Thứ Sáu, 24/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/10/2012 20:58 1894
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ở Việt Nam chưa có đội ngũ khảo cổ học dưới nước, khi có vụ việc, chúng ta chỉ giải quyết theo tình thế.

Đầu tháng 9 vừa qua, vụ việc hàng trăm người dân ở Quảng Ngãi đổ xô đi vớt cổ vật bất chấp luật pháp, bất chấp lực lượng an ninh đã gây đau xót trong dư luận. Đau xót bởi người dân không có trình độ khảo cổ, khi tự ý trục vớt, đã làm hư hỏng nhiều cổ vật. Đau xót bởi khi người dân xâm phạm, giá trị lịch sử của không gian khảo cổ sẽ bị biến đổi. Trước thực trạng đáng buồn này, những người quan tâm không khỏi băn khoăn với câu hỏi: lực lượng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam bao giờ mới có?

Khảo cổ theo vụ việc, nhỏ lẻ

Là đất nước có hơn 3200 km bờ biển, tuy nhiên, ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam vẫn chưa có. Trong khi, cả thế giới và khu vực đang ồ ạt hướng ra biển thì ở ta, việc khai quật, khảo cổ học dưới nước mới chỉ dừng ở việc giải quyết theo từng vụ việc nhỏ lẻ.

Thực trạng thiếu đội ngũ khảo cổ học dưới nước là nguyên nhân của nạn “chảy máu cổ vật” khi hầu hết các cổ vật dưới nước đều do người dân tự phát hiện, tự trục vớt và mua bán (Ảnh: Internet)

Ông Vũ Quốc Hiền- Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia (trước là Bảo tàng lịch sử Việt Nam) cho biết: “Phần lớn những cuộc khai quật các con tàu đắm mà Bảo tàng lịch sử Việt Nam khai quật trước đây đều là nơi gần bờ, do ngư dân vô tình phát hiện. Từ đó, bảo tàng tiếp quản rồi thuê phương tiện, thuê người nước ngoài giúp khai quật”.

Theo ông Hiền thì nước ta chưa có đội ngũ khảo cổ học dưới nước. Điều đó là “rất rất muộn”. PGS. TS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam) cũng khẳng định: “Khảo cổ học dưới nước chưa có gì cả, chỉ làm theo tình thế, có gì làm đó. Bởi vậy, khi phát hiện tàu cổ vật ở Quãng Ngãi, nhiều hình ảnh đau xót với người làm khảo cổ chúng tôi khi người dân ồ ạt khai thác, sản phẩm đưa lên hoặc vỡ, hoặc không nguyên vẹn”.

Đồng quan điểm này, TS Trần Quý Thịnh- Viện Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ: “Các nhà khảo cổ học cảnh báo vấn đề về khảo cổ học dưới nước lâu rồi nhưng chúng ta vẫn chưa có hành động gì. Khi các nước trên thế giới có cả chiến lược nghiên cứu về biển thì Việt Nam chưa có đội ngũ khảo cổ học dưới nước”.

Ông Thịnh cũng chia sẻ: “Câu chuyện cổ vật ở Quảng Ngãi là ví dụ, nếu không, chúng ta sẽ vẫn cứ mất di sản. Nếu có đội ngũ khảo cổ học dưới nước, khi phát hiện, chúng ta tổ chức trục vớt ngay. Giờ chúng ta có ai đâu, khi có việc thì phải thuê người, phải đấu thầu. Đến khi đấu thầu xong (thời gian khoảng 2 tháng) thì đồ vật sẽ thất thoát hết. Cái chính nữa khảo cổ là phải nguyên vẹn, từng cen-ti-met ở con tàu đó nói lên rất nhiều điều, giờ nó đã bị bới tung, bị vỡ ra thì còn gì để khảo cổ, để nghiên cứu”.

Đây cũng nguyên nhân của nạn “chảy máu cổ vật” khi hầu hết, các cổ vật dưới nước đều do người dân tự phát hiện, tự trục vớt và mua bán.

Cần một chiến lược đào tạo

Nguồn nhân lực cho ngành khảo cổ học dưới nước đã được đào tạo song vẫn nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp. Hơn nữa, do chưa có một cơ quan độc lập nên nhiều cán bộ được đào tạo về lại chuyển sang làm ngành khác.

TS Trần Quý Thịnh cho biết: “Nhu cầu có cơ quan nghiên cứu sử học dưới nước là quá cần thiết rồi, chỉ có vấn đề là các nhà lãnh đạo có quan tâm hay không, và có cấp kinh phí cho để làm hay không. Những năm đầu thập niên 2000, Viện khảo cổ có cử cán bộ sang Úc nghiên cứu sinh để nghiên cứu về khảo cổ học dưới nước. Nhưng sau đó anh ấy trở về thất nghiệp phải đi làm ở Bảo tàng Lịch sử. Hằng năm, ở ta cũng có những người đi Hàn Quốc thực tập, nghiên cứu học tập với ý định thành lập Trung tâm nghiên văn hóa biển thuộc Bảo tàng lịch sử. Tuy nhiên, một đội ngũ người làm khảo cổ dưới nước thì vẫn chưa có”.

Để đào tạo được đội ngũ khảo cổ học dưới nước không đơn giản. Bởi đây là một lĩnh vực đặc thù. Khảo cổ học dưới nước không đơn thuần là lặn xuống nước lấy cổ vật. Ngoài con người thì phải có cả phương tiện, muốn có phương tiện thì phải có kinh phí… Điều này, đòi hỏi phải có một sự đầu tư lớn, đồng bộ. Theo ông Vũ Quốc Hiền thì: “Chúng ta quan tâm, cử cán bộ tham gia hội thảo, tập huấn ở nước ngoài về chuyện này nhiều lần rồi nhưng do kinh phí nên chưa bao quát được hết. Cán bộ chưa chuyên nghiệp, phải được đào tạo bài bản mới làm được chứ tập huấn thì chưa đủ. Vì không có sự chuẩn bị chu đáo từ đầu đến cuối, gặp trường hợp nào giải quyết theo vụ việc như thế thì rất khó. Điều này lý giải vì sao, chúng ta cứ lúng túng mỗi khi phát hiện di chỉ khảo cổ dưới nước”.

Phải hình thành các đội chuyên nghiệp, khi có đội ngũ chuyên nghiệp rồi từ đó sẽ điều tra, khảo sát chủ động trong khai thác di sản dưới nước…đó là mong mỏi của các nhà nghiên cứu, khảo cổ học. Tuy nhiên, 5 hay 10 năm nữa, chúng ta mới có lực lượng khảo cổ ở lĩnh vực này? Điều đó phụ thuộc vào nguồn nhân lực và sự đầu tư kinh phí của Nhà nước. Dù lúc này mới đặt vấn đề khảo cổ học dưới nước là đã muộn nhưng nhất định phải làm. Ngay từ bây giờ phải đặt ra vấn đề đào tạo, xây dựng đội ngũ khảo cổ học dưới nước một cách chuyên nghiệp để 5, 10 năm nữa, chúng ta có lực lượng chuyên nghiệp trong đội ngũ này.

Một tin vui được Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – GS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Với 3200km bờ biển, nhiều sông ngòi kênh rạch, khảo cổ học dưới nước là đối tượng chúng ta phải làm, quá muộn vẫn phải làm. Hiện tôi đang chỉ đạo xây dựng phòng khảo cổ học dưới nước, làm cơ sở cho việc hình thành bộ môn Khảo cổ học dưới nước ở nước ta”.

Hy vọng, khi đã được coi là một bộ môn tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam, khảo cổ học dưới nước sẽ có được lực lượng chuyên nghiệp để tiến hành khai quật, lưu giữ và chép lại kho tàng lịch sử còn chìm khuất sau đại dương bao la của Tổ quốc./.

Hà An

toquoc.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3721

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Thả lồng sắt niêm phong tàu cổ Quảng Ngãi

Thả lồng sắt "niêm phong" tàu cổ Quảng Ngãi

  • 29/09/2012 16:21
  • 1967

Để ngăn chặn nạn mò cổ vật của ngư dân, một lồng sắt khổng lồ sẽ được thiết kế, hạ thủy và “trùm” ra ngoài tàu cổ Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).