Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/11/2012 08:53 1813
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nghiên cứu một chum tiền cổ với lượng tiền tới 10 kg đã cho thấy phần nào lịch sử thương mại địa phương và việc thông thương ở Tuyên Quang ngày xưa.

Nhóm nghiên cứu gồm thạc sĩ Lê Cảnh Lam (Viện Khảo cổ) và thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải (Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang) cho biết sưu tập tiền đồng này được mua lại của người dân đào tại huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Trước đó, các đồng tiền thuộc một chum tiền. Tuy nhiên, khi bảo tàng thu mua, chum tiền đã không còn nguyên trạng. Các mảnh gốm của chum tiền cũng không còn. “Toàn bộ tiền đã được sửa sơ bộ tách rời từng đồng riêng lẻ. Tổng số có trọng lượng 10 kg”, nhóm nghiên cứu cho hay.

Trong năm 2012, các nhà khảo cổ mới tiến hành tẩy gỉ và đọc được 4 kg trong số trên. Tiền được ngâm tẩm hóa chất tẩy gỉ, chất ức chế gỉ và phủ keo sau đó chụp ảnh, thống kê phân loại. Việc phân loại sơ bộ này được thực hiện trên quan niệm truyền thống về phân loại tiền.

Theo quan niệm truyền thống, những đồng tiền có đường kính 1,8 cm được gọi là tiền gián. Tiền gián mặc dù có niên hiệu thời Tống, Lý, Trần... nhưng được đúc lại sau này vào khoảng từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20.

Những phát hiện khảo cổ 2012 - Chum tiền cổ ở Tuyên Quang
Một số đồng tiền được tìm thấy trong chum tiền Tuyên Quang - Ảnh: Thạc sĩ Lê Cảnh Lam cung cấp

Những đồng có đường kính 2,2 - 2,3 cm gọi là tiền nhỏ bởi kích thước bé và nhẹ hơn so với những đồng chuẩn mực. Loại tiền nhỏ này khó xác định niên đại chính xác thời gian đúc. Muốn kết luận niên đại tiền nhỏ phải căn cứ vào địa tầng, hoàn cảnh phát hiện hoặc bằng phương pháp xác định thành phần hợp kim.

Loại nữa là đồng tiền to, dày, nặng được cho là đúc vào thời gian đúng với niên hiệu.

Việc phân loại theo quan điểm truyền thống này giúp cho nhóm nghiên cứu có tương quan so sánh khi cần với những nhóm tiền khác. Tuy nhiên, thạc sĩ Lê Cảnh Lam cho biết nhóm nghiên cứu cho rằng “hầu hết các đồng tiền này được đúc vào khoảng thế kỷ 18 tại Việt Nam”.

Nhận định ban đầu cho thấy phần lớn thuộc loại tiền gián có đường kính nhỏ khoảng 1,8 cm, mỏng, nhẹ. Số còn lại cỡ lớn hơn một chút, đường kính khoảng 2,2 - 2,3 cm và cũng thuộc loại tiền nhỏ. Các đồng tiền bị gỉ xám trắng nhưng không phải là loại tiền kẽm mà là hợp kim đồng - kẽm. Các đồng tiền đúc nét chữ rất mờ, mỏng. Hầu hết nét chữ không đọc được.

Tổng số tiền là 1.841 đồng. Trong đó, số tiền đọc được là 641 đồng, 1.200 đồng còn lại không đọc được phân vào nhóm không xác định.

Tiền nhỏ, ý nghĩa lớn

Nghiên cứu của các nhà khảo cổ cho thấy trong số 4 kg tiền với tổng cộng 25 loại tiền, có tới 21 loại tiền mang niên hiệu Trung Quốc. Chúng chủ yếu mang niên hiệu thời Tống, không có tiền thời Nguyên. Đầu thời Minh chỉ có 2 loại Hồng Vũ và Vĩnh Lạc (1403-1424).

Tiền mang niên hiệu Việt Nam có 4 loại từ thời Lý đến thời Trần (1379). Chưa thấy có tiền thời Lê, Nguyễn. “Như vậy đồng tiền có niên đại muộn nhất là Vĩnh Lạc thông bảo (1403-1424) có thể là niên đại của sưu tập này”, thạc sĩ Lê Cảnh Lam nói.

Đặc biệt, việc sưu tập tiền được phát hiện từ cùng một chum có ý nghĩa rất lớn. Do không phải thu nhặt từ nhiều nơi nên tính chất niên đại của tổng thể các đồng tiền mang lại cơ sở để nghiên cứu sâu hơn về tiền cổ. Có hai vấn đề nảy sinh. Một là, liệu có phải hiện tượng tiền gián và tiền nhỏ xuất hiện vào giai đoạn muộn khoảng thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 hay không. Hai là, liệu có phải Việt Nam luôn đúc phỏng tiền nhỏ hơn của thời Đường như đồng Khai Nguyên thông bảo cỡ nhỏ và tất cả các đồng tiền ở sưu tập này.

Với hai câu hỏi trên, bộ sưu tập này cũng cho thấy việc nhận định niên đại sản xuất bằng phương pháp đọc chữ và xem xét hình dáng chưa có tính thuyết phục khoa học. Trong khi đây cũng chính là cách nhận định niên đại trong các tài liệu tham khảo về tiền cổ hiện nay. Hầu hết đều dựa vào các sưu tập của tư nhân, cách nhận định này cho rằng chỉ những đồng tiền to, dày mới là tiền đương đại đúng với niên hiệu của chúng.

Trước khi có câu hỏi này của nhóm nghiên cứu tiền Tuyên Quang, thực tiễn khảo cổ học cũng cho thấy xác định niên đại đúc qua kích cỡ, chữ không phải lúc nào cũng đúng. Còn nhớ tại địa điểm khai quật 62-64 Trần Phú, Hà Nội khai quật năm 2008 với diện tích 2.800 m2, đã thu được 460 đồng tiền có niên hiệu từ Ngũ Thù (Trung Quốc) đến Minh Mạng (Việt Nam). Các đồng tiền này nằm ở địa tầng sâu chứa các di vật gốm sứ thời Lý, Trần nhưng cũng có kích thước nhỏ hơn các loại tiền to chuẩn mực. Do đó để xác định được niên đại đúc tiền cần áp dụng phương pháp phân tích thành phần hợp kim và các phân tích địa tầng, niên đại tuyệt đối của các di vật kèm theo nếu có thể.

Chính vì thế, nếu có thể, nhóm nghiên cứu dự định nghiên cứu phần nào các phương pháp phân tích thành phần hợp kim, địa tầng, di vật kèm theo để so sánh với kết quả phân loại truyền thống.

Do đặc điểm các đồng tiền trong sưu tập này có kích thước nhỏ nhưng lại mang niên hiệu Tống, Lý, Trần nên là nguồn tư liệu rất quý để nghiên cứu chuyên sâu về loại hình tiền gián bằng nhiều cách tiếp cận khoa học. Qua đó việc nghiên cứu sẽ góp phần đánh giá lịch sử thương mại của địa phương. Chẳng hạn, nó cho thấy việc thông thương tại Tuyên Quang đã diễn ra như thế nào.

Trinh Nguyễn

thanhnien.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3418

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Những phát hiện khảo cổ 2012: Bát đĩa Phật giáo ở Hoàng thành

Những phát hiện khảo cổ 2012: Bát đĩa Phật giáo ở Hoàng thành

  • 20/11/2012 08:17
  • 1667

Một loại bát đĩa sứ có hình dáng 8 cạnh, trong lòng in 8 chữ Hán được cho là đồ dùng trong Hoàng cung và có liên quan đến Phật giáo.