Ngày 7.12, tại TP Quy Nhơn, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Đồn Thứ (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn).
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Chủ trì cuộc khai quật khảo cổ di tích, cho biết cuộc khai quật 5 hố thám sát đã tìm thấy một số dấu tích kiến trúc, hiện vật gốm của Việt Nam và Trung Quốc…; kết quả khảo sát thực trạng di tích kết hợp nghiên cứu dân tộc học, văn hóa dân gian đã cho thấy khu vực Đồn Thứ rộng 1,6 ha, được chia làm hai khu vực: khu phía Nam có diện tích 1 ha là nơi tiến hành các hoạt động tín ngưỡng như lễ cầu an cho người dân miền biên viễn. Khu phía Bắc rộng 0,6 ha là nơi đồn trú đông quân để gìn giữ an ninh cho khu vực.
Kết quả cuộc khai quật ban đầu đã góp phần khẳng định di tích Đồn Thứ nằm trong đoạn Trường Lũy dài 13,7 km chạy qua hai huyện An Lão và huyện Hoài Nhơn, là mắt xích quan trọng trong hệ thống Trường Lũy từ Quảng Ngãi đến Bình Định (tổng chiều dài 127km). Tại buổi báo cáo, các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã đề xuất nên lập hồ sơ riêng cho di tích Đồn Thứ và Trường Lũy ở Bình Định để đề nghị công nhận là di tích quốc gia.