,7m, dài đo được 2,2m và một lối đi lát gạch rộng 1,8m, dài đo được 2,2m nối với cửa giả phía nam tháp Cổng, chạy dọc sát theo nền móng tường bao phía đông.

 
 
 Bản vẽ phục dựng vị trí các tháp Cấm Mít và sự biến đổi, cải tạo hệ thống tường bao

Đền  tháp được xây dựng theo kiểu 3 kalan xây dựng sát cạnh nhau, trong đó Tháp Bắc và Tháp Nam được xây dựng thêm, Tháp Cổng được xây mới vào khoảng thế kỷ XIII - XIV, đây là giai đoạn Tháp Giữa, Tháp Cổng xuống cấp, tường thành bị hư hại cần sửa chữa, trùng tu, một số gạch được chạm khắc trang trí có nguồn gốc từ các kiến trúc này được tái sử dụng cho việc xây nền móng và Hố Thiêng Tháp Bắc, Tháp Nam. Bên cạnh đó, do việc xây dựng thêm hai tháp đứng sát Tháp Giữa nên tổng thể mặt bằng cần bố cục lại cho phù hợp, tường thành phía nam thu hẹp lại và Tháp Cổng cùng tường thành phía đông tịnh tiến và mở rộng thêm về phía đông. Đồng thời cải tạo, tu bổ lại đường đi nối các kiến trúc Tháp Nhà - Tháp Cổng - Tháp Giữa, làm mới thêm đường đi sang tháp Nam và tháp Bắc. Mặt bằng di tích giai đoạn này nằm trong thời kỳ cuối
Giai đoạn thứ tư theo cách phân chia của Trần Kỳ Phương.
 
- Giai đoạn 2:

Tương ứng với giai đoạn này là lớp kiến trúc muộn: Nền móng Tháp Cổng được xây dựng trên cơ sở nền móng của lớp kiến trúc sớm, tịnh tiến về phía đông khoảng 2m. Nền móng kiến trúc (phần tịnh tiến về phía đông) không được gia cố vững chắc nên có hiện tượng bị nghiêng lún vào giữa.

Vết tích nền móng kiến trúc khu đền tháp Cấm Mít phát lộ qua khai quật năm 2012 

Đi liền với diễn biến mặt bằng, sự có mặt của vò gốm Bình Định cùng một số hiện vật gốm sứ có niên đại cuối thế kỷ XIII đến đầu XIV, phát hiện được trong quá trình khai quật di tích, đã góp phần khẳng định nhận định về niên đại xây dựng giai đoạn II của di tích Cấm Mít của chúng tôi là có cơ sở, chính xác.

 
 Trắc diện ba tháp Cấm Mít trục bắc nam
 
 
Trắc diện theo trục đông tây 
 Bố cục mặt bằng kiến trúc gạch Champa thường là những bình đồ hình vuông đơn giản, phần lớn các tháp đều mở chính về hướng đông. Những đền tháp Chăm đều có đặc điểm chung là một cụm kiến trúc bao gồm một tháp trung tâm hình vuông, mái thuôn nhọn “tượng trưng cho ngọn núi Meru - Ấn Độ, trung tâm vũ trụ nơi ngự trị của thánh thần”. Xung quanh tháp chính là những tháp chính là những tháp nhỏ nằm theo vị trí 4 hướng tượng trưng cho các lục địa.. Sơ đồ kiến trúc đó được xây dựng theo khái niệm vũ trụ luận của Ấn Độ. Việc làm rõ mặt bằng di tích Cấm Mít cho ta cái nhìn tổng thể về tháp Champa có 3 tháp chính dựng sát bên nhau cùng hệ thống tháp Cổng, Nhà dài, tường bao. Bên cạnh đó, các di tích Phong Lệ, Quá Giáng đã được khai quật ngay gần đấy (trong vòng bán kính khoảng 20km) cũng phát hiện nhiều vết tích nền móng trong hệ thống liền kề cũng cho khả năng nhận diện các công trình kiến trúc đền tháp tương tự di tích Cấm Mít.

Niên đại của các di tích Champa Đà Nẵng trải dài trong trong khoảng 6 thế kỷ, từ cuối thế kỷ VIII đến thế kỷ XIV, trong đó tập trung nhất là vào khoảng từ thế kỷ X đến XII. Đây là giai đoạn phát triển hưng thịnh của Champa phía bắc vương triều, cũng là giai đoạn các đền tháp Hindu giáo và Phật giáo phô trương quyền lực của mình qua những công trình kiến trúc bề thế.

  Lê  Hùng - Nguyễn Chất

(Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm)


[1] Trần Kỳ Phương - Khảo luận về kiến trúc Đền - Tháp Champa ở Miền Trung Việt Nam

[2] Báo cáo kết quả khai quật di tích Cấm Mít (Đà Nẵng) năm 2012

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 4086

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Kết quả khai quật tường Thành nhà Hồ

Kết quả khai quật tường Thành nhà Hồ

  • 24/01/2019 11:56
  • 3558

Ngày 22.1, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) và Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ công bố kết quả khai quật đoạn tường thành phía đông bắc Thành nhà Hồ dài khoảng 20 m và chân tường thành, với tổng diện tích khai quật 400 m2.