“Sau cuộc khai quật năm 2012, nếu không mở rộng không gian nghiên cứu của cụm Tháp Hòa Lai, nó sẽ như người trong chiếc áo quá chật”, PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, nói.
Sau 6 năm kể từ cuộc khai quật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, các nhà khảo cổ của Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ lại tiếp tục khai quật ở cụm tháp Hòa Lai. Cuộc khai quật có mục đích làm xuất lộ cấu trúc tổng thể của khu di tích. Hiểu biết đó sẽ tạo cơ sở cho việc trùng tu tôn tạo hoàn chỉnh khu di tích Hòa Lai sau một thời gian gián đoạn do chưa đủ tư liệu. Tổng diện tích khai quật đợt này gồm 875 m2.
Khai quật khu vực tháp Bắc đã làm xuất lộ 1 tháp cổng và 3 đơn nguyên kiến trúc khác. Trong đó có hai đơn nguyên kiến trúc khá giống nhau, chỉ chênh lệch nhau về kích cỡ. Chúng có dạng hình giống một yoni, phần chính giữa có dạng gần vuông, bên trên có sàn gạch lát bằng phẳng. Phần cửa xây nối thêm quay về phía đông và có tạo các phân bậc thấp dần. Các cạnh của kiến trúc này gần như xây thẳng, bên dưới có các khối đá gia cố móng. Có thể đây là dạng kiến trúc mở (lộ thiên), không xây tường cao. Tại khu vực phân định giới hạn tháp Bắc - tháp Giữa có một đoạn tường dài chạy theo trục đông tây, được phỏng đoán là phế tích của một kiến trúc dạng nhà dài.
Tại khu vực tháp giữa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một phần đường dẫn xây bằng gạch từ tháp cổng dẫn vào cửa chính ngôi tháp có cấu trúc gạch xếp thành ba bậc. Họ cũng tìm thấy một kiến trúc có cửa quay về hướng tây, có dạng gần giống hình yoni, hai bên lối vào còn lại 4 lớp gạch trang trí hình chim thần Garuda. Phía nam của tháp giữa, nhóm nghiên cứu tìm thấy một kiến trúc nhà dài, còn lại 9 lớp gạch trang trí hình chim thần Garuda, một vài mảng tường trang trí khác có hình tượng Ganesa. Như vậy, nhà dài được thiết kế có mặt trang trí hình tượng Ganesa và chim thần Garuda hướng về phía tháp Giữa.
“Phần chân tháp Giữa được xây bẻ góc giật cấp nhiều bậc và được trang trí hình chim thần Garuda, hình tượng Ganesa là một khác biệt quan trọng so với tháp Nam và tháp Bắc. Những công trình kiến trúc phụ xây dựng xung quanh tháp giữa cũng nhiều hơn so với những tháp còn lại. Rõ ràng tháp Giữa có vai trò rất quan trọng trong tổng thể quy hoạch của cụm tháp Hòa Lai”, ông Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, tại phần tháp Nam, bề mặt đường dẫn bị hư hỏng nhiều, kiến trúc phụ còn lại nơi góc Đông Nam cũng chỉ cao khoảng 60 cm. “Khả năng tháp Nam còn một số kiến trúc khác nhưng do bị phá, dọc theo khu vực phía nam của tháp còn xuất lộ nhiều sàn gạch phẳng nhưng chưa có điều kiện khai quật trong đợt này”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Khai quật cụm tháp Hòa Lai - Ảnh: Trung tâm nghiên cứu cung cấp |
Diện mạo mới
H.Parmentier đã công bố bản vẽ hiện trạng khu tháp này vào năm 1909-1918. Hơn 100 năm qua đi, các nghiên cứu cũng chỉ dừng lại ở đó trong khi thời gian vẫn tiếp tục làm mờ và phá hủy di tích. So với tư liệu của Parmentier, kết quả khai quật 2012 có nhiều điểm mới. Đó là cấu trúc móng tháp Giữa được xuất lộ với một đai bó chân tháp có trang trí hình chim thần Garuda, tượng Ganesa, Sư tử và các đường băng gồm nhiều đường rãnh ngang dọc… Ngoài ra, từ cuộc khai quật này còn xuất lộ tháp thờ trước tháp Giữa và hai góc của tường bao quanh tháp. Nó cũng làm xuất lộ một hệ thống các kiến trúc ở cả ba tháp trong đó tập trung các kiến trúc ở tháp Giữa.
Công trình khai quật vẫn chưa hoàn chỉnh nhưng cũng thấy rằng tháp Giữa có vị trí rất quan trọng trong quy hoạch tổng thể của khu di tích Hòa Lai, từ việc trang trí chân tháp đến các công trình phụ kèm theo nó. “Đây cũng là nét khác biệt so với các cụm có thiết kế ba tháp như Chiên Đàn, Khương Mỹ tại Quảng Nam, Dương Long tại Bình Định”, ông Hoàng nói.
Nhìn chung, mặt bằng tổng thể của khu di tích sau cuộc khai quật 2012 đã làm xuất lộ một hệ thống các kiến trúc liên hoàn chưa được phát hiện trước đây. Tuy nhiên, do chưa có khai quật toàn diện nên rất cần tiếp tục khai quật và nghiên cứu một cách đầy đủ hơn.
Điểm du lịch lý tưởng
Hòa Lai là một trong ba khu di tích Chămpa quan trọng nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đại diện cho ba giai đoạn phát triển gần như nối tiếp nhau, ba khu di tích này có khoảng cách gần bằng nhau tính từ trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Trong đó tháp Po Klong - Garai còn khá nguyên vẹn và là một địa chỉ văn hóa du lịch. Tháp Po rome đang được trùng tu tôn tạo, là nơi hằng năm cộng đồng người Chăm về tổ chức lễ hội Kate quy tụ hàng ngàn người. Như vậy, xét trên quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích thì cả hai khu di tích trên đã đạt được những kết quả nhất định. Chỉ còn Hòa Lai chưa trở thành điểm đến lý tưởng, dù theo khảo sát có nhiều người quan tâm.
Hòa Lai sau cuộc khai quật năm 2012 đã xuất lộ một hệ thống các kiến trúc phụ bên cạnh các ngôi tháp, mà ngay từ khi H.Parmentier đến đây vẫn còn chìm khuất trong lòng đất sau hơn 1.000 năm hoang phế. Có thể nói cuộc khai quật năm 2012 đã trả lại giá trị nguyên gốc cho di tích, làm bất ngờ nhiều nhà khoa học và những ai quan tâm đến nó. “Giá trị này cho thấy, quy hoạch hiện nay không thể gói trọn được không gian kiến trúc di tích. Nếu cứ giữ không gian này sau những gì mà khảo cổ làm xuất lộ thì Hòa Lai như phải mặc một chiếc áo quá hẹp cho chính nó. Do đó, cần có một không gian rộng hơn để có thể hoạch định được công tác bảo tồn và đặc biệt là phát huy giá trị khu di tích sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn”, các nhà khoa học kiến nghị. Theo đó, nên mở rộng khu di tích này về phía đông 100 m, phía bắc và nam mỗi bên khoảng 50 m. Mở rộng khu di tích sẽ gói trọn nội hàm văn hóa mà nó vốn có. Mở rộng cũng tạo không gian quy hoạch các công trình phụ phục vụ tham quan du lịch, góp phần xã hội hóa công tác bảo tồn di tích.
Trinh Nguyễn