Địa điểm khảo cổ học Cái Bèo thuộc địa phận xã Đông Hải, đảo Cát Bà (Hải Phòng), cách thị trấn Cát Bà khoảng 1,5km về phía Đông Nam, có tọa độ: 20o43’8’’ vĩ Bắc và 107o03’2’’ kinh Đông. Di chỉ nằm giữa thung lũng đá vôi, chạy dài theo hướng Bắc – Nam, với độ cao trung bình 4m so với mặt nước biển. Theo khảo cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Cái Bèo là di chỉ khảo cổ học có giá trị quan trọng nhất hiện nay ở vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam.

Toàn cảnh khu vực di chỉ Cái Bèo.
Năm 1938, nữ khảo cổ học người Pháp là M. Colani đã phát hiện ra di chỉ ngoài trời là Vịnh Làng Chài (Cái Bèo), trên đảo Cát Bà. Từ đó đến nay, 4 lần khai quật đã được thực hiện tại đây.
Tháng 4 năm 1972, đoàn cán bộ Viện khảo cổ học do ông Hoàng Xuân Chinh (làm trưởng đoàn), Nguyễn Văn Hảo (cán bộ Viện khảo cổ học) đã đào 2 hố thám sát trên di chỉ này và đặt tên là di chỉ Cái Bèo. Kết quả thám sát cho thấy: Tầng văn hóa dày từ 0,5 – 0,9m đất có màu nâu pha nhiều sỏi. Hiện vật thu được gồm có: Rìu đá, bài mài rãnh hình ống máng, chì lưới và nhiều mảnh gốm xốp, cũng giống như M. Colani đã thám sát được. Những hiện vật khai quật lần này được xếp vào văn hóa Hạ Long, niên đại Hậu kỳ thời đại Đá mới.

Toàn cảnh hố khai quật tại di chỉ Cái Bèo.
Để đóng góp thêm tư liệu nghiên cứu văn hóa Hạ Long, một trong những nền văn hóa Hậu kỳ đá mới ở vùng biển Đông Bắc Việt Nam, ngày 16 tháng 8 năm 1973, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng tiến hành khai quật địa điểm Cái Bèo. Cán bộ tham gia đợt khai quật gồm có: Hoàng Xuân Chinh (Trưởng đoàn), Nguyễn Khắc Sử, Phạm Lý Hương, Võ Quý, Phan Tiến Ba (cán bộ nghiên cứu Viện Khảo cổ học) và Nguyễn Duyên Bằng (cán bộ nghiệp vụ Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng). Đợt khai quật kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm 1973.

Vách hố thám sát tại di chỉ Cái Bèo.
Kết quả khai quật cho thấy:
Cấu tạo tầng văn hóa: Lớp văn hóa đầu nằm trên lớp sinh thổ, ở độ sâu 2,5 – 3,2m, hiện vật tìm thấy là công cụ cuội ghè đẽo tạo thành loại rìu ngắn, mũi nhọn, chày nghiền, bàn nghiền; đồ gốm có mặt gốm dày thô; xương động vật và vỏ sò lớn. Lớp văn hóa thứ hai, ở độ sâu 1,2 – 2,4m, hiện vật chủ yếu trong lớp này là công cụ ghè đẽo, công cụ mài; đồ gốm cứng thành mỏng; lớp này tập trung nhiều xương cá và xương thú. Lớp văn hóa thứ ba, ở độ sâu 0,2 – 1,2m, hiện vật chủ yếu là gốm xốp, gốm cứng mỏng và công cụ đá được mài toàn thân, vắng mặt xương cốt động vật.
Hiện vật thu được ở đợt khai quật lần này là 484 hiện vật đá trong đó có 2 chiếc vòng tay đều đã bị gãy tìm thấy ở độ sâu 0,6m, hai đầu mảnh vòng có khoan hai lỗ thủng để nối ghép hay buộc dây, tinh thể thạch anh tìm thấy ở độ sâu 0,65m có hình lăng trụ lục giác không đều, một đầu nhọn và một đầu bị gãy thuộc loại đá cứng màu trong suốt; 19.282 mảnh gốm và 2 chạc gốm còn tương đối nguyên vẹn; nhiều xương răng thú và cá.
Qua đợt khai quật này các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra lớp văn hóa đầu thuộc sơ kỳ thời đại đá mới, lớp tiếp theo thuộc hậu kỳ thời đại đá mới, lớp cuối thuộc văn hóa Hạ Long. Nói chung tầng văn hóa Cái Bèo là di chỉ khảo cổ học có địa tầng nguyên vẹn là cơ sở đáng tin cậy cho việc nghiên cứu sự diễn biến văn hóa tiền sử khu vực cũng như giải quyết về vấn đề nguồn gốc bản địa.
Tháng 12 năm 1981, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (hiện nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) và Bảo tàng thành phố Hải Phòng đã tiến hành khai quật. Hố khai quật được mở ở gần biển hơn so với lần khai quật trước. Mục đích khai quật là để tìm hiểu thêm địa tầng của di chỉ và yêu cầu cần khảo sát lại đồng thời xây dựng lại khu di tích lịch sử của Hải Phòng. Kết quả khai quật được công bố trên Thông báo khoa học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 1 – 1983.
Cấu tạo tầng văn hóa: Địa tầng di chỉ có 15 lớp đất đào, với hai tầng văn hóa khảo cổ. Tầng văn hóa lớp I ở dưới, thuộc văn hóa Tiền Hạ Long; tầng văn hóa II ở trên thuộc văn hóa Hạ Long. Giữa hai tầng văn hóa có một lớp cát và sỏi biển dày 20cm ngăn cách. Từ lớp ngăn cách này trở lên, các lớp đất có cấu tạo phức tạp với nhiều màu sắc hơn; còn từ lớp ngăn cách đó trở xuống, đát có cấu tạo đơn giản và đồng nhất hơn.
Trong lần khai quật này đã phát hiện được 2 dấu tích bếp và 1 mộ táng. Dấu tích bếp lửa thứ nhất là vùng đất cháy hình tròn có đường kính 30cm, khu vực xung quanh bếp thường gặp hiện vật đá và gốm nhiều hơn những vùng khác. Ở độ sâu 310cm phát hiện di tích bếp lửa thứ hai là khu đất cháy hình bầu dục dài 110cm, rộng 60cm, xung quanh khu vực có nhiều xương thú và xương cá. Dưới độ sâu 2,6m, phát hiện một bộ xương người. Căn cứ vào những vết xương còn lại có thể biết thi thể được chôn nằm co, lưng quay về phía tảng đá rất to gần vách Đông của hố khai quật, đầu quay về phía Tây, không thấy huyệt mộ và đồ tùy táng. Dựa vào những đặc tính trên sọ, trên xương hàm, khi nghiên cứu về giới tính và tuổi, ông Nguyễn Lân Cường đã cho rằng đây là di cốt của một cá thể nam, dựa vào độ mòn của răng, sự gắn liền của các khớp sọ ở mặt trong có thể đoán khoảng 50 - 60 tuổi.
Hiện vật thu được trong đợt khai quật này: Hiện vật đá có chày nghiền, bàn nghiền, hòn kê, bàn mài (bàn mài diện rộng, mài rãnh), rìu (rìu mài lưỡi, mài toàn thân, rìu có vai), đục…; hiện vật gốm chủ yếu là những mảnh gốm (gốm xốp, gốm mịn thuộc lớp văn hóa trên), gốm thô dày, chất liệu được làm từ đất sét pha cát và bã thực vật, gốm có màu đen xám và nâu xám, thành gốm dày, gốm tạo hình chủ yếu là nặn bằng tay, độ nung không cao và không chín đều (thuộc lớp văn hóa dưới)
Qua nghiên cứu tầng văn hóa, di tích, di cốt và hiện vật cho thấy:
Đồ đá: Chày nghiền rất phổ biến ở lớp văn hóa dưới được làm bằng những hòn cuội dẹt hình bầu dục; bàn mài có bàn mài diện rộng và bàn mài rãnh ở lớp văn hóa trên ; rìu ghè đẽo chỉ tồn tại ở lớp văn hóa cuối cùng. Rìu mài lưỡi tiết diện hình bầu dục, rìu có vai và rìu tứ giác mài toàn thân tìm thấy ở lớp trên phù hợp với sự có mặt của bàn mài rãnh. Các kỹ thuật được sử dụng là ghè đẽo, mài, cưa, khoan.
Đồ gốm: Có thể chia ra làm 3 nhóm, gốm xốp, gốm mịn và gốm thô dày. Nhóm xương gốm mịn và mỏng được tạo bằng bàn xoay, miệng loe cong đột ngột chiếm phần lớn, trên phần miệng ít được trang trí, phần cổ được để trơn, phần đáy chủ yếu là đáy tròn, cũng có loại đáy bằng và có chân đế nhưng có rất ít. Nhóm gốm thô được chia làm 2 loại: Thô dày cứng và thô dày mềm. Gốm thô dày cứng có độ nung cao, xương gốm ít cát hạt và bã thực vật. Gốm thô dày mềm, xương gốm bằng đất sét có pha nhiều hạt cát thô và bã thực vật, độ nung thấp, miệng hơi thẳng, toàn thân đều được trang trí hoa văn in (hoa văn tổ ong, hoa văn thang dây). Tất cả đều đáy tròn, không có chân đế, bề mặt đều bị ám khói. Với đặc trưng đồ đá và đồ gốm, có thể xếp lớp văn hóa phía trên của di chỉ Cái Bèo vào Văn hóa Hạ Long và lớp văn hóa dưới vào Văn hóa Tiền Hạ Long.

Hiện vật gốm trong hố khai quật tại di chỉ Cái Bèo.
Bên cạnh hiện vật đá và gốm, di cốt người có trong hố khai quật cung cấp thêm những tài liệu mới để tìm hiểu về tục mai táng “kiểu chôn nằm co”. Chủ nhân có khả năng thuộc nhóm Australo – Melanesien của cư dân tiền Hạ Long. Xương răng động vật nói nên hình thái kinh tế lúc bấy giờ.
Vào tháng 12 năm 1986, Viện khảo cổ học tiến hành khai quật do ông Nguyễn Văn Hảo (làm trưởng đoàn). Hố khai quật được mở vào góc phía Tây Bắc của di chỉ, sát về phía chân núi. Điểm mới đáng chú ý trong cuộc khai quật này là tỷ lệ công cụ cuội ghè đẽo ở đây rất cao, công cụ mài toàn thân rất hạn chế, không thấy bôn có vai, có nấc như các lần khai quật trước. Tỷ lệ gốm xốp kiểu Hạ Long rất thấp và không thật điển hình.
Tháng 12 năm 2006, Viện khảo cổ học, do PGS. TS. Nguyễn Khắc Sử làm trưởng đoàn cùng với Bảo tàng Hải Phòng và Phòng Văn hóa huyện Cát Hải một lần nữa tiến hành khai quật nhằm xác định phạm vi phân bố di chỉ Cái Bèo và mức độ bảo tồn giá trị của di tích làm cơ sở để xếp hạng di tích Quốc gia, bổ sung hiện vật trưng bày cho Bảo tàng Hải Phòng. Kết quả khảo sát đã xác định được, di chỉ Cái Bèo có độ dốc thoải khoảng 8o, từ Tây sang Đông cao trung bình 4m so với mặt nước biển hiện tại.
Dựa vào phân tích tổng hợp của các lần khai quật có thể dự đoán niên đại của các lớp văn hóa trong di chỉ Cái Bèo. Lớp văn hóa trên cùng thuộc văn hóa Hạ Long, hiện vật rìu, bôn đá được chế tạo với kỹ thuật mài hoàn thiện, đồ gốm được làm bằng bàn xoay, nhưng chưa xuất hiện kim loại đồng, nên thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá mới. Trong lớp văn hóa này có mặt của đa số rìu tứ giác, cũng như gốm mỏng trang trí văn chấm dải, đặc biệt là chạc gốm cho thấy mối quan hệ rất gần gũi với các di vật thuộc văn hóa Phùng Nguyên như vậy lớp văn hóa trên của di chỉ Cái Bèo có thể có tuổi trong khoảng 4.000 đến 4.500 năm cách ngày nay. Lớp giữa của di chỉ Cái Bèo với kỹ thuật mài đá phát triển, song chưa đến mức hoàn thiện bên cạnh gốm bàn xoay, có gốm nặn tay có thể thuộc giai đoạn đầu của Hậu kỳ đá mới cách ngày nay trên dưới 5.000 năm. Lớp cuối cùng của di chỉ Cái Bèo chỉ có công cụ ghè đẽo, vắng mặt kỹ thuật mài, đồ gốm nặn bằng tay, còn thô sơ, trang trí văn đan, có thể thuộc Trung kỳ đá mới khoảng 6.000 – 7.000 năm cách ngày nay.

Hiện vật đá khai quật được tại di chỉ Cái Bèo.
Qua quan sát vị trí cảnh quan nơi cư trú, tổng thể di vật ở các lớp văn hóa di chỉ Cái Bèo, có thể hình dung được hình thức hoạt động kinh tế lúc bấy giờ. Tầng lớp văn hóa dày, nhiều lớp chứng tỏ cư dân thời cổ ở đây đã sống định cư lâu dài qua nhiều thời đại. Sự xuất hiện của xương răng động vật hoang dã và xương cá biển cho thấy trước đây cư dân Cái Bèo chuyên săn bắt, hái lượm và đánh cá. Bước sang giai đoạn văn hóa Hạ Long cư dân đã phát triển trồng trọt, chế tạo thuyền mảng để ra khơi. Sự có mặt ít ỏi của vòng tay và tinh thể thạch anh chứng tỏ cư dân Cái Bèo đã có ý thức về cái đẹp. Rõ ràng, Cái Bèo là một di chỉ khảo cổ học có ý nghĩa lớn không chỉ đối với việc nghiên cứu văn hóa Hạ Long mà còn là tư liệu quý để tìm hiểu văn hóa và lịch sử của cư dân miền Đông Bắc nước ta thời xa xưa.
Lê Thị Huệ (tổng hợp)
Nguồn tham khảo:
- Hoàng Xuân Chinh, Nguyễn khắc Sử. Báo cáo khai quật di chỉ Cái Bèo, đảo Cát Bà, Hải Phòng, năm 1973.
- Lưu Trần Tiêu, Trịnh Căn. Khai quật di chỉ Cái Bèo (Hải Phòng). Thông báo khoa học, số 1/1983. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
- Nguyễn khắc Sử. Khảo cổ học vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội 2005.
- Nguyễn Khắc Sử. Di chỉ tiền sử Cái Bèo, đảo Cát Bà. NXB Khoa học Xã hội, năm 2009.