Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/09/2012 15:58 2123
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sau hai ngày làm việc liên tục, chiều 28/9/2012 tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã diễn ra buổi lễ bế mạc Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 47.

PGS.TS Tống Trung Tín đọc diễn văn bế mạc Hội nghị

Tham dự buổi lễ có đồng chí Trần Đức Lương - Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội đồng Khoa học; PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện KCH; TS. Nguyễn Gia Đối - Trưởng tiểu ban thời đại đá; TS. Trịnh Hoàng Hiệp - Trưởng tiểu ban thời đại kim khí; TS. Lê Đình Phụng - Trưởng tiểu ban KCH Lịch sử; TS. Nguyễn Tiến Đông - đồng trưởng tiểu ban Champa-Óc Eo; cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan quản lý văn hóa, các bảo tàng Trung ương và địa phương.

Các đại biểu dự lễ bế mạc Hội nghị

Tại buổi lễ bế mạc, các đông chí trưởng tiểu ban đã trình bày tình hình thảo luận tại 4 tiểu ban: Thời đại đá, thời đại kim khí, lịch sử và Champa-Óc Eo với gần 500 báo cáo về các hoạt động khai quật, nghiên cứu, thám sát các di tích, di vật trên toàn quốc:

Về Khảo cổ học Thời đại đá có 62 bài viết về các chương trình điều tra, thám sát, khai quật các di tích, di vật. Nổi bật nhất là dự án khảo cổ học tiền sử hang động Tràng An (Ninh Bình). Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lai Châu phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật di dời 7 di tích khảo cổ học ra khỏi vùng lòng hồ thuỷ điện Huội Quảng, phát hiện số lượng lớn di tích và di vật, niên đại kéo dài từ hậu kỳ đá cũ đến sơ kỳ kim khí; khai quật di chỉ Rạch Núi lần thứ 3, bổ sung thêm nhiều tư liệu về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân tiền sử vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ... Ngoài ra, Khảo cổ học Thời đại đá còn có 27 thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học tại các địa phương, đáng chú ý là: di tích Cự Thạch, răng voi hóa thạch ở Tuyên Quang, Hà Giang; di tích hang động ở Phù Lương (Thái Nguyên); di tích cổ sinh ở Lạng Sơn...

Về Khảo cổ Thời đại kim khí đã có 8 cuộc khai quật với 67 bài viết: Khai quật di chỉ Vườn Chuối lần thứ V, tầng văn hóa phát triển liên tục từ văn hóa Đồng Đậu đến văn hóa Đông Sơn; Khai quật địa điểm Nghĩa Lập lần thứ III xác định rõ di tích cư trú - mộ táng văn hóa Phùng Nguyên; Khai quật địa điểm Gò Non Sấu niên đại văn hóa Phùng Nguyên; Khai quật lần thứ II di chỉ Văn Tứ Đông, đã phân định được tầng văn hóa có sự diễn biến sớm muộn một cách khá rõ ràng, niên đại khoảng 400 năm trước Công nguyên đến khoảng 100 năm sau Công nguyên; Khai quật lần thứ IV di tích Hòa Diêm, bước đầu xác định các mối quan hệ di tích Hòa Diêm với Xóm Cồn, Sa Huỳnh, nhóm di tích mộ chum Đông Nam Bộ, với khu vực Đông Nam Á Hải đảo, Đông Nam Á lục địa và với văn hóa Hán (Nam Trung Quốc). Bên cạnh đó cũng có 20 thông báo phát hiện mới về di tích, di vật trống ở: Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Bình...

Khảo cổ học Lịch sử đã thực hiện 25 cuộc khai quật với 327 bài viết gửi về Hội nghị. Trong đó, trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thám sát thăm dò tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2011. Tại các hố thám sát, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học đã minh chứng tính liên tục kéo dài của các di tích thờ từ thời Lý đến thời Nguyễn; chứng minh bậc thềm rồng điện Kính Thiên được xây dựng và tồn tại từ thời Lê sơ. Cuộc khai quật Văn Cao đã làm rõ được dấu tích của Hoàng thành Thăng Long thời Lê Hồng Đức. Ngoài ra, khai quật núi Phương Nhi, phát hiện dấu tích nền móng kiến trúc tháp thời Lê và các di vật liên quan đến xây dựng tháp niên đại Lý; Khai quật địa điểm Cửu Nam, thành Nhà Hồ đã làm rõ con đường Hoàng gia được lát đá và phát hiện thêm loại hình di tích mới: dấu tích lũy đá - công trình kiến trúc quân sự bảo vệ cổng thành Nam niên đại thời Lê sơ; thông báo kết quả khai quật di tích Quan Tượng Đài phía tây nam Kinh thành Huế, di tích đài thiên văn cổ duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam. Bên cạnh đó, là những thông báo về các phát hiện khác tại các địa phương. Đáng chú ý có những thông tin mới nhất về tàu đắm cổ Hưng Lợi (Nghệ An), tàu đắm ở Bình Châu (Quảng Ngãi), tàu cổ X3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu; 52 thông báo về di tích đình, chùa; 64 thông báo về văn bia, sắc phong...; 8 thông báo về tiền cổ; 43 thông báo về đất nung, gốm men, sành sứ...

Về Khảo cổ học Cham Pa - Óc Eo với 29 bài viết qua 4 cuộc khai quật và khảo sát: Khai quật di tích văn hóa Champa Phong Lệ (Đà Nẵng) làm xuất lộ khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của 1 tòa tháp Chăm lớn; Khảo sát tại Long An các di tích: Rạch Rừng, Gò Duối, Lò Gạch, Gò Đình, Gò Miễu Cổ Sơn Tự nhằm mục đích quy hoạch, bảo vệ di tích, nghiên cứu và bổ sung tư liệu về giai đoạn tiền Óc Eo - Óc Eo ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An); Điều tra, thám sát, khai quật di tích Nhơn Thành, huyện Phong Điền đã xác định diện phân bố của di tích còn khá rộng, ghi nhận hiện vật Yoni độc đáo bằng gỗ lần đầu tìm thấy trong văn hóa Óc Eo, niên đại khoảng TK IV - VI AD; Điều tra hệ thống các di tích khảo cổ ở Tây Ninh, trong đó có các di tích tiền - sơ sử; Óc Eo và hậu Óc Eo rất được chú trọng...

Những hoạt động khảo cổ học năm 2012 trên toàn quốc rất sôi nổi và phong phú, số lượng và nội dung các thông báo khảo cổ đã bám sát các chương trình nghiên cứu lớn; các cuộc khai quật, điều tra, thăm dò, thám sát, cùng với các phát hiện, nghiên cứu về di tích di vật đã bổ sung nhiều tư liệu mới cho ngành khảo cổ học, sử học, văn hóa... Từ đó, có những đóng góp hữu hiệu trong việc xây dựng hồ sơ,quy hoạch, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, di sản.

TS. Lê Đình Phụng trình bày báo cáo tại Hội nghị

Lê Khiêm

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3429

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Tiến hành thăm dò tàu đắm ở Quảng Ngãi

Tiến hành thăm dò tàu đắm ở Quảng Ngãi

  • 28/09/2012 11:29
  • 1819

Ngày 27.9, dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, Cty TNHH Đoàn Ánh Dương, trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh tiến hành thăm dò, khảo cổ di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển Vũng Tàu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nhằm tìm phương án an toàn, thích hợp nhất cho việc khai thác cổ vật từ con tàu đắm.