Thứ Hai, 24/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/10/2012 15:10 2617
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Theo đề nghị tại Công văn số 2121/SVHTTDL-NVVH ngày 21/9/2012 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh đề nghị giám định “cổ vật” là chiếc hộp kim loại màu vàng phát hiện tại khu vực Suối 1, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh;

Thực hiện nội dung Công văn số 598/DSVH-DT ngày 26/9/2012 của Cục Di sản văn hóa về việc giám định cổ vật phát hiện tại khu vực Suối 1, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh;

Ngày 09/10/2012 tại Ủy ban nhân dân huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, với sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, Công an tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Đông Triều, Hội đồng Giám định cổ vật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành giám định chiếc hộp kim loại màu vàng nói trên.

Hội đồng Giám định cổ vật Bộ VHTTDL do PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám định cổ vật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn gồm có PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Ông Nguyễn Viết Cường, Chuyên viên Cục Di sản Văn hóa - Thư ký Hội đồng và Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng Phòng kỹ thuật, Công ty vàng bạc đá quý Hạ Long.

Hội đồng đã tiến hành giám định chiếc hộp kim loại màu vàng phát hiện tại khu vực Suối 1, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh do Ủy ban nhân dân huyện Đông Triều đang quản lý, bảo quản.

Các thành viên tham gia Hội đồng đã nghiên cứu, trao đổi ý kiến, nhận xét về các vấn đề chất liệu, kỹ thuật chế tạo, niên đại, giá trị lịch sử, nghệ thuật và khoa học của hiện vật.

Chiếc hộp này được chế tạo bằng kim loại vàng (trên 90%), có pha 1 ít kim loại khác nên hộp khá cứng (Theo chuyên gia giám định vàng bạc đá quý Hạ Long).

Hộp vàng gồm 2 phần lắp khớp lại, phần dưới (thân) và phần trên (nắp). Gờ miệng của thân hộp khớp với phần nắp hộp, khi đậy nắp, hộp có hình một bông sen nở. Phần dưới (thân) hộp mang hình chiếc bát chia thành 11 múi nổi đều nhau hình cánh sen, chân đế choãi cũng tạo 11 múi nổi đều nhau. Trên mỗi múi nổi chạm hình 2 bông hoa chanh 4 cánh trong khung chữ nhật có viền chấm nổi. Trong lòng và đáy của chân đế phẳng. Phần trên (nắp) cũng chia đều 11 múi hình mũi sen, trên mỗi múi chạm 01 bông hoa chanh 4 cánh tương tự như ở phần thân hộp. Phía trên có một băng 11 cánh sen nổi. Tính từ tâm của nắp trở ra có 05 băng hoa văn nổi gồm hoa văn cánh sen và chấm nổi xen giữa các đường chỉ nổi. Chính giữa nắp có dấu lõm, có thể là dấu vết gắn của một vật nhỏ làm núm (nay đã mất).

Kỹ thuật chế tạo: Hộp vàng được chế tác bằng tay theo khuôn cứng sau đó gò dập rồi chạm tay các chi tiết hoa văn với kỹ thuật rất tinh xảo. Giữa chân đế và thân, viền miệng trong và ngoài có dấu tích phản ánh kỹ thuật hàn ghép.

Trọng lượng: Hộp vàng nặng 15,05 chỉ, tương đương 56,44gram.

Kích thước của hộp:

+ Phần dưới (thân): đường kính miệng trong: 4,8cm; đường kính miệng ngoài: 5,1cm; đường kính đế: 3,5cm.

+ Phần trên (nắp): đường kính nắp hộp: 5,1cm.

Niên đại của hộp: qua so sánh phong cách trang trí trên hộp, đặc biệt với băng hoa văn cánh sen nổi và loại văn hoa chanh, đường viền chấm nổi thường gặp trên các loại cổ vật bằng gốm men và đá thời Trần. Hội đồng cho rằng chiếc hộp vàng này được chế tạo vào thời Trần (thế kỷ 13 - 14).

Như vậy, chiếc hộp hoa sen bằng vàng này thuộc thời Trần, lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam. Hình dáng và trang trí của hộp phản ánh kỹ thuật chế tác đồ kim hoàn với trình độ cao của những người thợ thủ công Đại Việt lúc đó. Hoa văn trên hộp vàng này cũng cho thấy sự ảnh hưởng của nghệ thuật phật giáo khá phổ biến ở thời Trần. Chiếc hộp vàng này được phát hiện tại Đông Triều - Trung tâm văn hóa - lịch sử đặc biệt quan trọng dưới thời Trần. Vì vậy, đây là cổ vật rất có giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học.

Căn cứ vào các giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, khoa học của chiếc hộp vàng nói trên, Hội đồng Giám định cổ vật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương thực hiện một số việc sau:

+ Triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt chiếc hộp vàng nói trên.

+ Thực hiện việc bàn giao chiếc hộp vàng cho cơ quan chuyên môn lưu giữ, bảo quản để phát huy giá trị theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 41, khoản 1 Điều 43 và Điều 45 Luật di sản văn hoá năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Nguyễn Đình Chiến

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3886

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Phát hiện bức tường cổ của người Chăm từ thế kỷ thứ 8

Phát hiện bức tường cổ của người Chăm từ thế kỷ thứ 8

  • 13/10/2012 10:57
  • 2029

Hôm qua 12.10, Bảo tàng Bình Thuận đã có báo cáo gửi Bộ VH-TT-DL về việc 2 bức tường cổ chôn sâu dưới lòng đất được phát hiện (ảnh) trong khi thi công công trình bảo vệ tháp Pô Tằm của người Chăm (xã Phú Lạc, H.Tuy Phong).