Báo cáo tại Hội nghị Thông báo khảo cổ học 2012 cho biết, tại Phong Lệ, lần đầu tiên đã khai quật được “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với những di tích đã biết.
Hố thiêng được tìm thấy ở Phong Lệ - Ảnh: tư liệu
Cách quốc lộ 1 khoảng vài trăm mét về phía đông, khu di tích Phong Lệ thuộc Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng. Nghiên cứu cho biết đây là nơi cách đây hơn 100 năm, ông C.Paris - chủ đồn điền - thu được một số tác phẩm điêu khắc đá rồi đưa về công viên Tourane (Đà Nẵng). Sau đó, chúng được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng H.Parmentier, nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Còn địa điểm khảo cổ Chàm Phong Lệ thì bị bỏ hoang phế và bị xâm hại nặng nề. Những xâm hại này còn nặng nề hơn khi hợp tác xã nông nghiệp của địa phương đã san ủi một phần khu di tích làm trại chăn nuôi và một số hộ dân cũng về đây cư trú. Họ đều không biết mình đã và đang ở trong một khu di tích khảo cổ học quan trọng.
Khai quật năm 2012 tại khu di tích Phong Lệ chính là tiếp nối của cuộc khai quật tháng 3 năm ngoái. Còn nhớ, cuộc khai quật năm 2011 vốn là khai quật sửa chữa khi nhân dân địa phương đã vô tình làm lộ 3 tác phẩm điêu khắc nghệ thuật bằng đá và 1 mảng chân móng tường gạch Chàm lúc làm nhà. Năm nay, các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội khai quật thêm 4 hố với tổng diện tích gần 300 m2.
Trong số 4 hố được đào, hố khai quật quan trọng nhất nhằm vào di tích tháp Trung tâm, cũng là di tích quan trọng nhất. Hố được mở với diện tích khoảng 250 m2, nối thông hai hố của đợt khai quật 2011. Nhóm nghiên cứu cho biết, sau khi bốc dỡ hết phần đất và gạch vỡ đổ nát (dày từ 0,6 - 1,2 m) ở nửa phía nam và một phần ở nửa phía bắc của gò cao thì toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của một tòa tháp Chàm rất lớn đã lộ ra khá rõ ràng và chính xác.
“Nền móng có bình đồ gần hình chữ thập, phần cửa chính quay về hướng đông và 3 cửa giả quay về các hướng còn lại”, báo cáo khảo cổ cho biết. “Bề mặt của nền móng khá bằng phẳng, được tạo bởi lớp gạch vụn đầm rất chắc, dày khoảng 10 cm. Phía trên lớp gạch vụn đầm là những lớp gạch viên được mài và gắn kết với nhau rất cẩn thận. Tuy nhiên, hầu hết những lớp gạch viên đã bị bóc dỡ mất từ lâu, chỉ còn lại một số mảng nhỏ. Trong đó có mảng dày nhất cũng chỉ còn 4 lớp”.
Hố thiêng
Tại trung tâm của nền móng tháp có một hố vuông. Đoàn khảo cổ quy ước gọi là hố thiêng. Đây cũng chính là điểm các nhà khảo cổ đánh giá như một điểm nhấn trong kết quả khai quật tại Phong Lệ. Mặt trên của hố thiêng ngang bằng với mặt bằng chung phía trên của nền móng tháp. Tường hố được xây rất cẩn thận bằng gạch viên.
Lòng hố thiêng được chia thành nhiều lớp với cấu tạo khác nhau. Trên cùng là 3 lớp gạch viên được mài, gọt và xây ghép cẩn thận. Tiếp theo là lớp gạch vụn đầm, dày khoảng 3-4 cm. Lớp tiếp dày khoảng 1,6 m gồm cuội và cát trắng. Phần lớn cuội có kích thước lớn, thậm chí dài tới 20-30 cm, hình dáng không xác định.
Chính giữa hố có lỗ tròn đường kính khoảng 1 m. Trong lỗ là gạch lộn xộn lẫn với đất, cuội và cát. Đáy lỗ có vòng tròn được xếp bằng nhiều viên cuội hình trứng khá đẹp, kích thước khá đều đặn lẫn với thạch anh trắng. Căn cứ vào xê dịch của cuội, các nhà nghiên cứu cho rằng người ta đã đào bới để tìm cổ vật quý.
Ăn sâu vào vách tường hố còn có những ô nhỏ hình tháp. Mỗi ô được chia làm 2 phần, ngăn cách bởi gạch vuông. Trên viên gạch vuông thường là những viên thạch anh nhỏ, phía dưới là một viên cuội granit hình trứng dựng đứng.
Nhận định về cuộc khai quật, nhóm nghiên cứu đánh giá, nó đã làm lộ ra khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của một tòa tháp Chàm rất lớn. Đặc biệt, lần đầu tiên đã khai quật được một hố thiêng có bố cục hoàn toàn khác lạ với những di tích đã biết.
Về kết quả thu được khi nghiên cứu hố thiêng này, một PGS-TS khảo cổ học giấu tên cho biết: “Khai quật trong lòng tháp là điều lâu nay chưa ai làm. Chính vì thế, phát hiện về cấu trúc hố thiêng là một phát hiện rất mới. Trước đó, chưa ai đi sâu vào lòng tháp Chăm như thế để thấy được cấu trúc cụ thể của nó”.
Những hiện vật thu được tuy là những viên cuội granite hình trứng, những viên gạch vuông, những viên thạch anh trắng... nhưng cũng đặt ra cho các nhà khảo cổ câu hỏi về tín ngưỡng tôn giáo, về quy mô của toàn bộ khu di tích, về ý nghĩa của khu di tích trong đời sống vật chất và tinh thần của người Chăm xưa...
“Những điều đó cũng đặt lên vai chúng ta những trách nhiệm nặng nề là phải nghiên cứu khu di tích này như thế nào và phải sử dụng kết quả nghiên cứu ấy ra sao… Để có thể trả lời được phần nào những câu hỏi đó, chúng ta cần phải có một dự án nghiên cứu lâu dài và cụ thể trong tương lai”, nhóm khai quật kết luận.
Trinh Nguyễn