Chiều ngày 17/11, Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế cho biết: Cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tiếp tục tìm kiếm tại khu vực có 2 tấm bia đã được phát hiện, tìm được thêm một tấm bia khắc bài thơ Tây lãnh thang hoằng của vua Thiệu Trị.
Đây là tấm bia có kiểu dáng, kích thước, trang trí hoàn toàn giống với các bia thơ ghi thắng cảnh hiện còn ở Huế như bia Hương Giang hiểu phiếm (đặt cạnh Phu Văn Lâu), bia Huỳnh tự thư thanh (đặt trong sân Quốc Tử Giám)...
Tấm bia Tây lãnh thang hoằng mới được phát hiện
Tấm bia mới phát hiện được làm bằng đá Thanh, còn khá nguyên vẹn. Thân bia cao 1,2m, rộng 52cm; lòng bia cao 68cm, rộng 32cm; bệ bia cao 26cm, rộng 49cm, dài 72cm. Trán bia chạm trổ hình rồng ngang; hai bên thân bia, tai bia đều chạm hoa văn hoa lá; bệ bia chạm hoa văn kỹ hà cách điệu. Kiểu thức chạm trổ trên bia đều theo mô-tip bia cung đình. Lòng bia khắc chữ Hán toàn văn bài dẫn, giới thiệu về vị trí, đặc điểm của suối nước nóng ở Tả Trạch và khắc bài thơ thất ngôn bát cú đường luật của vua Thiệu Trị đề vịnh suối nước nóng này. Kết thúc nội dung bia là các chữ ghi niên đại: Thiệu Trị tam niên nhuận, thất nguyệt, cát nhật (ngày tốt, tháng 7 nhuận, năm Thiệu Trị thứ ba). Ở phần cuối bia còn khắc các chữ Thần Kinh đệ nhị thập cảnh (thắng cảnh thứ 20 của đất Thần Kinh).
Theo những tư liệu trong sách “Thần Kinh nhị thập cảnh”, thơ của vua Thiệu Trị do Trung tâm BTDT Cố đô Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa phối hợp cùng nhóm tác giả Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung, thực hiện vào năm 1997 ở trang 257 và 258 có đoạn viết: Năm 1837, Ninh Thuận Công Miên Nghi trong một lần đến đây săn bắn đã phát hiện ra vũng nước này (địa điểm vừa phát hiện 2 tấm bia cổ) và về báo với vua Minh Mạng. Vua đã sai lang trung Bộ Công là Vũ Trọng Đại đi điều tra tình hình và vẽ bản đồ dâng lên. Sau đó nhà Vua lại thân hành đến tận nơi xem xét. Vua sai lấy cây bắt ngang qua mặt nước để đứng trên đào sâu xuống tìm hiểu căn do. Lạ thay, càng đào xuống sâu xuống nước bùn càng cuồn cuộn phun lên, nhưng khi dừng lại để đo thì mực nước sâu 7 đến 8 gang tấc như cũ. Trước khi đào nước chảy ra gần nguồn sông thì nguội hẳn và có vị ngon. Vua Minh Mạng cho đây là một hiện tượng rất kỳ dị và bảo với thị thần rằng: Nước không có lửa đun mà nóng đấy thực sự là một điều lạ lùng của trời đất tạo hóa. Sau đó vua làm bài thơ lấy tựa là Thang Hoàng Ký. Đến đời Thiệu Trị nhà vua lại có dịp lên đây ngoạn du thưởng cảnh. Nhớ lại năm xưa khi còn là Hoàng Tử được theo hầu vua cha đến xem vũng nước nóng, Vua Thiệu Trị đã làm bài thơ Tây Lãnh Thang Hoằng trong đó có đoạn: Cố phục bồi du ức tích niên, / Thừa nhan bác lãm chí kim truyền. / Nhất hoằng ủng súc chưng dương hoả, / Vạn trượng phi xung thược thuỷ yên. / Bất hạ Phùng Di thường dũng phất, / Mạn giao Hồi Lộc dịu ngao tiên. / Kham dư chung dục thuỳ linh tích, / Dược thạch hư đàm khủng vị nhiên. Dịch thơ: Theo phụ hoàng xưa, tuổi tráng niên, / Mà nay cảnh cũ vẫn lưu truyền. / Một dòng suối nhỏ đà đun nóng, / Vạn trượng hơi mờ lại bốc lên. / Phùng Di khiến nước sôi muôn chốn, / Hồi Lộc mang hơi toả khắp miền. / Tạo hoá linh thiêng ban dấu tích, / Nước này kỳ diệu thuốc thiên nhiên.
Như vậy, ngoài ba tấm bia đã được tìm thấy, vẫn còn một bia cổ nữa là bia Thanh Giản (khe trong) được dựng thời Minh Mạng sẽ được Trung tâm tiếp tục tìm kiếm để đưa về Bảo tàng nhằm bảo quản và phục vụ công tác bảo tồn, trưng bày trước khi hồ Tả Trạch tích nước vào cuối năm nay.
THUẬN HÓA