Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/12/2012 17:08 1752
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Được phát hiện năm 1995, qua nhiều đợt khai quật tìm thấy các di vật khảo cổ học quý hiếm, Di tích lịch sử khảo cổ học Hắc Y – Đại Cại được đánh giá là một quần thể kiến trúc Phật giáo quy mô lớn của thời Lý – Trần. Việc phát hiện này cho thấy đạo Phật là quốc đạo đã được triều đại mở rộng và kinh dinh thành công tới tận vùng rừng núi. Chính vì điều đó, năm 2001, quần thể di tích đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia.

Những dấu tích của một hoàng thành

Theo lời chỉ dẫn, dọc theo trục đường quốc lộ từ thành phố Yên Bái lên huyện Lục Yên (khoảng chừng 80km), chúng tôi đã bắt gặp dòng sông Chảy đang “len lỏi” giữa một bên là núi Hắc Y và một bên là núi Bạch Mã uy nghi. Đúng như những gì người ta miêu tả: Quần thể di tích Hắc Y – Đại Cại là một danh lam thắng cảnh, hình sông thế núi. Đền Đại Cại được dựng cạnh bờ sông Chảy, mặt chính của đền nhìn ra ngã ba sông và đồi Hắc Y. Đền được dựng trong một khuôn viên rộng, có nhiều cây xanh và đường ven sông tạo vẻ đẹp uy nghiêm, cổ kính.

Khám phá “Hoàng thành” Yên Bái 1

Hang Chùa São là một địa điểm lý tưởng cho du khách khám phá.

Đền Đại Cại xưa có tên cổ là đền Ta Cại, ngày nay nằm trên địa phận thôn Sâng, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Tính đến nay, đền đã trải qua 3 lần di chuyển. Trước thời Tự Đức, đền Đại Cại tọa lạc trên gò Đại Mạo, cạnh miếu Hắc Y, bên bờ phải của cửa ngòi Đại Cại. Đền được làm bằng gỗ tứ thiết, xây dựng theo kiểu chữ đinh. Gian ngoài Đại Bái có chiều ngang xấp xỉ 12m, dọc ngót 5m, cao hơn 3m. Hậu cung chuôi vồ nối liền với Đại Bái: chiều ngang 3,5m, dài gần 8m. Dưới thời Tự Đức, để việc lễ bái của nhân dân thuận tiện, đền được chuyển lần thứ nhất sang gò Đền đối diện với gò Đại Mạo. Đến đời Khải Định, đền được rời đến vị trí hiện nay, cách vị trí trước khoảng 20m nhưng cùng tọa độ.

Đây là một quần thể di tích quan trọng, lưu giữ nhiều di vật khảo cổ học quý hiếm, thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở các hiện vật khai quật được ở nơi đây. Rất nhiều hiện vật có hình dạng và niên đại giống với những hiện vật kiến trúc đất nung được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long: gạch, ngói, đá chân cột, lá đề, sen, cúc..., tượng đất nung linh vật các loại: đầu rồng, phượng, uyên ương... cùng đồ thờ, đồ gốm sứ mang phong cách vương triều. Những di tích và di vật đã được các nhà khoa học lịch sử nhận định: đây là một quần thể kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, như một Trung tâm văn hóa Phật giáo thời bấy giờ. Chính vì vậy, Quần thể di tích này còn được ví như “Hoàng thành” của Yên Bái.

Khám phá “Hoàng thành” Yên Bái 2

Đầu rồng khai quật được tại khu di tích.

Từ thành phố Yên Bái đi lên, chúng tôi vào thăm Quần thể di tích Hắc Y – Đại Cại vào đúng giờ nghỉ trưa nhưng sư chùa Thích Đàm Hạnh Thường năm nay đã ngoài 80 tuổi vẫn rất niềm nở, vui vẻ tiếp chúng tôi. Cụ đã trông coi chùa được 22 năm và nhiệt tình kể về thời gian những năm 1995 – 1997, liên tiếp các cuộc khai quật được các nhà khảo cổ học thực hiện ở khu vực phạm vi Quần thể di tích.

“Ngày nào tôi cũng đi theo đoàn khảo cổ đến khu khai quật. Tôi muốn được tận mắt chứng kiến và cầm trên tay những di vật khảo cổ đầu tiên được khai quật lên”, cụ Hạnh Thường chia sẻ. Sau đó, cụ đi vào buồng và lấy ra cho chúng tôi xem những bức ảnh tư liệu chụp cụ và những nhà khảo cổ học không giấu được niềm vui khi đứng trước những di vật khảo cổ được khai quật. Những bức ảnh cách đây gần 20 năm (từ năm 1995) nhưng không hề ố vàng hay bị mờ nhạt. Ngược lại, chúng vẫn rất rõ về khoảng khắc những di vật được khai quật lên bởi cụ đã nâng niu và bọc chúng trong rất nhiều lớp vải. Một báu vật mà cụ đã cho chúng tôi xem và không quên nhắc phải cẩn thận, đó là hình một đầu rồng được khai quật cùng thời điểm những di vật khác. Được tận tay cầm và nghe cụ giới thiệu, tôi cũng cảm nhận được phần nào những dấu tích lịch sử triều đại hằn trên đó.

“Rất nhiều các cô cậu nhà báo lên đây công tác và khách thập phương có dịp hành hương về Yên Bái đều vào thăm chùa kể từ khi chùa được công nhận là Di tích Quốc gia. Và lần nào tôi cũng mang ra cho họ xem hình đầu rồng này cùng những bức ảnh tư liệu về các di vật khảo cổ của khu di tích. Họ rất thích khi được tận mắt nhìn và tận tay được sờ vào hình đầu rồng này”, cụ Hạnh Thường tâm sự. Những di vật khác hiện giờ đều được trưng bày tại bảo tàng của tỉnh Yên Bái, bởi giờ nó đã là những tài sản quý báu không chỉ của người dân Yên Bái mà còn mang những tầm vóc và giá trị lịch sử của cả dân tộc. Bỗng sư thầy Hạnh Thường hỏi chúng tôi: “Các con đã vào hang chùa São chưa?”. Rồi cụ bắt đầu giới thiệu và nhắc nhở chúng tôi nếu đã qua Hắc Y – Đại Cại thì phải qua thăm hang chùa São. Nó là một trong những chùa hang nổi tiếng đẹp và linh thiêng ở Yên Bái. Hang nằm trong vành đai kiến tạo địa chất của vỏ trái đất, quá trình đứt gãy của địa khối Đông Nam, thuộc dãy Phu Sa Phìn cách đây hàng trăm triệu năm. Chùa hang chia làm ba chùa: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Hang trên (tiền đường) có mặt nền tương đối bằng phẳng, có đường thông với trời, sâu hang 32m, rộng hang 38m, cao trần 15 – 18m, diện tích 1.216m2…

Và một hành trình du lịch khám phá

Rời khỏi ngôi chùa nằm ở tả ngạn dòng sông Chảy, theo lời chỉ dẫn của sư thầy Hạnh Thường, chúng tôi đến gặp mẹ Vui là người được chính quyền giao cai quản và giữ gìn cảnh quan khu di tích. Trời đã về cuối ngày nhưng mẹ Vui không ngần ngại, vẫn dẫn chúng tôi vào thăm hang. Mẹ vào trong nhà lấy một con dao và một chiếc đèn pin mang theo. “Đã vào trong hang là không có khái niệm ngày và đêm đâu các con ạ”, mẹ Vui vừa dẫn đường vừa phát cây và nói với chúng tôi.

Quả thật đúng như những gì mẹ nói, chúng tôi đã đến cửa hang sau một hành trình vừa leo núi vừa phát cây trên dọc đường đi. Bước vào hang, chúng tôi gần như lạc vào một trận địa của “bóng đêm”. Không có một chút tia sáng nào lọt vào được trong hang. Tất cả chúng tôi phải dựa vào ánh sáng của chiếc đèn pin du lịch mang theo.

Khám phá “Hoàng thành” Yên Bái 3

Sư chùa Thích Đàm Hạnh Thường cùng các chuyên gia về khảo cổ

đứng cạnh những di vật được khai quật lên tại “Hoàng thành” Yên Bái.

Nhưng khi mẹ Vui bắt đầu chuyển hướng ánh sáng từ chiếc đèn pin soi đường chếch lên trần hang, tôi vô cùng ngạc nhiên bởi một khung cảnh lung linh của những khối nhũ đá trên vòm trần. Những khối nhũ này rủ xuống tạo thành muôn vạn hình thù lạ mắt. Rồi mẹ Vui làm cho sự thích thú của chúng tôi càng tăng lên khi với mỗi hình thù khối nhũ chúng tôi đi qua, mẹ lại kể những câu chuyện dân gian đã được người xưa gắn với nó. Kia là hòn Voi khóc; hòn trái tim yêu thương; hòn mãnh chúa rừng xanh… Mẹ nói ngày xưa, hang chùa São còn là nơi ẩn náu, chạy giặc Pháp, Nhật của bà con quanh vùng này. Ở trong hang, chỉ cần thắp một cây nến nhỏ mà cả đêm không cháy hết do trong hang rất kín gió. Nơi hậu cung là một quần thể những nhũ đá tạo nên các pho tượng Phật với nhiều hình dáng và màu sắc, khiến chúng tôi ngỡ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh… với những cái tên hang rất ấn tượng và cũng không kém phần tâm linh: hang uyên ương; hang Âm phủ…

Chùa hang São được đánh giá không chỉ là một bảo tàng địa chất sống động có giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của các cư dân Việt cổ mà có giá trị khảo cổ học nổi tiếng phía Bắc. Hang São có giá trị về Phật giáo sơ khai ở Yên Bái…Ngoài ra, hang chùa São nằm ở địa đầu của hồ Thác Bà ngay sát bên dòng sông Chảy. Đứng ở hang São, bạn có thể vừa ngắm dòng sông chảy qua dãy núi đá vôi nơi đây như “Hạ Long nổi trên núi” và các đảo xa xa. Trước cửa hang là cánh đồng lúa, những ngôi nhà sàn thấp thoáng của dân tộc Tày – Nùng tạo thành bức tranh thiên nhiên sống động và cuốn hút… Hang chùa São đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp bằng chứng nhận di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 1395/QĐ – UBND ngày 17/9/2009.

Chúng tôi ra khỏi hang chùa São khi trời cũng đã nhá nhem tối. Nhưng cái cảm giác vừa thích thú, vừa trầm trồ lại vừa có chút gì đó rờn rợn vẫn như còn nguyên vẹn trong tôi. Đúng là một chuyến hành trình đầy thú vị và ly kỳ. Hang chùa São là địa điểm cuối cùng chúng tôi đi trong Quần thể di tích Hắc Y – Đại Cại. Mẹ Vui nói với chúng tôi: “Nhiều đoàn khách từ các nơi lên đây lắm con ạ, có những đoàn vì mẹ ốm không dẫn đi được mà họ vẫn quyết tâm tự vào hang khám phá. Và cứ có dịp đến Yên Bái là họ quay trở lại đây”. Lời mẹ Vui như khẳng định thêm những suy nghĩ, cảm nhận trong tôi về hang chùa São nói riêng và Quần thể Hắc Y – Đại Cại nói chung. Đây sẽ là một địa điểm hấp dẫn của tỉnh Yên Bái với bất kỳ du khách nào muốn đi những cuộc hành trình khám phá đầy ly kỳ và thú vị.

Bài, ảnh: DẠ MIÊU

suckhoedoisong.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3437

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Hé mở bí mật mộ táng đất 4.000 năm tuổi

Hé mở bí mật mộ táng đất 4.000 năm tuổi

  • 09/12/2012 16:55
  • 1810

Lần khai quật thứ 7, tại khu di chỉ Đình Tràng (Dục Tú - Đông Anh - Hà Nội) các nhà khảo cổ đã bất ngờ phát hiện ra những mộ táng đất thuộc văn hoá Phùng Nguyên cách đây 4.000 năm