Các nhà khảo cổ vừa khai quật di chỉ vương triều Champa ở Cấm Mít (Hòa Vang, Đà Nẵng) và phát hiện dấu tích của một nền văn hóa Chăm rực rỡ cùng đền đài, cung điện nguy nga bị chôn vùi cả ngàn năm qua
|
Hiện trường hố khai quật di chỉ Cấm Mít. |
Đoàn nghiên cứu gồm các chuyên gia khảo cổ hàng đầu Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã về Cấm Mít thuộc thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Họ đi tìm dấu tích của Vương quốc Champa đã bị vùi sâu trong lòng đất Cấm Mít.
Phế tích 1.000 năm
Nhà khảo cổ Nguyễn Ngọc Chất (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cho biết: “Tháng 6.2012, người dân báo phát hiện rất nhiều hiện vật văn hóa Chăm tại một gò đất cao thường gọi là Cấm Mít. Chúng tôi có mặt và xác định nơi đây từng tồn tại những đền tháp nguy nga bị chôn vùi cả ngàn năm qua”.
Ba “mục tiêu” rộng 500 m2 tại Cấm Mít được đo vẽ rất cẩn thận, lều trại được dựng lên. Những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống rất thận trọng để không làm ảnh hưởng đến các hiện vật bị chôn vùi dưới lòng đất. Sự cần mẫn và thận trọng đã được đền đáp. Những nền móng, tường bao, tháp thờ chính, tháp cổng, nhà đài… nguy nga cùng hơn 600 hiện vật cổ dần hiện ra dưới tầng sâu 2,5 m.
Một di tích ngay trong lòng đất Cấm Mít hiện lên làm kinh ngạc những nhà khảo cổ am tường văn hóa Chăm. Bí ẩn nhất vẫn là hố thiêng. Hố thiêng được xây dựng ở trung tâm nền móng tháp, thành hố được xây vát taluy bằng gạch vỡ, đất laterite, đất sét trộn nhựa thực vật. Lớp trên lòng hố được lát bằng gạch, phía dưới lót lớp cát màu vàng rải cùng đá cuội. Sát đáy lại đặt hai mảnh kim loại rất mỏng, phủ lớp cát biển màu trắng xám. Trong hố còn có lẫn năm hạt thủy tinh và một số đá thạch anh nhỏ…
Các nhà khảo cổ nhận định: Với quy mô, kết cấu của ba hố thiêng được phát hiện trong các tháp chính cho thấy sự chú trọng đến nghi lễ và nghệ thuật phong thủy trong trấn yểm. Ngoài đền thờ các vị thần Hindu giáo (Shiva, Brahma, Vishnu…), hố thiêng còn như một tháp mộ để thờ người chết.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nói: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam, chúng tôi đã tìm được một lúc tới ba hố thiêng tại một đền thờ Champa như vậy. Điều này rất bí ẩn. Và đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy Tympan (lá nhĩ) trang trí bằng hình tượng chim thần Garuda. Những hiện vật được khai quật tại Cấm Mít đầy rẫy những ẩn số cần giải đáp thêm trong nhiều năm nữa”.
|
Các hiện vật Chăm được khai quật mang thông điệp của một nền văn hóa từng tồn tại dưới vương triều Champa. |
Lộ diện một vương triều
Theo Bảo tàng Điêu khắc Chăm, từ khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 15 đã từng tồn tại Vương quốc Champa (còn gọi là Chiêm Thành). Trong đó, thần Shiva đã được tôn vinh là vị thần bảo hộ của xứ sở. Ngoài ra, người Chăm còn tôn thờ thần Uroja. Uroja có nghĩa là “vú phụ nữ” và được nâng lên tầm tín ngưỡng, sánh ngang với các vị thần tối cao. Vì vậy tại Quảng Nam, sau khi tái sinh vào tầng văn hóa dân gian Việt, vị thần quyền uy này đã trở về với tên gọi trìu mến là… Bà Vú.
TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhìn nhận: “Việc khai quật và thu thập lần này đã đưa lên khỏi mặt đất những hiện vật vô cùng quý giá và thể hiện một giai đoạn mà Vương quốc Champa rất thịnh vượng. Còn quá nhiều khoảng trống trong văn hóa Chăm mà chúng ta chưa biết tới. Sau đợt khai quật này, phải nghiên cứu sâu hơn nữa mới có thể thấy hết nền văn hóa rực rỡ của Vương quốc Champa. Phát lộ Cấm Mít cho thấy từ thế kỷ 13-14, Vương quốc Champa rất hùng mạnh và thịnh vượng. Trong khi đó, người Việt lại đang phải vất vả chống lại quân Nguyên Mông xâm lược”.
Điều đặc biệt khiến các nhà khảo cổ không thể lý giải được là ở phần móng đền thờ được liên kết bằng phụ gia có độ kết dính rất cao. Trong đó, người Chăm đã sử dụng nhựa cây và đất sét trộn với gạch non, sỏi laterite phong hóa hoặc cát để xây dựng. Ấy vậy nhưng qua thời gian nó vẫn trường tồn dù bị chôn sâu dưới lòng đất.
Các nhà khảo cổ cho rằng dấu ấn của nền văn hóa Chăm rất rực rỡ thậm chí ngay ở vùng biên ải (Cấm Mít được xác định là vùng biên ải phía thượng của Champa). Những trầm tích đã được khai quật hé mở rất nhiều vấn đề về quá trình sinh hoạt, sự phồn thực, giàu có và sáng tạo của người Chăm khi quốc gia này còn trong thời kỳ hưng thịnh.
|
Nghi lễ thờ thần của người Chăm. |
Nạn trộm cổ vật
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ thừa nhận rằng họ đã chậm chân hơn so với những kẻ đào trộm cổ vật. “Khi chúng tôi tiến hành khai quật thì chính giữa hố thiêng đã bị đào phá từ trước, để lại hố đất đỏ lẫn gạch vỡ. Hình vuông chính giữa bị đào xuyên từ miệng xuống tận đáy” - một thành viên trong đoàn khảo cổ cho biết.
TS Cường cho biết nhiều di vật của người Chăm đã bị đào xới, trộm cắp trái phép. Không chỉ ở Cấm Mít mà ở một số nơi cũng bị đào xới. Ông Cường lý giải người Chăm rất giỏi chế tác vàng và các đồ vật trang sức, nhất là đồ vật dành cho hoàng gia. Người Chăm cũng sử dụng vàng vào các mục đích thờ cúng. “Họ thậm chí thờ cúng cả những Linga bằng vàng, nhiều nhất là được thờ trong các hố thiêng. Ngoài ra, việc dùng vàng để yểm trừ thì hầu hết ở đền thờ nào khi khai quật cũng đều thấy, dù ít hay nhiều” - ông Cường nói.
Vì việc yểm vàng là một nghi lễ hết sức đặc biệt của người Chăm nên rất nhiều di tích Champa đã bị người ta đào trộm để lấy vàng.
Theo Pháp luật TP.HCM