Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/10/2012 11:34 2293
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Kết quả khai quật sơ bộ tại di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) mới đây đã được thông báo tại Hội nghị Khảo cổ học lần thứ 47 diễn ra tại Hà Nội. Cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Trường Đại học Wiscosin - Madison của Mỹ tiến hành đã cho thấy nhiều phát hiện mới về Thành Ngoại Cổ Loa.
Di tích lịch sử Cổ Loa

Cụ thể, khi khai quật Thành Ngoại, các nhà khoa học phát hiện nhiều di vật như 300 mảnh ngói, đồ đá, 70 mảnh gốm tráng men, 95 mảnh đồ sành. Riêng di vật gốm tráng men thời Lê Trung Hưng chiếm 87,1%. Cùng với nguồn sử liệu thành văn, kết hợp với dữ liệu hiện vật khảo cổ học thu được từ lần khai quật lũy, hào Thành Trung năm 2007 -2008 và khai quật Thành Ngoại gần đây, bước đầu góp phần làm sáng tỏ về lũy, hào của cư dân giai đoạn Đông Sơn (muộn) ở Cổ Loa - giai đoạn đắp thành thời An Dương Vương và các lần đắp thêm ở hai vòng Thành Trung, Thành Ngoại vào giai đoạn lịch sử cụ thể. Một trong những lần đắp thành đó thuộc thời Lê.

Căn cứ vào sự riêng biệt của các lớp đất, bước đầu các nhà khoa học đưa ra nhận định 4 giai đoạn đắp thành lũy và 2 giai đoạn đắp thêm thành như sau: giai đoạn một, đắp nền đất và được để một thời gian khá dài. Giai đoạn hai đắp đất về cả hai phía Bắc - Nam rộng 14,18m, cao 114cm so với mặt nền đất. Giai đoạn ba đắp đất từ một phần ở đỉnh của giai đoạn đắp thành lần thứ hai về phía Bắc rộng 13,46m, cao 60cm so với đỉnh giai đoạn hai. Trong giai đoạn này khi đắp có lẫn mảnh ngói Cổ Loa ở rìa ngoài chân thành về phía Bắc. Và giai đoạn bốn đắp lớp đất từ một phần giai đoạn ba về phía Nam rộng 11,08m, cao 25cm so với đỉnh giai đoạn ba. Gần phần chân của giai đoạn này về phía Nam có lẫn một số mảnh ngói Cổ Loa.

Kết quả khai quật cũng cho thấy: đắp thêm thành, lũy lần thứ nhất mà cụ thể đắp đất phủ lên giai đoạn ba về phía Bắc và giai đoạn bốn về phía Nam. Trong giai đoạn tu sửa này được gia cố nhiều đá và ngói Cổ Loa ở chân thành về phía Nam. Đắp thêm thành lũy lần thứ hai đắp thêm cả hai phía Bắc và Nam. Diện tích lần gia cố này như thành hiện tại, rộng 26m, cao 250cm so với mặt nền đất.

Được biết, trước đó cuối tháng 7-2012, Bộ VHTT&DL đã ký quyết định cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật tại Thành Ngoại Cổ Loa. Tổng diện tích đợt khai quật lên tới 300m2, thời gian tiến hành trong vòng hơn 1 tháng, nhằm làm rõ hơn nữa các hình thái kiến trúc của thành Cổ Loa xưa cũng như cuộc sống của cư dân Việt cổ.

Trong suốt 50 năm qua, di tích này luôn là mảnh đất hàm chứa nhiều bí ẩn. Đã có không ít cuộc khai quật từng được thực hiện tại di chỉ Đồng Vông, Xuân Kiều, Bãi Mèn, Bãi Sặt, Đình Tràng, Đường Mây và cả các cuộc khai quật được thực hiện tại Thành Nội.

Khu di tích thành Cổ Loa được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia từ năm 1962. Mới đây, Di tích lịch sử Cổ Loa nằm trong danh sách 11 di tích được Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trong cả nước. Hiện trong thành Cổ Loa đang lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn với truyền thuyết An Dương Vương như đền thờ An Dương Vương, khu đình Ngự triều Di Qui, am thờ Mỵ Châu… và các di tích gắn với thời kỳ Ngô Quyền. Trong tương lai không xa, khu di tích Cổ Loa sẽ được xây dựng thành "Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn” của Thủ đô Hà Nội với với quy mô khoảng 860ha.

Mỹ Thuận

daidoanket.vn

Chia sẻ: